Nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa Nhà văn Vũ Thảo Ngọc
Đó là Đỗ Thị Hiền Hòa quê xã Lê Lợi (Chí Linh) và Vũ Thảo Ngọc quê làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang), cả hai đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đã nói “cả hai đều” thì còn phải nói thêm mấy cái “đều” nữa. Trước tiên, hai chị đều là con nhà nông, bé học trường làng, lớn lên vào bộ đội, chuyển ngành làm công nhân. Có điều Hiền Hòa thì về làm công nhân Nhà máy Thủy tinh ở ngay huyện nhà (nay là thị xã Chí Linh), còn Thảo Ngọc thì ra làm công nhân mỏ mãi ngoài Quảng Ninh. Từ trong lao động, cộng với niềm say mê sáng tác, kẻ trước người sau hai chị đều lần lượt đi học Trường viết văn Nguyễn Du: Đỗ Thị Hiền Hòa học khóa 1, Vũ Thảo Ngọc học khóa 6, khóa cuối cùng của Trường viết văn Nguyễn Du thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. Ra trường có chút “vốn” văn chương, hai chị đều được điều động về công tác ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, rồi đều giữ chức vụ Phó Chủ tịch hội, chỉ khác, Đỗ Thị Hiền Hòa có may mắn ở ngay tỉnh nhà, còn Vũ Thảo Ngọc vẫn “lận đận” ngoài vùng than Quảng Ninh.
Kể ra, chừng ấy cái “đều” cũng là nhiều, nhưng với người sáng tác thì vẫn là chưa đủ để họ kết lại với nhau, mà còn một cái “đều” kết dính hai người như “keo” chính là thiên hướng sáng tác: cả hai, dù kẻ ở gần, người đi xa quê hương, nhưng vẫn đau đáu hướng về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình qua những trang viết tâm đắc về con người và vùng đất nơi họ sinh thành. Điều đó được thể hiện rõ qua những tác phẩm văn học của hai chị, dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết, bút ký và cả thơ, thì người đọc cũng gặp trong sáng tác của họ những ông bố, bà mẹ, người vợ, người em gái thùy mị, nết na, hay lam hay làm, chỉn chu việc nhà, việc làng, việc nước, không chỉ trong thời “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, mà cả trong thời bình họ vẫn “hai vai gánh vác việc sơn hà” không thua kém nam giới. Những con người và cảnh vật nông thôn trong sáng tác của Đỗ Thị Hiền Hòa và Vũ Thảo Ngọc thì không thể lẫn với ai. Nếu người đọc không ngại thời gian, tôi trích ra đây đoạn văn trong truyện ngắn “Hoa cau” của Đỗ Thị Hiền Hòa, viết khi chị vào tuổi 30, để thấy bút lực của một cây bút nông thôn tiềm ẩn trong chị: “Mới năm năm mà cảnh vật khác lạ đến sững sờ. Anh thoáng tưởng mình bước nhầm vào nhà nào khác. Mảnh sân vôi sạt lở ngày ấy đã được thay bằng những hàng gạch chỉ đỏ hồng. Nếp nhà tranh một gian hai chái, nay đã thay bằng ngôi nhà ngói khang trang, tường vôi trắng lốp. Rồi từ mái bếp đến chuồng lợn, chuồng gà đều ngăn nắp, gọn gàng. Ngay cạnh giếng nước, bao nhiêu là rau ngót, mùng tơi, rau đay, chen chúc với nhau. Mấy cây ớt thóc chín đỏ gay, nhiều quả quắt khô rũ rượi rụng xuống. Chẳng bù cho nhà anh. Mỗi bữa cơm ngồi xuống mâm anh vẫn bứt rứt vì thiếu cái vị cay mà anh thích từ thuở bé. Hôm nào thằng cu con ngoan lắm thì nó chạy sang bà, xin cho bố mấy quả ớt ương ương. Còn giậu mùng tơi thì già cỗi, đỏ quành quạch rồi mà chiều nào con gái anh cũng xách rổ ra bòn từng cái lá”. Còn đây là cảnh sắc nông thôn trong truyện ngắn “Trong ngõ ngoài làng” của Vũ Thảo Ngọc: “Lúc đó có bóng mây ngang qua mặt trăng, rõ lâu, hình như hôm nay Trung thu cơ mà, sao lại trăng lu nhỉ. Tiếng lá chuối đu vào nhau loạt xoạt. Tiếng cành tre cọ vào nhau lẹt rẹt. Có tiếng quạ ăn đêm. Tiếng con cu cườm nhà nào ngộ sáng tự nhiên rúc một tiếng. Hai bóng đen đổ vào nhau. Hư hư hư… Nào, thôi, thôi nín đi. Tôi có sướng gì hơn đằng ấy đâu. Hư hư hư. Nào, bặt đi, bọn trẻ nghe thấy phiền ra”. Đấy là cảnh chàng Thục và nàng Ngọt ngoại tình ở ngay sân nhà Ngọt một đêm trăng. Hẳn không phải là người gắn bó “sinh tử” với quê hương, thì khó có thể đặc tả cảnh sắc nông thôn sinh động đến thế.
