Thời điểm này, cả doanh nghiệp và người dân đang phải chịu áp lực chi phí tăng do lãi suất cho vay tại các ngân hàng tăng cao.
Mặt bằng lãi suất cho vay tăng khiến áp lực chi phí vốn vay càng đè nặng đối với doanh nghiệp, người dân. Trong ảnh: Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Hải Dương phải cân đối doanh thu và chi phí
Mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thời gian gần đây tăng cao, làm gia tăng áp lực chi phí đối với cả doanh nghiệp lẫn người dân.
Chi phí tăng
Sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Hải Dương (taxi Mai Linh, ở TP Hải Dương) chưa hoàn toàn trở lại tốc độ tăng trưởng như trước thì lại vướng rào cản từ chi phí xăng dầu và chi phí lãi vay ngân hàng cùng tăng. Ông Đỗ Viết Tuấn, Giám đốc công ty chia sẻ, sau đại dịch, nhu cầu đi lại của người dân cho đến nay vẫn kém hơn trước. Phần vì nhiều người đã hình thành thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, phần vì tiết kiệm chi phí đi lại.
Gần 6 tỷ đồng tiền vay từ 3 ngân hàng trong tỉnh của doanh nghiệp này đang chịu mức tăng lãi suất trung bình 2,5-3%/năm, dẫn đến số tiền lãi phải nộp hằng tháng tăng lên khoảng 30 triệu đồng. Với doanh thu chỉ tương đương 75% so với thời điểm trước dịch Covid-19, áp lực về lãi vay ngân hàng đang khiến doanh nghiệp này khó mở rộng hoạt động. “Theo quy định, khi xăng dầu tăng giá thì đơn vị có thể điều chỉnh tỷ lệ nhất định trong giá cước để bù chi phí này. Nhưng khi lãi suất vay từ ngân hàng tăng thì doanh nghiệp không thể thực hiện tăng giá cước”, ông Tuấn nói.
Anh Nguyễn Văn Thắng ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) vừa trả xong khoản vay hơn 1 tỷ đồng. Vợ chồng anh dự định vay tiếp để mở rộng quy mô cửa hàng tạp hóa của gia đình. Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất hiện tại, tính ra mỗi tháng nếu vay ngắn hạn 1 tỷ đồng, vợ chồng anh Thắng sẽ phải trả gần 9 triệu đồng tiền lãi, cao hơn so với trước khoảng 2 triệu đồng. “Dự định mở rộng quy mô để phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm, tuy nhiên sau khi cân đối doanh thu và chi phí có lẽ chúng tôi phải tính toán lại. Lãi suất vay tiền tại các ngân hàng hiện cao quá”, anh Thắng than thở.
Công ty CP May Việt Trí ở xã Hồng Quang (Thanh Miện) được một ngân hàng trong tỉnh phê duyệt hạn mức cho vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động bằng ngoại tệ lên đến hơn 30 tỷ đồng quy đổi. Theo kế hoạch sản xuất, cứ 5 tháng một lần, doanh nghiệp với trên 1.100 lao động này lại vay trung bình 8 tỷ đồng. Theo đà tăng lãi suất cho vay thời gian qua, hiện lãi suất cho vay ngoại tệ doanh nghiệp này bị tăng thêm khoảng 0,5%/năm, tương đương mức tăng chi phí lãi vay khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng.
Ông Đào Đình Dư, Giám đốc công ty này cho biết: “Tăng lãi suất khiến doanh nghiệp chúng tôi phải gánh thêm chi phí. Tuy nhiên, đây chỉ là một nỗi lo. Một nỗi lo khác là dù doanh nghiệp chấp nhận lãi vay tăng cũng chưa chắc được vay đủ nhu cầu, nguyên nhân do các ngân hàng đang cạn dần hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng”.
Rất có thể tình trạng lãi suất cho vay neo cao còn kéo dài (ảnh minh họa)
Hết thời vốn rẻ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lãi suất cho vay tại nhiều ngân hàng trong tỉnh đối với cá nhân ở mức 10-10,5%/năm ở khoản vay ngắn hạn, hơn 12%/năm với khoản vay trung, dài hạn. Mặt bằng lãi suất mới này tăng cao hơn so với trước từ 2-2,5%/năm. Cá biệt có ngân hàng niêm yết lãi suất cho vay khoản trung, dài hạn ở mức 14,6%/năm, nghĩa là cao hơn 4%/năm so với trước.
Đối với các khoản vay của doanh nghiệp, lãi suất cho vay ngắn hạn cao nhất ở mức 9,5%/năm, cao hơn 2%/năm so với mức lãi suất cũ; lãi suất cho vay các khoản trung, dài hạn ở mức trên 11%/năm, cao hơn 0,5%/năm so với trước.
Thực tế cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay khó giữ ổn định trong bối cảnh lãi suất huy động tăng nhanh thời gian qua. Hiện lãi suất huy động tiền gửi tại một số ngân hàng đã tăng lên sát ngưỡng 10%/năm đối với các kỳ hạn dài. Nếu cuộc đua lãi suất huy động tiếp tục nóng như gần đây thì lãi suất cho vay sẽ khó tránh khỏi tăng cao hơn nữa, nhất là vào những tháng cuối năm khi nhu cầu vốn tăng mạnh.
Theo phân tích của lãnh đạo một ngân hàng thương mại trên địa bàn TP Hải Dương, thời gian qua thị trường tài chính đón nhận không ít thông tin tiêu cực liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Nhà đầu tư hoang mang đã vô tình hình thành “phong trào” rút tiền từ đầu tư trái phiếu. Để thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phải xoay xở các kênh huy động vốn, trong đó có việc rút tiền gửi từ ngân hàng. “Khi doanh nghiệp rút tiền gửi, ngân hàng sẽ bị thâm hụt một khoản lớn nguồn vốn huy động. Sức ép này khiến ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để hút lượng tiền gửi mới. Điều này đã đẩy lãi suất cho vay tăng theo”, lãnh đạo ngân hàng này cho biết.
Thông thường, lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ bằng chỉ số lạm phát cộng thêm từ 5-6%. Do đó nếu mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% năm 2022 thực hiện được, nghĩa là mức lãi suất huy động hiện tại đang đạt đỉnh, khó có thể tăng thêm. “Nếu mức lãi suất huy động không tăng thêm thì lãi suất cho vay sẽ được neo ở mức ổn định. Để giảm lãi suất cho vay thì phải giảm lãi suất huy động, tức là phải kìm chế lạm phát”, anh Quốc Hoàng, chuyên viên tín dụng ở một ngân hàng trong tỉnh chia sẻ.
Ông Trương Trung Hiếu, Trưởng Phòng Khách hàng cá nhân BIDV Thành Đông cho rằng trước bối cảnh biến động kinh tế thế giới hiện nay, rất có thể lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2023. “Khách hàng có thể phải chịu áp lực chi phí lãi vay trong thời gian ngắn tới đây. Lãi suất cho vay không còn rẻ như trước nên cả người dân, doanh nghiệp cần cân nhắc phương án kinh doanh cũng như nhu cầu sử dụng vốn để đem lại hiệu quả tốt nhất”, ông Hiếu nói.
HÀ KIÊN - ĐỖ QUYẾT