Đang dự tập huấn ở cơ quan, chị thấy hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng như sắp ngất xỉu.
Chị biết dạo này cái bệnh tiền đình của chị lại tái phát. Giá bây giờ có cái giường ở đây thì tốt biết mấy. Chị sẽ nằm xuống, nhắm mắt lại và quên hết những công việc đang chờ chị phía trước. Nhưng không hiểu sao chị lại vụt đứng lên xin phép thủ trưởng cho ra ngoài. Đi được ba bước, chị khựng lại, đổ sụp xuống. Cả hội trường xôn xao...
Tỉnh lại chị thấy mình đang nằm trong phòng y tế, các anh chị em đồng nghiệp tíu tít vào hỏi thăm, động viên. Người thì chạy đi mua thuốc, người mua cháo về ép chị ăn. Đến cả thủ trưởng cũng đích thân xuống hỏi chị đã đỡ chưa, có cần đi bệnh viện không. Chị xúc động, mắt cứ rơm rớm, cười gượng: “Em chỉ ốm qua loa thôi, bệnh tiền đình mạn tính mà anh”. Nhìn ánh mắt trìu mến và giọng nói ấm áp, chân tình của sếp, chị thấy xôn xao trong lòng. Chị ước gì ở nhà chồng chị cũng dành cho chị những lời hỏi han dịu dàng như thế, những sự quan tâm thường tình như thế.
Nhưng tất cả chỉ là ao ước mà thôi. Bây giờ mà chị về nhà thì một núi công việc đang chờ. Mẹ chị sẽ giao trả hai đứa nhỏ cho chị tắm rửa, nhà cửa bừa bộn cần chị dọn dẹp, quần áo bẩn chất đống cả ngày và cái bếp vẫn lạnh tanh chờ chị nhóm lửa... Lại còn việc cơ quan và bài thu hoạch sau đợt tập huấn, chị sẽ phải đánh máy lúc đêm khuya khi các con đã ngủ say. Chỉ cần chị nằm bẹp một hôm thì bao nhiêu công việc bị ùn tắc.
Tính chị lại chu đáo, lúc nào cũng muốn làm hết phần việc của người khác nên dường như chị không còn thời gian cho mình thư giãn, chăm chút bản thân. Nhờ mẹ trông con hộ thì chị nhắc đi nhắc lại rằng: “Mẹ không phải động vào việc nhà, để con về làm một loáng là xong”. Chồng chị thì thường xuyên đi làm về muộn, nhiều hôm còn phải trực đêm ở bệnh viện nên đối nội, đối ngoại một tay chị quán xuyến. May mắn có hôm chồng chị về sớm thì chị giục anh chơi thể thao, không để anh phải mó vào việc gì. Chị cũng không trách anh vì chuyện đó bởi chị biết công việc của một bác sĩ phẫu thuật rất căng thẳng. Nhưng tận đáy sâu trong lòng, chị vẫn khao khát được quan tâm, dù rất giản dị.
Nhìn bề ngoài ai cũng bảo chị sướng vì lấy chồng bác sĩ, không phải lo lắng gì về sức khỏe của cả gia đình. Chỉ cần ới một tiếng là có bác sĩ tại gia rồi. Nhưng nhiều lần con ốm, con sốt, ăn bao nhiêu ói hết bấy nhiêu, chị gọi điện cho anh, lúc thì gặp người nghe máy hộ, đáp lời: “Chị gọi lại sau nhé. Anh ấy đang bận mổ”, lúc lại nghe tiếng anh qua khẩu trang: “Em cứ bình tĩnh, con ói hết thì thôi chứ sao”. Chị giận lắm, lúc ấy chỉ biết ôm con mà khóc nhưng khi anh về, nhìn anh nựng con, chị lại quên hết giận hờn. Thấy chị vất vả, mất ăn mất ngủ, anh cũng đề nghị thuê người giúp việc cho chị nhàn hơn nhưng chị cứ nhất quyết không nghe, muốn ôm đồm tất cả. Vì vậy, chị mới thiếu ngủ, bệnh đau đầu hành hạ. Mỗi khi chị kêu đau, anh chỉ nhắc: “Em thức khuya vừa thôi”. Giá mà lúc ấy anh bóp đầu cho chị một lúc thì tốt biết bao. Đằng này, anh lại dán mắt vào máy vi tính để nghiên cứu. Dần dà, bệnh của chị trở thành mạn tính. Chị có nói ra anh cũng coi như chuyện hết sức bình thường chứ chẳng bao giờ cuống quýt hỏi han, săn sóc như anh chị em đồng nghiệp ở cơ quan hôm nay.
Hết buổi tập huấn, chị vẫn còn choáng váng nên mọi người không cho chị đi xe máy mà đòi đưa chị về. Sếp có ô tô nên sẵn sàng làm tài xế cho chị. Còn em phụ trách y tế của cơ quan thì đi hộ chị chiếc xe về nhà. Trước khi ra về, sếp còn hướng dẫn chị một bài xoa bóp, bấm huyệt để giảm bớt những cơn đau đầu hành hạ. Dù có mặt cả em phụ trách y tế mà chị vẫn đỏ bừng cả mặt. Tim chị đập rộn ràng như lần đầu tiên được một người đàn ông quan tâm. Nhắm mắt lại chị vẫn nghe tiếng sếp dặn dò: “Sức khỏe là quan trọng. Phải biết yêu bản thân mình một chút, đừng hy sinh nhiều quá, em ạ!”. Chị chìm vào mơ mộng hão huyền và thiếp đi lúc nào không biết.
Một bàn tay ấm áp đặt lên trán chị. Chị choàng tỉnh, mở mắt. Thì ra là chồng chị. Anh đã về từ khi nào chị cũng không biết. "Mẹ nấu cháo rồi, em dậy ăn đi rồi uống thuốc. Lần sau, mệt thì nghỉ, đừng cố quá như thế". Vậy mà chị đã thầm trách anh vô tâm, thầm có sự so sánh anh với người khác. Nghĩ đi nghĩ lại, chị thấy mình rõ là lẩn thẩn. Hôm nay, người ngất xỉu ở hội trường không phải là chị mà là bất kỳ ai đi chăng nữa thì sếp vẫn quan tâm như thế. Có gì mà phải xao lòng cơ chứ...
NAM HỒNG