Viết về nông thôn với những con người và cuộc sống đang thay đổi từng ngày, vừa đa dạng lại vừa phức tạp, nhiều niềm vui và cũng không ít nỗi buồn, vẫn luôn là niềm khát khao sáng tác của hai nhà văn nữ tỉnh Đông. Dù bây giờ cả hai chị đều ở xa quê, nhưng dường như nhịp sống làng quê vẫn cuộn chảy trong li ti huyết quản của hai người. Bằng chứng là gần đây nhất, tháng sáu vừa rồi, gần như cùng lúc tôi nhận được hai cuốn tiểu thuyết của hai chị, và đều viết về nông thôn nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đỗ Thị Hiền Hòa là tiểu thuyết “Mùa gấc chín”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, viết về lớp thanh niên nam nữ vùng đất cằn Chí Linh, quê chị, trưởng thành thời “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nay kẻ mất người còn nhưng vẫn thảo thơm tấm lòng với mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn. Còn Vũ Thảo Ngọc là tiểu thuyết “Trai làng Quyền” viết về chính cái làng Mộ Trạch, quê chị, với một truyền thống khoa bảng và võ tướng từ thời mới lập đất, đến bây giờ trong cơ chế thị trường vẫn truyền nhau lòng tự tôn đất mẹ, lòng yêu nước, thương người, giàu nghèo không phân biệt cùng chung lưng đấu cật xây dựng quê hương. Đây là hai cuốn tiểu thuyết viết về nông thôn khá tiêu biểu của hai chị, cả về bề dầy lịch sử văn hóa và chiều sâu nhân vật, cũng như vấn đề mà nhà văn muốn chuyển tải đến người đọc. Dẫu trước đó, cả hai đã có những tập truyện ngắn, tiểu thuyết khá ấn tượng. Đỗ Thị Hiền Hòa năm 2010 có tiểu thuyết “Gió chuyển mùa” đoạt giải ba cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, hay gần đây nhất là tiểu thuyết “Thủy tinh xanh” của chị được nhận giải ba cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, lao động do Tổng Liên đoàn Lao động và Hội Nhà văn Việt Nam vừa trao; nhưng theo tôi, “Mùa gấc chín” vẫn là cuốn tiểu thuyết bề thế của Đỗ Thị Hiền Hòa viết về nông thôn. Nói đến nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa cũng muốn nói thêm, chị là một trong số ít nhà văn nữ hiện nay đã đứng tuổi (chị sinh năm 1950) vẫn viết khỏe, nhất là từ khi chị nghỉ hưu thì hầu như không mấy năm không ra sách, có năm như 2014, chị có tới hai cuốn tiểu thuyết “ra lò”. Vậy mà hôm mới rồi, tôi có việc lên Mỹ Đình (Hà Nội) ghé vào chỗ chị, thấy trên bàn la liệt sách lịch sử, văn hóa và dư địa chí tỉnh Hải Dương. Thì ra, chị đang chuẩn bị tư liệu cho cuốn tiểu thuyết viết về nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi, một nhân vật mà theo chị, đã định viết lâu rồi nhưng cứ nấn ná chưa viết được, thì lần này sẽ tập trung viết. Với một người đã vào tuổi 65, chỉ nội trợ và trông cháu cho con trai đã thấy vất, thế mà lại rời cháu ra lúc nào là luôn tay gõ bàn phím lúc ấy, thì quả Đỗ Thị Hiền Hòa lần này quyết tri ân với người nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi nói riêng và những người mẹ, người chị trên quê hương Hải Dương nói chung, trước khi chị muốn “gác bút nghiên”. Còn nhà văn Vũ Thảo Ngọc thì khỏi nói, vì chị còn trẻ (chị sinh năm 1965), và sức trẻ bao giờ cũng nuôi nhiều ước vọng, mà một sê-ri sách với gần 20 cuốn truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký và thơ không những viết cho người lớn, còn viết cả cho thiếu niên, với hàng chục giải thưởng văn học của địa phương và trung ương, đủ thấy một năng lực tiềm ẩn trong người con gái đất khoa bảng Mộ Trạch đang vào “độ chín” văn chương.
CAO NĂM