Quan hệ thương mại Mỹ-EU thêm rạn nứt sau phán quyết của WTO

04/10/2019 08:34

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa ra phán quyết Mỹ đã thắng trong tranh cãi với Liên minh châu Âu (EU) về Airbus.

EU lo ngại việc tái khởi động cuộc chiến thương mại với Mỹ. (Nguồn: AP)

Phán quyết này của WTO đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc tranh chấp kéo dài 15 năm qua giữa Airbus và Boeing, song cũng báo hiệu nguy cơ thêm rạn nứt trong căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Tranh chấp kéo dài 15 năm

Cuộc chiến pháp lý lâu nay giữa Airbus và Boeing tại WTO bắt đầu từ năm 2004 khi Mỹ cáo buộc Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha cung cấp các khoản trợ cấp bất hợp pháp để hỗ trợ cho hãng hàng không Airbus. Cụ thể là viện trợ bất hợp pháp cho dự án phát triển các mẫu máy bay A350 và A380 của Airbus. Với cáo buộc EU trợ cấp trái phép cho các nhà sản xuất máy bay Airbus, Washington đã đề nghị WTO cho phép đánh thuế lên tới 11,2 tỷ USD nhằm vào hàng hóa của EU. Một năm sau, EU cáo buộc hãng hàng không Boeing cũng nhận được khoản trợ cấp bị cấm trị giá 19,1 tỷ USD trong giai đoạn 1989-2006, từ các cơ quan khác nhau của chính phủ Mỹ.

Các cáo buộc về Airbus và Boeing đã trở thành cuộc tranh cãi phức tạp nhất mà WTO phải xử lý. Theo quy định của WTO, EU và Mỹ đều có quyền trừng phạt lẫn nhau và Washington quyết định hành động trước trong việc áp thuế. Các báo cáo khi đó cho biết WTO sẽ cho phép Washington nhắm tới khoảng từ 7-8 tỷ USD hàng hóa của châu Âu.

Đến năm 2006, Mỹ lần đầu khiếu nại EU tại WTO nhằm chống lại các khoản viện trợ cho Airbus.

Cuộc chiến Airbus-Boeing ngày càng trở nên phức tạp kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền vào năm 2017. Ngày 9.4 vừa qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế đối với 11 tỷ USD hàng hóa của Liên minh châu Âu từ máy bay thương mại cỡ lớn, phụ tùng máy bay cho tới các sản phẩm sữa và rượu vang. Mỹ ước tính số tiền này tương đương với khoản trợ cấp mà Liên minh châu Âu dành cho Airbus. Airbus cho biết khoảng 40% nguồn cung ứng cho các máy bay của công ty này đến từ Mỹ. Trong khi đó, hiện EU dự kiến sẽ áp đặt thuế tương tự đối với Mỹ vào đầu năm 2020. Brussels đang yêu cầu 12 tỷ USD trừng phạt, nhưng WTO có thể sẽ quyết định con số thấp hơn.

Cách đây ít ngày WTO nhận thấy cả hai nhà chế tạo máy bay đến từ châu Âu và Mỹ là Airbus và Boeing đều đã nhận được hàng tỷ USD trợ cấp trong vụ tranh cãi thương mại lớn nhất trên thế giới ở cấp độ doanh nghiệp. WTO chấp thuận yêu cầu đánh thuế hàng hóa châu Âu của Washington và cho biết sẽ sớm công bố quy mô của đợt đánh thuế.

WTO "bật đèn xanh" cho Mỹ

Cuộc tranh chấp kéo dài 15 năm quan giữa Airbus và Boeing đã leo thang khi ngày 2.10, WTO đã "bật đèn xanh" cho Washington đánh thuế hàng hóa của EU trị giá 7,5 tỷ USD nhằm trả đũa việc khối này đã trợ cấp cho hãng sản xuất máy bay Airbus một cách trái luật. Sau khi WTO quyết định "bật đèn xanh", các quan chức thương mại cấp cao cho biết, Mỹ sẽ áp đặt thuế trừng phạt đối với EU kể từ ngày 18.10 tới.

Trong vụ việc tập trung vào trợ cấp của Chính phủ đối với Airbus, một quan chức cấp cao thuộc Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho hay Washington sẽ áp thuế 10% đối với máy bay của Airbus - không phải các bộ phận của máy bay, và thuế 25% đối với các mặt hàng khác, bao gồm một số hàng nông sản và công nghiệp. Quan chức trên nói với phóng viên rằng quyết định của WTO cho phép thuế lên tới 100% nhưng Washington quyết định không làm tới mức đó khi mà Mỹ đang tìm kiếm một giải pháp cho tranh chấp kéo dài 15 năm.

Tuy nhiên, trước khi Mỹ có thể áp bất cứ mức thuế nào theo kế hoạch, Cơ quan Giải quyết tranh chấp của WTO sẽ phải chính thức thông qua báo cáo trên của tổ trọng tài, thủ tục có thể mất từ 10 ngày đến 4 tuần. Phiên họp tới dự kiến vào ngày 28.10, song Washington có thể đề nghị một hội nghị đặc biệt 10 ngày sau khi báo cáo trên được công bố, như vậy quyết định có thể được đưa ra sớm nhất vào ngày 12.10.

Hiện chưa rõ liệu Đại diện Thương mại Mỹ có thu hẹp danh sách các sản phẩm bị đánh thuế hay không sau khi WTO chỉ đồng ý với mức đánh thuế là 7,5 tỷ USD. Trong khi đó, Brussels cũng đề nghị WTO cho đánh thuế khoảng 10 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong một tiến trình song song, mà dự kiến WTO sẽ ra quyết định vào năm tới.

