Trong bối cảnh hai dân tộc từng đối đầu ở quá khứ, chính sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ cùng nhau đã gỡ những nút thắt trong mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Trong buổi nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) ở thủ đô Washington tháng 7.2015, nhân chuyến thăm chính thức Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Cách đây 20 năm, có lẽ ít ai hình dung được bằng cách nào mà hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ có thể vượt qua được nỗi đau của chiến tranh để xây dựng một mối quan hệ phát triển mạnh mẽ và tích cực như hiện nay.
Trong suốt chặng đường 20 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã phát triển năng động, liên tục và ngày càng sâu rộng, trải qua nhiều dấu mốc phát triển quan trọng. Đó là kết quả nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Đó cũng là thí dụ thành công về quan hệ giữa các nước từng đối đầu trong quá khứ, có thể chế chính trị khác nhau, phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác của thời đại”.
Trong bối cảnh hai dân tộc từng đối đầu ở quá khứ, chính sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ cùng nhau đã gỡ những nút thắt trong mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Nỗ lực này không chỉ đến từ hai Nhà nước mà còn đến từ những cá nhân, tổ chức, đang từng ngày, từng giờ đóng góp vào quá trình hàn gắn, xoa dịu vết thương chiến tranh, cùng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Chuộc lỗi
Chuck Searcy, cựu binh Mỹ, tham chiến ở Việt Nam những năm 1967-1968, dành hơn 20 năm khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam. Mảnh đất Quảng Trị giờ như quê hương thứ hai của ông.
Trở lại Việt Nam lần đầu năm 1992 trong một chuyến du lịch, đến năm 1995 Chuck Searcy có một hợp đồng ba năm của chương trình cựu binh Mỹ giúp đỡ người khuyết tật do Chính phủ Mỹ tài trợ, rồi ở lại Việt Nam đến tận bây giờ.
Với tư cách là một chuyên gia quốc tế xử lý hậu quả bom mìn, Chuck Searcy cùng cộng sự thành lập Tổ chức RENEW năm 2001. Tổ chức này thực hiện các dự án rà phá bom mìn, cung cấp hỗ trợ y tế, phục hồi chức năng và tạo thu nhập cho nạn nhân bom mìn.
Gần 25 năm qua, ông Chuck Searcy gắn bó với mảnh đất Quảng Trị, nơi diễn ra những trận chiến ác liệt trong quá khứ, để hoàn thành tâm nguyện chữa lành những vết thương mà cuộc chiến gây ra cho Việt Nam.
Theo ông Chuck Searcy, rà phá tất cả bom mìn trong đất nước này là một mục tiêu không thực tế, nhưng giảm thiểu và chấm dứt các vụ tai nạn, thương vong, đồng thời giúp trẻ em và người lớn ở Việt Nam có niềm tin rằng họ an toàn trước các đe dọa của bom mìn là một mục tiêu có thể đạt được.
Năm 2001, khi dự án RENEW ra mắt, mỗi năm ở Quảng Trị có khoảng 80-90 vụ tai nạn do bom mìn nổ. Tuy nhiên, năm 2016, chỉ có 1 vụ tai nạn do bom nổ trong toàn tỉnh, khiến 1 người chết và 1 người bị thương. Trong hai năm gần đây, Quảng Trị không ghi nhận một vụ nổ bom mìn nào.
Năm 2003, Chuck Searcy vinh dự được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị vì những nỗ lực không mệt mỏi của ông trong công tác khắc phục ảnh hưởng của bom mìn còn sót lại của chiến tranh.
“Với chúng tôi, những cựu chiến binh Mỹ, chiến tranh Việt Nam là một trải nghiệm vô cùng đáng quên trong cuộc đời. Đó là sự hối tiếc của chúng tôi. Bởi vậy, khi chứng kiến những gánh nặng mà người Việt Nam phải chịu đựng để giải quyết hậu quả chiến tranh, tôi nhận thấy mình cần phải quay lại, có trách nhiệm trong việc xây dựng lại, hàn gắn lại những vết thương”, ông Chuck Searcy chia sẻ.
Susan Hammond đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1991 trong một chuyến du lịch. Hiểu biết của bà về đất nước Việt Nam lúc đó chỉ là những câu chuyện của cha mình.
Cha của Susan, ông Prentice F. Hammond Sr là một kỹ sư từng phục vụ trong quân đội Mỹ. Những năm tháng ở Việt Nam, ông đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin và mất vì căn bệnh Parkinsons.
Năm 1991, cô gái trẻ 26 tuổi Susan Hammond đến Việt Nam với niềm khao khát khám phá vùng đất mới lạ và tìm hiểu về một Việt Nam tươi đẹp trong câu chuyện của cha mình.
