Sinh mổ không chỉ lâu hồi phục hơn sinh thường mà còn có thể để lại nhiều biến chứng lâu dài đối với sản phụ.
Đối mặt đau đớn kéo dài
Chị Trần Thị H. ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành) sinh mổ cả 2 lần. Lần đầu vết mổ lành tính hơn nên không mất nhiều thời gian để hồi phục. Nhưng đến lần thứ 2, chị H. đau đớn hơn nhiều. Những ngày đầu sau sinh, chị không thể tự đi lại, chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân và chăm con được. Việc sử dụng nhiều kháng sinh lúc mổ cũng ảnh hưởng khiến mấy ngày sau mổ chị H. không có sữa, phải cho con uống hoàn toàn bằng sữa công thức.
Mất khoảng 1 tuần sau khi mổ đẻ, chị H. mới có thể lần giường tập đi lại được. Tuy nhiên, sau đó nhiều ngày, vết mổ vẫn đau nhức, khiến chị không thể chăm được con, phải phụ thuộc vào người thân. Hơn 1 tháng sau đó, chị H. mới hồi phục, đi lại và vệ sinh cá nhân bình thường.
Chị Nguyễn Thị L. ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) từng bị tai nạn ảnh hưởng đến xương chậu nên khi mang thai, chị được các bác sĩ chẩn đoán khó sinh thường cần phải mổ đẻ. Ca mổ diễn ra thành công, “mẹ tròn, con vuông” nên gia đình chị L. rất mừng. Tuy nhiên, những biến chứng sau mổ gặp phải khiến đến nay đã hơn 10 năm mà chị L. vẫn bị ám ảnh.
Chị L. cho biết bây giờ mỗi khi trái gió trở trời là vết mổ đẻ lại tấy lên. Đặc biệt xung quanh điểm tiêm gây mê tủy sống khi mổ ở thắt lưng (đoạn gần xương cụt) có lúc như bị mất cảm giác, đau buốt, không thể cúi người xuống được. Vì đau quá không đi bình thường được nên dáng đi của chị L. cũng bị thay đổi không được thẳng.
“Tôi đã thăm khám bác sĩ nhiều lần rồi, nhưng lần nào uống thuốc xong cũng chỉ đỡ được một thời gian rồi lại tái phát. Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì không những sức khỏe mà ngay cả tinh thần của tôi cũng bị ảnh hưởng theo”, chị L. thở dài cho biết.
Không chỉ đau đớn về thể xác ở những chỗ liên quan đến thủ thuật thực hiện mổ đẻ, mà nhiều chị em còn bị ảnh hưởng cho những lần sinh tiếp theo. Sau lần sinh mổ đầu tiên, chị Nguyễn Thị Th. ở xã Hợp Tiến (Nam Sách) có thai. Khi đi khám, bác sĩ phát hiện thai nhi làm tổ ở vết mổ cũ. Đây là tình trạng không hiếm gặp ở những sản phụ đã từng sinh mổ. Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi mà còn gây nên nguy cơ vỡ vết mổ nếu thai phát triển to. Do vậy, chị Th. phải đình chỉ thai kỳ. Chị Th. chia sẻ: “Cháu đầu đã lớn nên vợ chồng chúng tôi mong muốn sinh thêm con. Tuy nhiên, khi mang thai lại phát hiện chửa ở vết mổ cũ và phải đình chỉ thai kỳ, khiến cả gia đình tôi rất buồn”.
Nên cân nhắc kỹ
Nếu như trước đây, đa phần phụ nữ chọn mổ đẻ do có những yếu tố bất lợi cho việc sinh thường đối với mẹ và con thì ngày nay, sinh mổ lại là lựa chọn của nhiều người do những lợi ích trước mắt mang lại. Ở Hải Dương cũng không ngoại lệ.
Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Hải Dương, từ đầu năm đến ngày 18/10, tỷ lệ sinh mổ tại đây chiếm 52%, trong khi đó cả năm 2023 là 51%. Trong vòng khoảng 3 năm trở lại đây, tỷ lệ mổ lấy thai tại bệnh viện này tăng đều từ 3-5%/năm.
Hầu hết các trường hợp sinh mổ đều do các sản phụ chủ động, nhiều trường hợp mổ lấy thai trước 39 tuần tuổi. Theo các bác sĩ, đối với các trường hợp mổ chủ động, ngoài tâm lý sợ đau thì nhiều sản phụ còn lo ngại các vấn đề khác như dễ bị tổn thương sàn chậu dẫn đến tiểu không tự chủ, ảnh hưởng đến quan hệ tình dục sau này... Ngoài ra, nhiều gia đình muốn lựa chọn thời điểm sinh, ngày giờ sinh.
Bác sĩ Đỗ Mạnh Tùng, Phó Trưởng Khoa Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến - Điều dưỡng (Bệnh viện Phụ sản Hải Dương) cho biết, có một số sản phụ và người nhà yêu cầu được mổ lấy thai sớm từ tuần 37, 38 nhưng các bác sĩ không đồng ý vì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé rất cao. Với những sản phụ thông thường, không có các bệnh lý kèm theo, các bác sĩ khuyến cáo và chỉ mổ cho sản phụ khi thai từ sau 39 tuần.
Theo bác sĩ Tùng, tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương, trong những ca sinh mổ, nhiều lần các bác sĩ đều phải đối mặt với những biến chứng trong phẫu thuật như chảy máu trong, chạm vào các tạng lân cận gây tổn thương các bộ phận tạng như ruột, bàng quang, nhiễm trùng vết mổ, bế sản dịch gây viêm niên mạc tử cung... Có những biến chứng như liệt ruột, bí tiểu, đau đầu, tụt huyết áp do tác dụng phụ của thuốc gây tê và gây mê, viêm niệu đạo bàng quang do đặt ống thông tiểu. Về lâu dài, sản phụ có thể gặp tử cung bị treo cao dính vào thành bụng gây đau bụng kinh, chửa tại vết mổ cũ ở những lần mang thai tiếp theo. Đặc biệt, tất cả những phụ nữ sinh mổ đều bị đau vết mổ mỗi khi thay đổi thời tiết...
Ngoài ra, trẻ sinh bằng phương pháp mổ đẻ cũng có một số hạn chế so với phương pháp đẻ thường. Theo các chuyên gia y tế, trẻ có thể bị ảnh hưởng sức khỏe do thuốc gây mê; dễ gặp phải vấn đề về hô hấp, nguy cơ mắc bệnh hen suyễn trong những năm tháng đầu đời; hệ miễn dịch của trẻ có thể kém hơn so với những em bé sinh thường, vì trẻ không có cơ hội được tiếp xúc với lợi khuẩn qua đường sinh âm đạo và không được bú sữa non trong khoảng vài giờ đầu sau sinh…
Việc sinh mổ càng nhiều lần thì tỷ lệ biến chứng càng cao. Do đó các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên áp dụng biện pháp sinh mổ tối đa 2 lần, trường hợp sinh thêm nên dựa vào sức khỏe của mẹ để đánh giá, quyết định.
Để bảo đảm sức khỏe của mẹ và con, trong trường hợp thai kỳ bình thường, các sản phụ nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định biện pháp sinh đẻ.
HIỀN NGA