Ai đã một lần qua miền Tây Bắc trong những ngày này thì không thể quên được hình ảnh những cây ban nở trắng xóa một góc rừng, trên triền đồi lẻ loi hay từng vệt trắng đục trên những đỉnh núi cao ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Đó là chứng nhân của mùa xuân Tây Bắc. Ở những dãy núi hai bên đường đoạn ngã ba Cò Nòi thuộc huyện Mai Sơn (Sơn La), nơi đặt đài tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong đã lác đác có những cây ban nở trắng xóa xen lẫn màu xanh ngút ngàn của núi rừng miền Tây Bắc. Bây giờ là cuối tháng ba, cũng là lúc hoa ban nở rộ, dọc đường số 6 đoạn từ Hòa Bình đến Sơn La, Điện Biên, càng lên cao càng nhiều hoa ban. Du khách có thể nhìn qua cửa kính ô-tô, trầm trồ đến kinh ngạc và như bị thôi miên bởi cái màu trắng xóa, bồng bềnh như những cánh bướm mùa xuân dập dềnh trôi trước gió. Anh bạn tôi, một nhà báo gắn bó với núi rừng Tây Bắc nhiều năm nay, nghe tôi hỏi về nguồn gốc của loài hoa quyến rũ làm say lòng bao văn nhân tài tử và đã đi vào thơ ca, nhạc họa liền giải thích: Theo truyền thuyết của người Thái, hoa ban ca ngợi tình yêu chung thủy sắt son của người con gái Thái nết na, xinh đẹp tên là Ban với chàng Khum, một chàng trai nghèo nhưng giỏi giang. Chỉ vì không lấy được người mình yêu nên nàng Ban đau khổ và khi chết hóa thành một loài cây. Mỗi khi mùa xuân đến, cây trút lá đâm chồi nảy lộc và đơm những bông hoa trắng xóa như những cánh bướm ca ngợi tình yêu, ca ngợi mùa xuân.
Hoa ban có hai loài, hoa đỏ và hoa trắng, loài hoa trắng chiếm đa số. Hoa ban cùng họ với hoa bướm, không có hương nhưng có vị, mỗi hoa gồm từ 4 - 5 cánh, nhị màu hồng, gân màu tím. Nhị hoa mang vị ngọt, quyến rũ nhiều loài côn trùng, nhất là các loài lấy mật như ong, bướm. Tên gọi hoa ban theo tiếng của dân tộc Thái, có nghĩa hoa ngọt, đó vừa là danh từ vừa là tính từ. Hằng năm, đầu tháng hai (âm lịch) hoa ban lác đác nở, rộ nhất và đẹp nhất là đầu tháng ba, đến đầu tháng tư thì hoa bắt đầu tàn. Lúc nở rộ, trông cây ban như chỉ có hoa mà không có lá. Bà con vùng cao coi hoa ban như thể nông lịch của mình, họ phát nương vào lúc hoa nở và tra hạt vào lúc hoa tàn. Hoa ban đã trở thành biểu tượng của Tây Bắc...
Trong cái se se lạnh của núi rừng miền Tây, sương giăng giăng mờ ảo, những chiếc xe du lịch đủ loại chở du khách đi thăm nhà tù Sơn La, nơi thực dân Pháp từng giam cầm những chiến sĩ cộng sản. Các đoàn khách từ các em thiếu nhi đến những cựu chiến binh, công chức, người lao động đến từ nhiều tỉnh thành, họ kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của người chiến sĩ cộng sản Tô Hiệu và bao chiến sĩ cách mạng khác đã ngã xuống ở nơi này. Ngay cổng vào nhà tù Sơn La, không biết vô tình hay hữu ý, người ta trồng một dãy cây ban, cây đào. Những cây đào bây giờ thì không còn hoa nữa nhưng những cây ban tỏa sáng một góc sân bằng một màu hoa trắng quyến rũ. Nhiều du khách sau khi thăm di tích cùng đứng chụp ảnh dưới gốc cây để nhớ mãi chuyến tham quan một bảo tàng của lòng kiên trung với cách mạng. Ở đèo Pha Đin đã đi vào lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp có vô vàn hoa ban. 60 năm trước, vào mùa này những cây hoa ban nở trắng xóa như vẫy gọi các chiến sĩ dân công hỏa tuyến cõng gạo, thồ hàng, tải vũ khí cho trận quyết chiến, quyết thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến thành phố Điện Biên Phủ vào dịp này, du khách dễ dàng bắt gặp những cây ban nở trắng xóa ven đường, khi thì từng rặng cây được trồng ở các địa danh nổi tiếng như cầu Mường Thanh, khu vực hầm Đờ Cát, Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên, Đồi A1, khi thì từng hàng ban được trồng trong các công sở đang đơm hoa... Nhìn những bông hoa trắng muốt đu đưa trong nắng xuân có tiếng chim ríu ran ở một bụi cây nào đó, những người cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa trào dâng niềm tự hào về một chiến thắng vĩ đại của dân tộc, chiến thắng giữa mùa ban nở...
Tản văn của NGUYỄN VIẾT HIỆN