Thế nhưng, những gì cô nhìn thấy chỉ là một đất nước nghèo với những di chứng chiến tranh còn hiện diện khắp nơi, duy chỉ có người dân vẫn hồn hậu, chân tình, không hề tỏ ra thù ghét người Mỹ. Vô cùng ngạc nhiên với điều này, Susan bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam, về cuộc chiến tranh và những hậu quả đất nước này đã và đang phải gánh chịu.
Sau chuyến thăm đầu tiên, năm 1996, Susan có cơ hội quay lại Việt Nam để học tiếng Việt. Từ đó, cuộc đời của Susan gắn chặt với Việt Nam.
Susan Hammond trở thành một trong những người đầu tiên tham gia hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam với vai trò Phó Giám đốc Quỹ Hòa giải và Phát triển (một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ). Năm 2006, Susan Hammond thành lập Tổ chức phi chính phủ War Legacies Project (Tổ chức dự án di sản chiến tranh) nhằm hỗ trợ những người đang phải chịu các di chứng về sức khỏe và môi trường do cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Trong hơn 20 năm qua, những dự án do bà Susan Hammond xây dựng và triển khai để hỗ trợ Việt Nam tuy không có quy mô hay giá trị lớn về tài chính, nhưng đều rất thiết thực đối với người hưởng lợi.
Những dự án ấy càng có ý nghĩa quan trọng trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh khi nguồn tài trợ cho một số dự án đến từ chính các cựu binh Mỹ và gia đình, với mong muốn chung tay xoa dịu nỗi đau do chiến tranh gây ra cho cả hai phía Việt Nam và Mỹ.
Tại Quảng Nam, từ năm 2008 đến nay, cùng với Hội Chữ thập đỏ của tỉnh, bà Susan Hammond đã hỗ trợ trực tiếp cho hàng trăm gia đình có trẻ khuyết tật nặng, sửa chữa cải tạo nhà ở, cung cấp vốn hoặc con giống để phát triển kinh tế gia đình, chăm sóc sức khỏe, cấp học bổng cho trẻ khuyết tật hoặc người trong gia đình trẻ khuyết tật.
Bà Susan Hammond cũng dành nhiều nỗ lực để hỗ trợ giải quyết các tác động của chất độc da cam đối với môi trường ở Việt Nam. Bà đã vận động quyên góp để trồng hàng rào xanh xung quanh điểm nóng dioxin ở A Lưới (Thừa Thiên-Huế) và hỗ trợ các gia đình ở khu vực này trồng cây mây để tăng thu nhập; cùng nhiều phóng viên báo chí, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim tài liệu thực hiện nhiều phóng sự về ảnh hưởng của chất độc da cam ở Việt Nam.
Bà xây dựng và tiếp tục cập nhật các thông tin, dữ liệu liên quan đến chất da cam trên trang http://www.agentorangerecord.com, thu hút 35.000 lượt truy cập mỗi năm từ Mỹ, châu Âu, Canada và Việt Nam.
Bên cạnh đó, bà Susan Hammond còn làm cố vấn cho tổ chức Ford Foundation trong Nhóm đối thoại Hoa Kỳ-Việt Nam về chất độc da cam và Sáng kiến thông tin chất độc da cam ở Việt Nam.
Tiếp nối hành trình nhân văn
Xuyên qua con đường song song với hàng kênh nhỏ dẫn tới xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, chúng tôi tìm tới hai ngôi nhà Hòa bình, minh chứng cho sự kết nối giữa hai phía. Một căn nhà mới khang trang màu xanh mát mẻ hiện lên trước mắt chúng tôi. Ánh mắt vui tươi cùng nụ cười thường trực trên khuôn mặt, chị Nguyễn Thị Tôm, ngụ tại ấp Đông, xã Mỹ Hiệp, tâm sự: “Tôi vui lắm. Ba mẹ con tôi đã có nhà mới, không sợ dột ướt khi mùa mưa tới”.
Đi cùng chúng tôi thăm gia đình chị Tôm, anh Nguyễn Thanh Nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Mỹ Hiệp cho biết gia đình chị Tôm là hộ khó khăn nhất của xã. Chồng chị Tôm mất 2 năm nay, hai con, một trai một gái đều trên 30 tuổi nhưng cả sức khỏe thể chất cũng như tinh thần đều không bảo đảm.
Bản thân chị Tôm sức khỏe yếu, đôi lúc không minh mẫn. Nguồn sống gia đình phụ thuộc vào khoản tiền trợ cấp hộ nghèo, người khuyết tật và sự giúp đỡ của bà con chòm xóm. Thỉnh thoảng, đến mùa xoài, hàng xóm thương hoàn cảnh gia đình cũng gọi chị Tôm đi thu hoạch xoài kiếm chút tiền công xá. Khi biết chị Tôm được hỗ trợ xây nhà mới, ai cũng mừng cho gia đình chị.
