Quản vợ

20/06/2017 14:31

Chị là gái phố, không xinh đẹp lộng lẫy nhưng vẻ ngoài có duyên, ưa nhìn.



Hồi con gái, khối chàng trai trên phố tán tỉnh, theo về tận nhà “trồng cây si” nhưng chẳng hiểu duyên số thế nào, chị lại yêu rồi cưới anh - một chàng trai thôn quê chính hiệu. Có lẽ bởi chị nhận thấy anh đích thị là người đàn ông của gia đình, nhất mực quan tâm đến mọi người. Hơn nữa gia đình anh nền nếp, gia giáo, các anh chị em đều được học hành đến nơi đến chốn nên chị rất yên tâm.

Nhà anh đất chật, người đông, những ba anh em trai, anh lại là con út nên khi cưới vợ thì được phép ra ngoài ở riêng. Anh chị dành dụm được một phần cộng thêm vay mượn anh em, bạn bè xây được căn nhà nhỏ ngoài mặt phố. Dù chị có bằng dược sĩ trong tay nhưng anh không muốn chị đi làm cơ quan nhà nước vì bó buộc thời gian. Anh khuyên chị mở một quầy thuốc tây tại nhà, vừa bán hàng vừa lo cơm nước, con cái. Lúc đầu chị thấy cũng ổn nhưng dần dà chị hiểu ra đó là cách để anh "quản" vợ.

Anh can thiệp quá sâu vào công việc, sở thích và các mối quan hệ của chị. Chị cần đi đâu xa một chút là anh sẽ sắp xếp công việc để đưa chị đi, đón chị về. Buổi tối, chị không được phép ra khỏi nhà một mình. Người ngoài nhìn vào ai cũng nghĩ chị được chồng quan tâm, yêu chiều nhưng càng ngày chị càng có cảm giác ngột thở. Chị đi đâu, làm gì cũng phải xin phép anh đàng hoàng, kể cả đi chợ, mua sắm. Anh cho phép thì chị mới được đi. Anh cho chị dùng điện thoại di động nhưng chỉ được dùng loại “cục gạch”, không thể lướt Facebook hay vào Zalo được. Danh bạ điện thoại của chị không được phép có số lạ. Hễ số lạ gọi đến mà anh biết được thì anh sẽ là người trả lời thay chị.

Ấy thế mà mỗi lần chị về quê, hai chị dâu của chồng vẫn còn bảo chị sướng chán. Còn may mắn hơn các chị là được chồng cho dùng điện thoại, chứ các chị còn không được dùng. Chị ngỡ ngàng, không tin được chuyện đó, cho đến khi đang ăn cơm thì con lớn của chị dâu cả đi lao động ở Hàn Quốc gọi về muốn nói chuyện với mẹ, chị dâu phải nghe qua điện thoại của chồng, chị mới vỡ lẽ. Quan điểm của các anh chồng là: “Cho vợ dùng điện thoại để nói chuyện với giai à?”. Chị cũng không thể hiểu nổi vì sao những người đàn ông ở gia đình chồng vừa có học thức, vừa có địa vị trong xã hội lại có cách hành xử với vợ gia trưởng đến như vậy.

Câu chuyện mà chị dâu cả kể lại hôm đó vẫn là nỗi ám ảnh đối với chị. Đúng hôm mùng một, anh cả thèm ăn tiết canh “cho đỏ”, chị dâu chiều chồng, đi xe đạp điện lên phố để mua, ai ngờ đang đi thì xe hết điện, chị dâu phải đạp xe nên về nhà muộn mất nửa tiếng so với anh cả bấm giờ. Chẳng cần hỏi han lý do, anh hất cả bát tiết canh vào người chị và tru tréo bảo rằng chị “hẹn hò với giai”. Chị dâu vừa kể vừa ngân ngấn nước mắt: “Nhục lắm em ạ! Chẳng khác nào làm dâu chồng. Nhà này có gien gia trưởng di truyền. Em liệu mà cư xử”.

Chị dâu thứ hai cũng không sung sướng gì vì tài chính trong gia đình đều do chồng quản hết. Chị muốn mua gì, ăn gì cũng phải qua chồng "duyệt", có việc gì cần chi tiêu cũng phải ngửa tay xin tiền chồng. Đã thế, anh chồng còn hoạnh họe, bắt chị ghi ra sổ cụ thể từng khoản để cuối tháng anh kiểm tra, xem có thất thoát đi đâu đồng nào không. Có bận, chị sơ suất ghi nhầm khiến anh nghi ngờ chị “mang tiền cho giai” nên quấn mái tóc dài của chị vào chân giường rồi "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân" làm hàng xóm phải sang can thiệp. 

Nghĩ đi nghĩ lại, chị và hai chị dâu đều tự trách mình đã không quyết đoán ngay từ đầu, cứ tâm niệm “một sự nhịn, chín sự lành” thành ra các anh chồng càng lấn tới. Thói ghen tuông vô cớ, nghi ngờ vợ đến mức bệnh hoạn dường như đã ăn vào máu của họ. Có bận chị đưa con đi học, gặp bạn học hồi cấp 3, rủ nhau uống tách cà phê hàn huyên một hồi, thế mà chuyện đến tai anh, anh đay đả: “Có chồng rồi mà còn thích đàn đúm”. Công việc bán hàng của chị đòi hỏi lúc nào cũng phải niềm nở với khách hàng, nhưng hễ anh chứng kiến chị tươi cười với khách là đàn ông thì mặt anh nặng như chì. Chị giải thích thì anh vùng vằng: “Người ta không mua thì thôi”.

Sáng nay, có mấy người quen đến mua thuốc đúng lúc chị đang bức xúc với chồng. Mắt đỏ hoe, chị thở dài giãi bày: “Đấy! Ai cũng bảo mình sướng, được chồng quan tâm nhưng quan tâm kiểu này thì cũng đến nhồi máu cơ tim mất. Sống với nhau gần chục năm rồi, có hai mặt con rồi mà còn không tin vợ”. Thì ra, anh đi du lịch cùng cơ quan năm ngày, để giám sát vợ từ xa, anh tháo sim từ cái điện thoại “cục gạch” của chị lắp sang cái máy xịn của anh. Máy có chế độ định vị, theo dõi cuộc gọi đến, gọi đi từ xa. Chị nhủ thầm: nhất định chờ anh đi du lịch về sẽ nói chuyện thẳng thắn với anh, nói sớm may ra còn có “thuốc” chữa kẻo để lâu lại thành “bệnh mạn tính”.

TRẦN THỊ LÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản vợ