"Quên chính trị đi, hãy lo cứu người"

13/08/2020 11:37

Tính mạng và chính trị, cái nào quan trọng hơn? Đây là câu hỏi nhức nhối sau khi Nga công bố đăng ký loại vắcxin COVID-19 đầu tiên trên thế giới Sputnik-V.

Hình ảnh vắcxin COVID-19 do Nga sản xuất, mỗi người sẽ được tiêm 2 mũi để tạo miễn dịch - Ảnh: Bộ Y tế Nga/TASS

Ngay lập tức, dư luận toàn cầu chia đôi. Một số nước, bao gồm 20 quốc gia đặt mua và hợp tác, xem vắcxin Nga như sự 'cứu rỗi' trước sự tàn phá kinh hoàng của virus corona. Số khác, có vẻ đông đảo hơn, nghi ngờ về công dụng và độ an toàn của Sputnik-V, chủ yếu nhắm vào lý do chưa được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đúng "chuẩn".

Các nước có "gỡ thể diện" trước Nga?

Ngay khi Nga công bố đăng ký và sắp tiến hành tiêm vắcxin Sputnik-V ngừa COVID-19, chính quyền Mỹ đã công bố thông tin đồng ý mua 100 triệu liều vắcxin lâm sàng của Hãng Moderna với giá 1,5 tỷ USD, tức 15 USD/liều.

Những người không tin nước Nga có thể cho rằng Matxcơva đã vội vã tung ra Sputnik-V để phục vụ danh tiếng, lợi ích chính trị. Nhưng dù nhận định này đúng hay sai, nó cũng đang tạo ra mối lo ngại về một hiệu ứng domino: 

Liệu các nước khác có hy sinh sức khỏe nhân dân để "gỡ thể diện" hay không, khi vắcxin không phải chuyện phóng một vệ tinh hay việc Yuri Gagarin bay vào vũ trụ khi xưa?

Trước những nghi hoặc tứ phía, Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga khi trả lời báo chí phương Tây về vắcxin Nga, đã nói: "Quên chính trị đi, hãy lo cứu người".

Đồ họa: NHƯ KHANH

"Động lực" cho ông Trump?

Vấn đề hiện nay là dư luận Mỹ đang đặt dấu hỏi rằng liệu Mỹ sẽ tung ra một loại vắcxin để cứu người, hay sự kiện Nga ra mắt vắcxin sẽ càng khiến chính trị là động cơ mạnh mẽ hơn cho hành động của chính quyền Tổng thống Trump?

Thật trùng hợp khi cụm từ "Dự án Apollo" cũng xuất hiện khi nói về sự phát triển vắcxin của Mỹ, ngụ ý rằng nước Mỹ cần dồn toàn lực và ý chí cho cuộc chiến này. 

Trong cuộc họp báo qua điện thoại ngày 12.8, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar khi được hỏi về vắcxin, ông đã nhắc lại nỗ lực của Nhà Trắng trong chương trình Operation Warp Speed, nhằm thúc đẩy tiến trình đưa vắcxin vào sử dụng. 

Đến nay trong khuôn khổ Operation Warp Speed, Mỹ đã mua gói thử nghiệm của các công ty gồm: Moderna, GlaxoSmithKline và Sanofi, Pfizer, Novavax, Johnson & Johnson và AstraZeneca.

Tờ New York Times dẫn lời bác sĩ Margaret Hamburg, Ủy viên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, lo ngại rằng chính quyền ông Trump sẽ chịu áp lực buộc phải ra mắt vắcxin sớm để cạnh tranh với Nga. 

"Tôi chắc rằng điều này sẽ tạo thêm động lực cho ông ấy (Trump) hối thúc FDA. Nếu ông ấy tin rằng việc thử nghiệm đồng nghĩa có thêm nhiều ca nhiễm mới, tôi nghi rằng ông ấy có thể tin nếu bạn không thử nghiệm thuốc hay vắcxin, thì thuốc và vắcxin này sẽ hoạt động hiệu quả" - bà Hamburg nhận xét, có ý mỉa mai quan điểm của ông Trump về y học.

Truyền thông Mỹ thường nhắc nhở độc giả rằng chuyên gia y tế nước này cảnh báo phải đầu năm sau mới có thể có vắcxin, trong khi chính quyền ông Trump lại có ý tung ra sớm hơn, tức khớp với cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 tới.

Nga phản bác các chỉ trích

Theo Hãng tin RIA Novosti, trong cuộc họp báo ngày 12.8, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho rằng luồng ý kiến chỉ trích về vắcxin của Nga là "các đồng nghiệp nước ngoài có vẻ cảm thấy sức ép cạnh tranh từ vắcxin của Nga nên đưa ra nhiều ý kiến, theo ý chúng tôi, là hoàn toàn không có cơ sở".

Ông Murashko tái khẳng định vắcxin của Nga là giải pháp đã được chứng minh bằng kiểm nghiệm lâm sàng và dữ liệu.

"Trước hết việc sản xuất sẽ ưu tiên cho nhu cầu trong nước vì chúng tôi cần đáp ứng cho người dân trước. Chúng tôi cũng đề xuất cho phép các đơn vị nước ngoài tham gia sản xuất, hiện tại đàm phán đang diễn ra" - ông Murashko thông tin thêm.

Bộ Y tế Nga dự kiến lô vắcxin đầu tiên (tên gọi Sputnik-V) sẽ được tung ra trong 2 tuần tới. Việc tiêm chủng đối với mọi người dân là tự nguyện chứ không bắt buộc, bao gồm cả y bác sĩ.

Theo thông tin của Cục Đăng ký dược phẩm Nga, Sputnik-V là dạng vắcxin tiêm trực tiếp gồm 2 liều, tiêm cách nhau 3 tuần. Cơ chế này được cho là tạo ra miễn dịch bền vững và duy trì tối đa đến 2 năm.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Quên chính trị đi, hãy lo cứu người"