Quản lý giá cả để bình ổn thị trường

10/09/2010 06:08

Quản lý giá là công cụ hữu hiệu để ổn định thị trường hàng hóa, đưa thị trường vận hành theo hướng cạnh tranh lành mạnh có sự quản lý của Nhà nước, giúp kiểm soát hiệu quả lạm phát, góp phần ổn định chính trị - xã hội.


Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phải chấp hành nghiêm các quy định về giá, thực hiện niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, kê khai, đăng ký giá

Quản lý giá hàng hoá là một trong những giải pháp quan trọng để bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát. Thực hiện các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước khoảng 6,5% trong năm 2010, công tác quản lý giá trên địa bàn tỉnh đã và đang được tăng cường.

Từ đầu năm đến nay, hàng hoá lưu thông trên thị trường tỉnh khá đa dạng. Hoạt động thương mại và cung ứng hàng hoá tiếp tục được duy trì ổn định. Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát nhằm bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát đã được các cơ quan chức năng trong tỉnh chủ động tăng cường phối hợp thực hiện quyết liệt. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường sữa (đặc biệt là sữa bột).

Tỉnh ta hiện có hơn 250 cơ sở kinh doanh sữa, hầu hết là các cửa hàng bán lẻ, mua hàng của nhiều đại lý trung gian khác nên khó kiểm soát giá mua vào. Do đó, Sở Tài chính đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, các ngành liên quan kiểm tra các cơ sở lớn, đơn vị đầu mối nhập khẩu sữa, các đơn vị kinh doanh chiếm thị phần chi phối; kiểm soát chặt chẽ bảo đảm chênh lệnh giữa giá mua và giá bán ở mức hợp lý, bảo vệ người tiêu dùng.

Qua kiểm tra 11 vụ về sữa, lực lượng chức năng phát hiện các đơn vị kinh doanh chủ yếu vi phạm về ghi nhãn hàng hoá, điều kiện kinh doanh, vệ sinh, an toàn thực phẩm và vi phạm về niêm yết giá; không có tình trạng đầu cơ, găm hàng lợi dụng chờ tăng giá, đưa tin thất thiệt, nhằm trục lợi.

Thực hiện Quyết định số 503 của Bộ Tài chính về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với hàng hoá có biến động tăng giá, thời gian qua, Sở Tài chính đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, Cục Thuế tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá bán của một số hàng hoá thuộc diện bình ổn giá; xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý giá, kê khai, niêm yết giá và công khai thông tin về giá; kiểm tra tình hình quản lý xuất, nhập khẩu hàng hoá, các quy định về chất lượng hàng hoá... Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng xi-măng, thép xây dựng, đá, cát, gạch, phân bón hoá học, thức ăn chăn nuôi gia súc trên địa bàn.

Thời gian qua, một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm các quy định về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí trông giữ phương tiện ô-tô, xe máy, xe đạp như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Thương mại TP Hải Dương, một số chợ... Trước thực trạng này, Sở Tài chính yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiến hành rà soát, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh ngay việc thực hiện không đúng mức thu, chế độ nộp, quản lý và sử dụng nguồn thu từ phí trông giữ phương tiện; niêm yết mức thu phí (ghi rõ mức thu đối với ô-tô, xe máy, xe đạp) công khai tại nơi thuận lợi cho việc quan sát của người gửi phương tiện. Kịp thời xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.

Với những nỗ lực trên, tỉnh ta đã và đang tăng cường công tác quản lý giá, kiểm soát thị trường, quyết tâm cùng cả nước kiềm chế lạm phát, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch đã đề ra. 8 tháng đầu năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,8% so với tháng 12 năm 2009, trong đó tháng 8 tăng 0,2% so với tháng 7, tăng 8,13% so với tháng 7 năm 2009. Nếu duy trì mức độ tăng giá như 3 tháng gần đây thì cả năm có thể chỉ tăng khoảng 8%.

Tuy nhiên, những diễn biến thời tiết phức tạp (bão mạnh, lũ lớn...) có thể gây xáo trộn lớn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Ngoài ra, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh, thành phố sẽ tác động đến tâm lý tiêu dùng, đẩy giá thực phẩm thay thế tăng.

Để bình ổn giá cả thị trường, Sở Tài chính đã đề nghị các sở, ngành liên quan như công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, công an, Cục Thuế tỉnh... phối hợp theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; kiểm soát các yếu tố hình thành giá để chủ động đề xuất các biện pháp bình ổn giá, nhằm ổn định sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về giá, thực hiện niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, kê khai giá (đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá) và đăng ký giá (hàng hoá, dịch vụ thuộc diện phải đăng ký giá). Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm và hàng hoá, dịch vụ thiết yếu khác cần có kế hoạch chuẩn bị hàng và tổ chức mạng lưới cung ứng bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, tránh để xảy ra mất cân đối cung cầu, gây đột biến giá.

Trước mắt, yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh rà soát và loại bỏ chi phí không hợp lý, phấn đấu giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Nghiêm cấm việc tự động nâng giá nhằm thu lời bất chính, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, xi-măng, sắt thép, thuốc chữa bệnh, phân bón hóa học và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng khác.

Đối với cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp khi sử dụng nguồn ngân sách để mua sắm tài sản phải thực hiện tiết kiệm, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về thẩm định giá, đấu thầu, đấu giá. Các đơn vị được phép tổ chức thu phí, lệ phí phải thực hiện đúng mức thu theo quy định.

Các sở, ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, kiểm tra chấn chỉnh việc thu phí, lệ phí tại các bệnh viện, chợ, khu vui chơi giải trí, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử... nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại... gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết.

UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc diện bình ổn giá, thực hiện đăng ký, kê khai giá tại địa phương.

N.Q

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quản lý giá cả để bình ổn thị trường