Tuy nhiên, các nhà nữ quyền nhanh chóng chỉ trích dự luật này là thiếu rõ ràng và thúc đẩy văn hoá đổ lỗi cho nạn nhân, khiến họ gia tăng nguy cơ bị quấy rối tình dục. Nhiều hoạ sĩ, nhà làm phim, nhà văn và ca sĩ ở Campuchia cũng phản đối đề xuất trên và bày tỏ nghi ngờ về vai trò của Bộ Các vấn đề phụ nữ.
"Chúc mừng, chúng ta đang trở lại những năm 1960", nghệ sĩ Lisa Mam viết trên Facebook hôm 6.8.
Các diễn viên và ca sĩ Campuchia ngày càng bị các nhà quản lý soi xét kỹ về trang phục, một số người đối mặt với lệnh cấm biểu diễn. Hồi tháng 4, dư luận nước này phẫn nộ khi một phụ nữ bị giam 6 tháng với cáo buộc khiêu dâm và không đứng đắn khi mặc trang phục lộ liễu để bán quần áo và mỹ phẩm trực tuyến qua Facebook.
Tuy nhiên, thông tin về dự luật trên đã đẩy tranh cãi lên một nấc mới, Eng Chandy, quản lý tại tổ chức từ thiện Giới tính và Phát triển vì Campuchia, nói.
"Hiếm khi một dự thảo luật được chia sẻ rộng rãi như thế, cho chúng ta có cơ hội để thảo luận về nó trên phạm vi xã hội", cô nói. "Phản ứng trên mạng xã hội rất tích cực: mọi người từ khắp các tầng lớp đang nói về bình đẳng giới".
Một đơn kiến nghị trực tuyến phản đối dự luật đã thu hút gần 14.000 chữ ký, gây ngạc nhiên cho chính Tan Molika, một học sinh vừa tốt nghiệp trung học đã khởi xướng bản kiến nghị.
"Ban đầu, em chỉ định lập đơn kiến nghị nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người", Molika nói. "Hoá ra mọi người phản đối nó đến mức em nhận được nhiều yêu cầu đệ đơn kiến nghị lên Chính phủ".
Nhiều người Campuchia quan niệm phụ nữ phải phục tùng và im lặng. Đây là một di sản của Chbap Srey, bộ quy tắc ứng xử với phụ nữ mà Liên hợp quốc năm ngoái cho rằng nên loại bỏ hoàn toàn khỏi các trường học nước này. Nó được coi là căn nguyên dẫn đến vị thế thiệt thòi của phụ nữ trong xã hội Campuchia.
Chbap Srey ra đời cách đây nhiều thế kỷ, từng là một phần trong chương trình học tại Campuchia cho đến năm 2007, dạy phụ nữ phải biết nghe lời và quy định cách họ thể hiện bản thân.
"Trừng phạt phụ nữ vì cách lựa chọn trang phục của họ sẽ củng cố quan niệm rằng phụ nữ là nguyên nhân của bạo lực xảy ra với họ", Ming Yu Hah, Phó Giám đốc Tổ chức Ân xá quốc tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói. "Việc viện dẫn 'truyền thống dân tộc' đặt ra câu hỏi: ai định nghĩa truyền thống, trên cơ sở nào và kết quả là gì?".
Theo VnExpress