Đang say sưa chơi cầu lông sau giờ làm việc để rèn luyện sức khỏe, anh Phong vẫn nhận ra chiếc điện thoại di động đút trong túi áo khoác cài khóa cứ rung lên bần bật.
Anh xin đối phương dừng tay để kiểm tra. Chữ “vợ yêu” nhấp nháy trên màn hình làm anh nhăn mặt. Anh Thành bật cười: “Ông cứ nghe đi, sếp nhà gọi hả? Tôi hiểu”. Anh Phong vừa “A lô” thì đầu máy bên kia đã vang lên tiếng chị Lam lảnh lót: “Anh ở đâu đấy? Anh đang làm gì đấy? Anh có biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Lịch làm việc mùa đông chỉ 4 rưỡi chiều là nghỉ, sao hơn 5 giờ rồi mà anh vẫn chưa về đến nhà là sao? Anh lại đi chơi với con nào hả?”. Anh Phong gắt lên: “Còn đi đâu được nữa. Anh đang chơi cầu lông với Thành. Đây, em nói chuyện với anh ấy nhé”. Bên kia, chị Lam đã tắt phụt máy làm anh Phong chưng hửng.
Từ ngày anh Phong đi họp hội khóa cấp 3 sau 20 năm ra trường, gặp lại cô người yêu cũ, xin số điện thoại của nhau và có nhắn tin, gọi điện vài lần, lại kết bạn Facebook, Zalo để tiện liên lạc. Hai người không chỉ dùng những lời lẽ tình cảm như kiểu “thả thính” mà còn thường xuyên bấm like và thả tim cho nhau. Chị Lam phát hiện nên nổi máu ghen tuông, đập vỡ cả điện thoại xịn. Chị tuyên bố: “Từ nay anh nên dùng cục gạch thôi”. Anh Phong ra sức thanh minh: “Trên mạng là ảo ấy mà. Em chấp gì mấy cái chuyện đó”. Chị Lam không tin: “Tại sao với vợ thì anh ăn nói cục cằn mà với cô ta thì ngọt ngào thế. Lúc đầu là ảo nhưng lâu dần là thật thì sao?”. Chị cho rằng “tình cũ không rủ cũng đến” nên phải quản chồng cho chặt. Từ đó, anh Phong như bị ngộp thở trong chính ngôi nhà của mình. Bình thường, lương anh thì anh tiêu, tiền chị Lam kiếm được thì chị chi. Chị giỏi giang nên thu nhập còn khá hơn chồng. Mấy đồng lương còm của anh, chị chẳng mấy khi bận tâm. Nhưng bây giờ chị đòi giữ thẻ tài khoản của anh. Anh muốn tiêu gì thì phải nói cho chị biết thì chị mới duyệt chi. Chị lo anh mang tiền cho gái nên phải quản chặt về kinh tế. Đàn ông không có một xu dính túi xem còn gái nào lăn xả vào không? Chị yêu cầu hết giờ làm việc là anh Phong phải về nhà. Hễ anh về muộn là chị gọi điện hoặc đi xe đến tận cơ quan để tìm anh. Anh giải thích thế nào chị cũng không nghe. Anh muốn cà phê hay đi nhậu với bạn bè cũng khó. Anh muốn thể thao một lúc cũng không yên. Mối quan hệ giữa hai vợ chồng anh tự dưng trở nên căng thẳng chỉ vì những chuyện không đâu vào đâu.
Anh Phong bị vợ quản ngày càng chặt chẽ nên đồng nghiệp cùng phòng với anh ai cũng biết chuyện. Mọi người xếp anh vào nhóm đàn ông sợ vợ và xui anh “phất cờ khởi nghĩa”. Bắt đầu là anh mua điện thoại thông minh bằng tiền đi vay. Tối tối anh lại nằm vắt chân chữ ngũ để lướt mạng xã hội và tán gẫu với bạn bè. Anh tuyên bố với chị Lam: “Cấm em động vào điện thoại của anh, một đống tiền đấy. Em không đền được đâu”. Chị Lam giận dỗi, vác gối sang phòng khác ngủ riêng. Bước tiếp theo là anh đòi lại thẻ lĩnh lương rồi không chịu về nhà đúng giờ, mặc vợ gọi điện nóng hết cả máy. Đợt này cuối năm, các phòng ban tổ chức tất niên nên anh thường ăn nhậu ở nhà hàng. Hôm nào về nhà, người anh cũng nồng nặc mùi bia rượu làm chị Lam rất khó chịu. Chờ anh tỉnh rượu, chị Lam chẳng nói chẳng rằng, chìa vào mặt anh tờ đơn xin ly hôn làm anh hoa hết cả mắt. Anh chỉ làm theo kịch bản của mấy anh em cùng phòng chứ anh không ngờ mọi việc lại đi xa như vậy. Tết nhất đến nơi rồi mà vợ chồng lại ông chẳng bà chuộc thế này thì nguy quá. Còn gì là Tết nữa. Hai đứa trẻ biết chuyện sẽ bị tổn thương lắm. Anh lo lắng, lại đến cơ quan “cầu cứu” cả phòng. “Ký thì ký, sợ gì. Phụ nữ chỉ dọa thôi, ông cứ thử mà xem, chả dám bỏ thật đâu”.
Lần này, anh Phong nhất định không nghe lời “quân sư’ của anh em đồng nghiệp nữa. Hạnh phúc của mình mình phải tự quyết định chứ, có phải trò đùa đâu mà đem ra “thử”. Chờ cho bọn trẻ đã đi ngủ, anh thì thầm với vợ: “Chuyện vừa rồi cho anh xin lỗi. Chả là thế này... Nhưng anh muốn từ nay em đừng có cái thói quản chồng như thế, thiên hạ người ta cười cho. Trong túi anh mà không có cả tiền uống nước thì xấu chàng hổ ai”. Chị Lam im lặng, nghĩ lại chị thấy mình cũng quá đáng nên nhỏ nhẹ: “Thôi! Sắp đến Tết rồi, chuyện cũ bỏ qua. Từ nay em không quản anh nữa”. Anh chị đều hiểu ra một điều “già néo đứt dây” nên phải cùng nhau vun vén cho hạnh phúc gia đình.
NAM HỒNG