Anh Nguyễn Thanh Nghị cho biết thông qua Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam huyện Chợ Mới, chị Tôm được Dự án Hai phía tài trợ 60 triệu đồng; chính quyền địa phương, người thân, bà con chòm xóm hỗ trợ thêm 20 triệu đồng. Ngày 1/6 vừa qua, căn nhà được hoàn thành. Giờ đây, khi mùa mưa tới, chị Tôm cùng hai con đã yên tâm, thoải mái trong ngôi nhà vững chãi của mình.
Đến gia đình chị Đào Thị Cẩm Bình tại ấp Thị, xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang, chúng tôi cảm nhận được niềm hân hoan, nghĩa tình chòm xóm nơi đây. Căn nhà mới hoàn thành đầu tháng Sáu vừa qua của chị Bình nhận được khoản tài trợ 60 triệu đồng từ Dự án Hai phía; người thân, bà con chòm xóm hỗ trợ thêm 10 triệu đồng.
Đứng trong căn nhà mái tôn, nền lát gạch bông sạch đẹp, chị Bình cho biết: “Tôi đi bán vé số, chồng tôi đi làm công nhật, gặt lúa thuê chỉ đủ tiền sinh sống qua ngày, lo cho hai sắp nhỏ, lấy đâu ra tiền xây nhà. Giờ sống trong ngôi nhà mới này mà vẫn ngỡ như mơ”.
Chị Bình chia sẻ cuộc sống hàng ngày dù khó khăn nhưng “an cư lạc nghiệp”, có căn nhà mới, gia đình chị không phải lo lắng mỗi khi mùa mưa tới, chỉ cần chăm chỉ lao động cho cuộc sống ổn định hơn.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Mỹ Hiệp ghi nhận sự hỗ trợ từ Dự án Hai phía, những tấm lòng hảo tâm, chia sẻ khó khăn cho người nghèo tại địa phương là rất đáng trân trọng.
Bà Susan Mitchell-Mattera, người khởi xướng sáng kiến hỗ trợ xây dựng ngôi nhà hòa bình tặng người nghèo cho biết ban đầu, bà nghĩ việc vận động, quyên góp sẽ gặp đôi chút khó khăn. Tuy nhiên, khi chia sẻ ý tưởng này với những người thân, bạn bè, bà nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của họ.
Những anh chị em của bà ở Dự án Hai phía cũng được truyền cảm hứng từ sáng kiến này và đang tiến hành vận động quyên góp cho những căn nhà hòa bình tiếp theo. Điểm đến mới nhất của sáng kiến tuyệt vời này là Khe Sanh, Quảng Trị với hai căn nhà, do ông Roy Reyes thực hiện cùng bạn bè mình.
Với Susan Mitchell-Mattera, bà đang tiếp tục vận động quyên góp kinh phí hỗ trợ xây căn nhà thứ ba tại tỉnh An Giang. Những hành trình nhân văn của hai phía vẫn đang và sẽ còn được tiếp nối ở phía trước.
Ứng xử có trách nhiệm
Những câu chuyện về người Mỹ đến Việt Nam rồi ở lại, đóng góp cho quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh, hay những người đến Việt Nam nhằm gỡ bỏ đau buồn quá khứ, tìm lại bình yên trong tâm hồn như ông Chuck Searcy, bà Susan Hammond, nhóm những người con lính Mỹ tử trận, mất tích tại Việt Nam như Dự án Hai phía không hiếm gặp.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Chủ tịch Hội Việt Nam-Hoa Kỳ, Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến nhận định, cuộc chiến tranh trong quá khứ là hết sức ác liệt, để lại những hậu quả còn rất nặng nề đến ngày nay.
Hàng chục vạn người Việt Nam còn mất tích, bom mìn còn sót lại và hàng triệu người Việt ở hai, ba thế hệ bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Hội Việt-Mỹ từng đón các đoàn cựu binh Mỹ với sự thân thiết và hữu nghị, khiến họ rất xúc động. Và họ đã cúi đầu xin lỗi về các hành động trong quá khứ của mình.
Theo Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã trải qua nhiều sóng gió, khó khăn, nhưng nhờ những nỗ lực liên tục của hai phía, sự tham gia rộng rãi của nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ từ thù địch trong những năm chiến tranh, chuyển qua bình thường hóa và phát triển lên tầm cao mới với khuôn khổ “Đối tác toàn diện”.
