Quách Thị Lan là gương mặt nữ vận động viên không còn xa lạ với những người yêu thích thể thao Việt Nam nói chung và điền kinh nói riêng.
Quách Thị Lan thi đấu bán kết nội dung 400m chạy rào ở Olympic Tokyo 2020 ngày 2.8. Ảnh: FBNV
Cô gái sinh năm 1995 này đã đem về rất nhiều huy chương ở những giải đấu lớn, đóng góp thành tích không nhỏ trong bảng vàng thành tích của thể thao Việt Nam.
Bén duyên với đôi giày chạy
Khi còn nhỏ, Quách Thị Lan đã rất thích nhìn các anh chị lớn hơn chạy thi. Khi lên 15 tuổi, cô gái xứ Thanh chuyển xuống trường nội trú học, Lan đã nhanh chóng chứng tỏ được năng khiếu vượt trội và được tuyển chọn vào đội điền kinh năng khiếu của tỉnh.
Chưa đến nửa năm sau, Quách Thị Lan khăn gói đi Từ Sơn, Bắc Ninh bắt đầu quá trình tập luyện chuyên nghiệp. Với ý chí, quyết tâm theo đuổi đam mê một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, chỉ một năm sau, Lan góp mặt ở đội tuyển quốc gia và là một trong những cái tên có thể cạnh tranh huy chương.
Giải vô địch quốc gia 2012 là dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Quách Thị Lan khi phá kỷ lục nội dung 400m rào nữ được thiết lập cách đó nhiều năm. Chưa dừng lại ở đó, cô gái dân tộc Mường tiếp tục đem về tấm huy chương vàng ở nội dung 400m nữ.
Khi đã đạt được những thành công ở các giải đấu trong nước, Quách Thị Lan vẫn tiếp tục miệt mài tập luyện với ý chí quyết tâm cao độ, hướng tới những đấu trường khu vực và quốc tế. Năm 2014,cô đã gây bất ngờ khi xuất sắc đem về tấm huy chương bạc ở sân chơi ASIAD cho thể thao nước nhà.
Ở Giải vô địch điền kinh châu Á 2017, Quách Thị Lan đoạt huy chương bạc 400m nữ với thành tích 52 giây 78, thua người đứng trên mình là Nirmala Sheoran 0,77 giây.
Còn ở nội dung tiếp sức 4x400m, Lan cùng ba đồng đội là Nguyễn Thị Huyền, Hoàng Thị Ngọc, Nguyễn Thị Oanh giành huy chương bạc với thành tích 3 phút 33 giây 22, thua thành tích 3 phút 31 giây 34 của đội Ấn Độ có Nirmala Sheoran thi đấu.
Sau đó, vận động viên Nirmala Sheoran được xác định dương tính với chất cấm nên Liên đoàn Điền kinh thế giới đưa ra án phạt cấm thi đấu 4 năm. Đồng nghĩa với việc Quách Thị Lan được trao 1 huy chương vàng cá nhân và 1 huy chương vàng đồng đội.
Ở chung kết 400m rào nữ ASIAD 2018, vận động viên người Bahrain, Kemi Adekoya về nhất với thành tích 54 giây 48, phá kỷ lục đại hội. Quách Thị Lan về nhì với thời gian 55 giây 30, dù phá kỷ lục quốc gia nhưng chỉ đủ để đạt tấm huy chương bạc.
Tuy nhiên sau đó, vận động viên này cũng được xác định dương tính với chất cấm, Quách Thị Lan chính thức đạt ngôi vị cao nhất nội dung chạy vượt rào 400m nữ Đại hội Thể thao châu Á 2018.
Quách Thị Lan cũng đem về cho mình những tấm huy chương vàng tại hai kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2015 và 2017.
Năm 2021, Quách Thị Lan cũng là cái tên duy nhất của điền kinh Việt Nam tham dự Olympic Tokyo, Lan trở thành vận động viên đầu tiên ở nội dung chạy của Đoàn Thể thao Việt Nam góp mặt tại vòng bán kết một Thế vận hội.
Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp, Quách Thị Lan cho biết: “Đối với em, giải đấu nào cũng quan trọng, cũng đáng nhớ, nhưng đặc biệt nhất là năm 2018, đây là năm em có dấu ấn khó quên vì đã chứng tỏ được bản thân, đạt được thành tích mà em đã mơ ước từ lâu.”
Chuyên nghiệp và kỷ luật trong tập luyện
Trường hợp của Quách Thị Lan cũng hết sức đặc biệt khi hai anh em ruột cùng tham gia tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp nhiều năm. Quách Công Lịch, anh trai Lan hiện cũng đang là vận động viên đỉnh cao môn điền kinh của đội tuyển quốc gia.
Quách Thị Lan (thứ 2 từ trái qua) tại nội dung 400m rào nữ. Nguồn: Getty Images
Cùng tập luyện, thi đấu nhiều năm, Quách Thị Lan cho biết cô cảm thấy may mắn hơn những vận động viên khác vì luôn có anh trai bên cạnh. “Em may mắn hơn những vận động viên khác vì trong cuộc sống, tập luyện và thi đấu, em luôn có anh trai bên cạnh, em luôn được quan tâm, chăm sóc, động viên kịp thời trong những lúc khó khăn, mệt mỏi.”
Để theo đuổi sự nghiệp thi đấu thể thao, đặc biệt là thể thao chuyên nghiệp đòi hỏi vận động viên phải giành toàn tâm toàn ý vào quá trình tập luyện; đồng hành cùng những giải đấu, đợt tập huấn xa nhà cũng khiến cho không ít vận động viên cảm thấy chạnh lòng.
Phải xa gia đình từ nhỏ, hai anh em luôn quan tâm, chăm sóc cho nhau. Do lịch tập luyện, thi đấu khá nhiều, nên cả hai không có nhiều thời gian về thăm gia đình. Có chỗ dựa tinh thần là người anh trai và sự quan tâm của cha mẹ, những cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe, dặn dò chăm lo bản thân từ người thân đã giúp Quách Thị Lan luôn ấm lòng, an tâm hơn để chuyên tâm vào tập luyện.
Huấn luyện viên tổ 400m Nguyễn Thị Bắc, người luôn đồng hành cùng Quách Thị Lan trên mọi cung đường chia sẻ trong quá trình rèn luyện, Lan luôn thực hiện các bài tập một cách ý thức, kỷ luật, chuyên nghiệp, khi đã xỏ giày vào thì chỉ quan tâm tới đường chạy, không để ý tới những chuyện xung quanh.
Quách Thị Lan cũng luôn giúp đỡ những vận động viên nhỏ tuổi hơn bước vào con đường thi đấu chuyên nghiệp, chỉ bảo các em để sửa những động tác sai, kỹ thuật chưa đúng, động viên các em lúc khó khăn, mệt mỏi. Với tính cách hòa đồng, Quách Thị Lan luôn giành được sự yêu quý của các thành viên trong trung tâm nói chung và tổ 400m nói riêng, huấn luyện viên Nguyễn Thị Bắc chia sẻ.
Về những dự định trong thời gian tới, Quách Thị Lan cho biết: “Nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt thì trong năm 2022 sẽ có rất nhiều giải đấu quan trọng. Mục tiêu của em là hướng tới thành tích tốt nhất, đặc biệt là sân chơi SEA Games 31 và ASIAD 19.”
Dù mới bước sang tuổi 26 chỉ vài ngày, ít ai ngờ được cô gái xứ Thanh lại mang về nhiều thành công như vậy cho thể thao nước nhà. Chắc chắn khi đang ở độ tuổi “chín” trong sự nghiệp, với sự cố gắng, nỗ lực tập luyện chuyên nghiệp, không ngừng nghỉ, Quách Thị Lan sẽ tiếp tục đem về nhiều tấm huy chương danh giá ở những giải đấu sắp tới cho đất nước.
Theo TTXVN