Trong khi nhiều nhà hàng, quán ăn vẫn đóng cửa nghỉ Tết Đinh Dậu vì nhu cầu ăn uống của người dân chưa cao thì nhiều quán ăn chay đã mở phục vụ khách từ sớm.
Giá của mỗi món chay dao động từ 30.000-60.000 đồng
Quán của chị Nguyễn Thị Hậu, chuyên bán đồ ăn chay ở gần chợ Kho Đỏ (TP Hải Dương) lúc nào cũng tấp nập khách ra vào. Chị Hậu cho biết ngay từ mùng 2 Tết, chị đã mở quán phục vụ khách. Những ngày này, lượng khách tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba ngày thường. Nhân viên trong quán lúc nào cũng làm việc hết công suất. Mỗi phần cơm, bát bún phở chị bán ra tăng hơn ngày thường từ 5.000 - 7.000 đồng vì rau, củ mua vào cũng như tiền công thuê người làm đều tăng. “Khách hiểu đầu năm còn đắt đỏ hơn nên họ chấp nhận chứ không than phiền gì. Năm nào cũng vậy, phải sau rằm tháng giêng giá cả mới ổn định trở lại”, chị Hậu nói.
Những quán bán đồ ăn chay ở các huyện cũng đắt khách không kém. Do nhu cầu tìm món chay giải ngấy của nhiều người nên ngay từ chiều mùng 1 Tết, quán đồ chay của bà Lê Thị Lộc ở Phủ (Bình Giang) đã mở bán. Mỗi ngày, quán ăn phục vụ hơn trăm lượt khách. Các món chay như giò, chả, bánh chưng, nem... làm từ các loại rau, củ, quả hay bột gạo đều được chế biến cầu kỳ nên hấp dẫn thực khách. Ngay từ trong Tết, bà Lộc đã chuẩn bị một lượng lớn các nguyên liệu chay. Bà cho biết: “Đầu năm là dịp người dân ăn chay nhiều nhất. Trong những ngày Tết, mọi người đều ngán với các món có nhiều chất béo như thịt, giò, chả, lạp xưởng, bánh chưng… nên thực phẩm chay là cách tốt nhất để “hạ nhiệt” cho tiêu hóa. Ngoài ra, có rất nhiều người ăn chay vì tâm niệm đầu năm không sát sinh, hướng thiện”. Giá của mỗi món chay dao động từ 30.000-60.000 đồng.
Chị Trần Thị Hải Yến ở phố Quang Trung (TP Hải Dương) cho biết, những ngày Tết, nhà nào cũng "ngập” các món thịt, cá nhiều đạm. Do đó, mùng 2 Tết, gia đình chị chuyển sang ăn các đồ chay. "Bây giờ đồ ăn chay khá phong phú. Nhà tôi ai cũng tấm tắc khen ngon vì khẩu vị rất lạ, ăn lại ngọt miệng và tốt cho tiêu hóa”, chị Yến chia sẻ.
TRẦN HIỀN