Những năm gần đây, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ) đã phục tráng thành công giống lúa nếp quýt.
Cánh đồng nếp quýt tại thôn Phạm Xá 1 phát triển tốt
Đây là giống lúa truyền thống của huyện Kim Thành với nhiều ưu điểm vượt trội.
Vụ mùa, huyện Kim Thành gieo trồng khoảng 1.000 ha lúa nếp các loại, trong đó diện tích nếp quýt chiếm 20%. Giống lúa nếp quýt được canh tác từ lâu và gắn liền với những nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây. Với những ưu điểm vượt trội như hạt tròn, phôi lớn, gạo ngon, thơm, vị gạo ngậy, bùi… khiến giống lúa trở thành “ông vua” của vụ mùa một thời. Tuy nhiên, việc bảo tồn nguồn giống của người dân tại địa phương còn nhiều hạn chế nên giống lúa nếp quýt truyền thống đã bị thoái hóa, năng suất thấp.
Bác Lê Thị Lan ở thôn Phạm Xá 1, xã Tuấn Hưng (Kim Thành) cho biết: “Nếp quýt được người dân địa phương cấy từ nhiều đời nay. Có thời điểm, nếp quýt là giống lúa chủ lực của vụ mùa. Tuy nhiên, do tập quán canh tác lạc hậu, lấy lúa vụ này làm giống cho vụ sau nên giống lúa bị thoái hóa, năng suất chỉ từ 35-40 tạ/ha”.
Với mục đích khôi phục, duy trì và phát triển lại giống lúa nếp quýt truyền thống, vụ mùa 2018, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học đã triển khai đề tài “Nghiên cứu, phục tráng, duy trì và phát triển thương hiệu nếp quýt huyện Kim Thành”.
Bà Phạm Thị Hải Hà (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học), chủ nhiệm đề tài cho biết: “Bước đầu, chúng tôi lấy ý kiến miêu tả cảm quan của nông dân và cán bộ kỹ thuật địa phương về các đặc điểm nông, sinh học chung của giống nếp quýt. Từ đó, xây dựng bản dự thảo mô tả về giống nếp quýt. Sau đó, chúng tôi lựa chọn một số giống nếp quýt phân li, lấy mẫu thóc phân tích các đặc điểm tiêu biểu để lọc ra giống nếp quýt nguyên chủng”.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học tỉnh tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện đề tài
Để chọn lọc giống lúa nếp quýt nguyên chủng, đề tài đã thực hiện phục tráng cá thể trên diện tích 460 m2 tại Xí nghiệp Giống lúa Kim Thành và phục tráng quần thể trên diện tích 60 ha tại 3 xã Tuấn Hưng, Cổ Dũng và Phúc Thành. Qua theo dõi, trên diện tích phục tráng xuất hiện 9 dạng bông khác nhau và bước đầu đã phát hiện được những cá thể có đặc điểm và tính trạng tương đồng với mô tả của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tri ở thôn Phạm Xá 1 - một trong những hộ được lựa chọn tham gia thực hiện đề tài cho biết vụ mùa năm nay, gia đình ông cấy 1 mẫu nếp quýt thương phẩm do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa hoc tỉnh cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. “Dù nửa tháng nữa mới được thu hoạch nhưng giống nếp quýt qua phục tráng dự báo sẽ cho năng suất cao hơn. Lúa phát triển tốt, rất ít bị sâu bệnh, bông to đều, tỷ lệ hạt lép thấp, thân cây cứng. Dự kiến, năng suất đạt từ 48-50 tạ/ha, cao hơn giống nếp quýt chưa qua phục tráng từ 8-10 tạ/ha”.
Với những thành công bước đầu trong việc nghiên cứu và phục tráng giống lúa nếp quýt, UBND huyện Kim Thành đã thành lập Hiệp hội Sản xuất và Thương mại nếp quýt, gồm 119 thành viên là các hộ sản xuất và thu mua nếp quýt ở các xã Cổ Dũng, Tuấn Hưng, Kim Xuyên, Cộng Hòa và Ngũ Phúc.
Ông Nguyễn Văn Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Thành cho biết thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng nguồn giống đã qua phục tráng vào canh tác để tăng năng suất. Xây dựng vùng sản xuất nếp quýt tập trung tại các xã Tuấn Hưng, Cổ Dũng, Phú Thành, Kim Xuyên và Cộng Hòa. Trước mắt, huyện sẽ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho giống lúa nếp quýt để bảo đảm quyền lợi cho bà con nông dân.
ĐỖ QUYẾT