Bộ Quốc phòng Armenia ngày 2.10 tuyên bố các lực lượng vũ trang của nước này đã được đặt vào trạng thái "báo động chiến đấu toàn bộ".
"Trong bối cảnh áp dụng thiết quân luật, tất cả đơn vị quân đội của Armenia đã được đặt vào trạng thái báo động chiến đấu toàn bộ. Các đơn vị quân đội đã mở các cơ sở chứa quân nhân và thiết bị quân sự" - hãng thông tấn Tass dẫn lại thông cáo của Bộ Quốc phòng Armenia hôm nay.
Bộ Quốc phòng Armenia nói rằng "quá trình nâng cao sức mạnh lên mức toàn diện đang diễn ra" và rằng tất cả đơn vị của các lực lượng vũ trang Armenia đã được triển khai vào các vị trí phòng thủ.
Cuộc giao tranh giữa Armenia và Aizerbaijan tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh đã nổ ra hôm 27.9 và đến nay vẫn không bên nào nhượng bộ.
Đài RT cho hay lệnh đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất như trên được đưa ra sau khi nhà chức trách Armenia cho biết đạn pháo rơi xuống Stepanakert - một thành phố 55.000 dân ở giữa vùng Nagorno-Karabakh - đã khiến nhiều thường dân bị thương và gây hư hại cho cơ sở hạ tầng dân sự.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Armenia ngày 2.10 nói rằng các hệ thống phòng không tại vùng Nagorno-Karabakh đã bắn rơi một máy bay chiến đấu và 2 máy bay không người lái của Azerbaijan. Phía Bộ Quốc phòng Azerbaijan bác thông tin này, theo Đài CGTN.
Phía Armenia chia sẻ hình ảnh cho thấy hư hại do pháo của Azerbaijan bắn xuống Stepanakert, thành phố lớn nhất của vùng Nagorno-Karabakh ngày 2.10 - Ảnh chụp màn hình Twitter/Armenian Unified Infocenter
Trong một diễn biến liên quan, Đài RT ngày 2.10 đưa tin Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho hay hiện Azerbaijan không yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ trong cuộc giao tranh trên. Tuy nhiên, ông nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ "sẽ không do dự" hỗ trợ nếu được yêu cầu.
Trước đó, báo New York Times đánh giá cuộc chiến ở vùng Nagorno-Karabakh có khả năng sẽ lôi kéo những nước lớn hơn trong khu vực như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhảy vào. Hiện Nga có thỏa thuận phòng thủ chung với Armenia, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan.
Nagorno-Karabakh là một vùng đất có đa số người Armenia sinh sống nhưng lại nằm bên trong lãnh thổ Azerbaijan. Nagorno-Karabakh đã tuyên bố độc lập nhưng cộng đồng quốc tế vẫn xem đây là một phần lãnh thổ của Azerbaijan. Trong khi đó, Armenia thường xuyên hỗ trợ Nagorno - Karabakh.
Armenia đã muốn xúc tiến đàm phán ngừng bắn ở Karabakh
Theo hãng tin AFP, trước đó trong ngày 2.10, Armenia cho biết sẵn sàng làm việc với các bên trung gian quốc tế để đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Azerbaijan liên quan tới xung đột xảy ra tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.
Tín hiệu muốn đàm phán ngừng bắn được Armenia phát đi trong bối cảnh giao tranh khốc liệt giữa quân đội nước này với Azerbaijan tại Nagorny-Karabakh đã bước sang ngày thứ 6.
Mặc dù đã xung đột dai dẳng về khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh, song các giao tranh nổ ra từ tuần trước là xung đột đẫm máu nhất trong nhiều thập niên giữa hai nước.
Trong thông điệp chung ngày 1.10, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi hai bên trở lại đàm phán để giải quyết mối xung đột dai dẳng.
Bộ Ngoại giao tại Thủ đô Yerevan ngày 2.10 phát thông cáo cho biết Armenia sẵn sàng cùng với Pháp, Nga và Mỹ "thiết lập lại một cơ chế ngừng bắn".
Trước đó cả Armenia và Azerbaijan đều kiên quyết khước từ những đề xuất tổ chức trung gian đối thoại, hòa giải của các nước lớn.
Theo Tuổi trẻ