Trong một phản ứng, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết động thái của Mỹ áp đặt trừng phạt thương mại lên hàng hóa của EU sẽ "phản tác dụng" và có nguy cơ khiến cả hai bên đều thiệt hại. Trong khi đó, Ủy viên Thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom cho rằng dù hai bên đều phạm sai lầm và đều có thể áp đặt các biện pháp về thuế quan lên nhau, song đây không phải là một giải pháp tốt. EU vẫn chưa từ bỏ hy vọng tìm kiếm một giải pháp đàm phán với phía Mỹ.

Về phần mình, hãng Airbus cho biết quyết định trên sẽ dẫn tới một cuộc chiến thương mại "đôi bên cùng thua". Airbus cũng công bố một đoạn băng nhấn mạnh những đóng góp của hãng cho nền công nghiệp Mỹ thông qua các nhà máy lắp ráp ở địa phương và 4.000 nhân công làm việc trực tiếp. Giám đốc điều hành công ty sản xuất máy bay Airbus Guillaume Faury cho biết, một cuộc chiến thương mại về hàng không sẽ là một “trò chơi thua lỗ” và ông sẽ tiếp tục ủng hộ việc giải quyết cuộc chiến này với niềm tin rằng điều đó vẫn có thể xảy ra.

Giới chuyên gia cảnh báo bên cạnh tranh cãi về thuế Mỹ-Trung hơn một năm qua, việc Mỹ được đánh thuế EU được dự báo sẽ dẫn tới những mức thuế trả đũa khác của EU, đặt ra nhiều vấn đề mới đối với các doanh nghiệp và thị trường tài chính toàn cầu.

Thêm rạn nứt

Trước việc ủy ban trọng tài của WTO đưa ra phán quyết Mỹ thắng trong tranh cãi EU về Airbus, các chuyên gia phân tích nhận định phán quyết này sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Trên thực tế, mối quan hệ Mỹ-EU vốn đã trở nên căng thẳng vào tháng 6.2018 sau khi Tổng thống Mỹ Trump áp thuế đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ EU và một số đối tác với mức thuế lần lượt là 10% và 25%. EU đáp trả thông qua quyết định áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu có giá trị hơn 3 tỷ USD từ Mỹ, như rượu, quần bò và xe motor Harley Davidson. Tiếp đó, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 25% đối với xe ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, vì cho rằng những sản phẩm này làm tổn hại tới ngành sản xuất ô tô tại Mỹ. Với những lập luận về an ninh quốc gia, đây được xem là "đòn giáng mạnh" của Mỹ đối với EU, khi mà năm 2017, kim ngạch nhập khẩu ô tô của Mỹ từ EU lên tới 43,6 tỷ USD. Bên cạnh đó, EU còn có thêm mối lo ngại về đề xuất tăng thuế của Mỹ đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu của EU sẽ làm tổn thương một số quốc gia ở lục địa giàu có này, trong đó gồm cả đầu tàu kinh tế Đức. EU cho rằng, các mức thuế mà Mỹ định áp đặt nhằm vào ô tô và linh kiện ô tô sẽ hủy hoại chính ngành sản xuất ô tô của Mỹ khi các nhà sản xuất phải chịu chi phí cao hơn. Ngoài ra, EU cũng đã cảnh báo việc áp thuế nhập khẩu đối với ô tô và linh kiện ô tô của Mỹ có thể dẫn tới các biện pháp trả đũa của các đối tác thương mại trị giá lên tới 294 tỷ USD đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vào EU.

Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao khi tháng 2 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã nộp báo cáo điều tra, qua đó mở đường cho Tổng thống Donald Trump cho phép áp thuế nhập khẩu các mặt hàng ô tô nhập từ EU. Trước động thái này của Mỹ, EU cảnh báo sẽ sớm có biện pháp đáp trả nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu với các sản phẩm ô tô từ khối này. Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại nhằm xoa dịu căng thẳng và né tránh lời đe dọa về các đòn đáp trả thuế lẫn nhau giữa Mỹ và EU cũng chưa đi đến đích. Mặc dù đã có một vài tiến triển, song hai bên vẫn mắc kẹt trong việc đạt một thỏa thuận đề xuất nhằm giảm các mức thuế.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU được dự báo là gây bất lợi cho cả hai bên. Hiện tại, Mỹ là đối tác nhập khẩu chính hàng hóa công nghiệp của EU và nhà xuất khẩu lớn thứ hai vào thị trường EU. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều EU-Mỹ đạt 633 tỷ euro (khoảng 722 tỷ USD) năm 2017, trong đó 598 tỷ euro là hàng hóa công nghiệp. EU và Mỹ áp mức thuế thấp đối với các hàng hóa này của nhau, cụ thể lần lượt là 4,2% và 3,1% với hàng hóa phi nông nghiệp. Theo giới chức Brussels, căn cứ vào tình hình thực tế, việc xóa bỏ các quy định về thuế đối với hàng hóa công nghiệp của nhau sẽ có tác động quan trọng tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở hai bên bờ Đại Tây Dương.

Nay với việc WTO ra phán quyết Mỹ thắng trong tranh cãi với EU về Airbus, mở đường cho Washington đánh thuế vào EU, mối quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương giờ đây sẽ còn bị kéo căng hơn nữa.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quan hệ thương mại Mỹ-EU thêm rạn nứt sau phán quyết của WTO