Cùng với hành trình phát triển của quan hệ hai nước, Hội Việt Nam-Hoa Kỳ đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần tích cực vào việc tạo những bước đột phá mới trong quan hệ nhân dân giữa hai nước; vận động và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực hỗ trợ cho hợp tác giữa nhân dân hai nước trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, du lịch.
Hội chủ động tăng cường giao lưu nhân dân, trao đổi đoàn, tham gia các diễn đàn nhân dân Việt Nam-Hoa Kỳ; tạo ra những lợi ích, quan tâm chung để thu hút sự tham gia của phía Mỹ và tạo điều kiện hỗ trợ cho các giao lưu của nhân dân Việt Nam, các địa phương Việt Nam với phía Mỹ...
Những năm gần đây, Hội Việt Nam-Hoa Kỳ đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước; tổ chức đón tiếp chu đáo và giúp đỡ các tổ chức cựu binh Mỹ sang thăm Việt Nam như Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP), Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam (VVA), Cựu chiến binh các cuộc chiến tranh ở nước ngoài (VFW)..., gặp gỡ những người con của binh sỹ Mỹ tử trận, mất tích tại Việt Nam thông qua Dự án Hai phía.
Tại nhiều cuộc gặp gỡ, cựu chiến binh hai nước đã trao đổi, chia sẻ về những mất mát, đau thương bởi chiến tranh trong quá khứ, cùng mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn với sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ hai nước. Các đoàn sang thăm đã tìm hiểu hậu quả của chiến tranh, thăm một số địa điểm ô nhiễm bom mìn, chất độc da cam/dioxin, gặp gỡ các gia đình và nạn nhân chiến tranh.
Nhìn về phía trước
Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến khẳng định người Việt Nam không ai quên quá khứ. Người Việt Nam ghi nhớ lịch sử, nhưng luôn nhìn về phía trước với lòng vị tha, bản chất hòa hiếu; đồng thời mong muốn hơn nữa những nghĩa vụ và trách nhiệm lương tâm của các bên. Để có sự hòa giải sâu sắc nhất giữa hai bên, cần những điều đó.
Theo Đại sứ, hai nước đã có nhiều hoạt động hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, nhưng người dân Việt Nam mong muốn nhiều hơn và kịp thời hơn đối với các hoạt động từ phía Mỹ, không chỉ theo kênh chính phủ mà còn ở kênh nhân dân.
Chia sẻ quan điểm trong vấn đề hợp tác thúc đẩy quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai dân tộc, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cho rằng, hai nước cần thực hiện nhiều hơn nữa các hoạt động hợp tác này.
Đại sứ cho biết trong chuyến công tác tại tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình ngày 30.6 vừa qua, ông đã tới tham quan Cầu Hàm Rồng, cây cầu huyết mạch của đất nước Việt Nam những năm chiến tranh ác liệt nhất, hình ảnh biểu trưng cho ý chí kiên cường của con người xứ Thanh.
Cùng có mặt tại đây là các cựu chiến binh Việt Nam, trong đó có những người đã chiến đấu bảo vệ cây cầu trong chiến tranh và những cựu binh Mỹ.
Cuộc giao lưu giữa hai bên từng là kẻ thù của nhau trên cây cầu từng là điểm giao tranh ác liệt là một biểu trưng của nỗ lực hòa giải và cho thấy hai nước đã làm được rất nhiều điều trong việc xử lý những vấn đề chiến tranh để lại.
“Khi chúng ta tăng cường mối quan hệ hôm nay, chúng ta xây dựng được tương lai cho chính chúng ta và con em mình sau này. Nhưng, để làm được điều đó, chúng ta cần ứng xử có trách nhiệm với những chuyện đã xảy ra trong quá khứ.
Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực xử lý các vấn đề chiến tranh để lại như Tìm kiếm hài cốt, binh lính mất tích ở cả hai phía, rà tháo bom mìn còn sót lại, xử lý dioxin sau chiến tranh, điều trị cho những người khuyết tật ở Việt Nam”, Đại sứ Kritenbrink nói.
Nhắc lại câu nói của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai nước vào năm 1995: “Chúng ta không được phép lãng quên quá khứ, nhưng không để quá khứ kiểm soát chúng ta. Chúng ta không được phép lãng quên những gì đã xảy ra, nhưng chúng ta có thể cùng nhau hợp tác, thúc đẩy hòa giải,” Đại sứ Kritenbrink khẳng định: "Năm nay chúng ta kỷ niệm 1/4 thế kỷ quan hệ đối tác, chúng ta hãy cùng nhau tái khẳng định cam kết hợp tác để đảm bảo một tương lai tươi sáng, hòa bình và thịnh vượng cho nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ. Bởi chúng ta biết: Là đối tác tin cậy, chúng ta sẽ cùng nhau thịnh vượng".
qia