Nhà thơ tiền chiến Quách Tấn vào những năm ba mươi của thế kỷ trước, làm việc ở Tòa sứ Đà Lạt.
Nhà thơ tiền chiến Quách Tấn vào những năm ba mươi của thế kỷ trước, làm việc ở Tòa sứ Đà Lạt. Ở đây có Phó Sứ tên là Ginouvès người Pháp rất hống hách. Có lần y mắng một ông phán dưới quyền tuổi bằng cha y: “Ông làm việc như một con lợn”. Ông phán nọ giận run người, không nói nên lời. Quách Tấn vốn người Bình Định cương trực, thấy vậy không chịu nổi, liền xui ông phán nọ phát đơn kiện.
Thấy ông phán nọ có ý ngại, muốn nuốt hận bỏ qua, Quách Tấn liền viết bài tố cáo sự việc trên báo Tiếng dân ở Huế của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Dư luận lập tức xôn xao. Tòa khâm điện vào Tòa sứ Đà Lạt yêu cầu điều tra. Tòa sứ Đà Lạt cuối cùng lần ra manh mối, có ý nghi ngờ Quách Tấn là tác giả của bài báo. Quách Tấn bị gọi lên, Chánh sứ Đà Lạt hết đập bàn đập ghế, quát tháo, dọa nạt, lại nắm hai vai Quách Tấn giật, thét nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Muốn biết ai là tác giả, xin cứ hỏi tòa báo”.
Tưởng phen này sẽ bị sa thải, nào ngờ sau đó vẫn thấy nhà thơ ngày ngày cắp cặp tới công đường. Thì ra, sau đó Tòa sứ Đà Lạt điện ra hỏi Tòa soạn báo Tiếng dân thì được cụ Huỳnh Thúc Kháng trả lời như sau: “Nhà báo không thể cho biết tên tác giả bài báo nọ, vì đó là bí mật nhà nghề”.
Thật là một sự phối ngẫu tuyệt đẹp giữa nhà báo và nhà thơ!
NGUYỄN VIẾT(st)