Phụ nữ bị bạo lực gia đình: Đừng im lặng

20/04/2017 07:14

Bạo lực gia đình (BLGĐ) đã và đang tàn phá hạnh phúc của biết bao gia đình. Một nguyên nhân khiến nạn BLGĐ vẫn tồn tại là sự im lặng của các nạn nhân.



Đường dây nóng phòng chống bạo lực gia đình luôn có tư vấn viên trực để tiếp nhận mọi cuộc gọi

Những cuộc gọi kêu cứu

Số điện thoại đường dây nóng của tỉnh về phòng chống BLGĐ được thiết lập năm 2012, đặt tại Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Từ năm 2016 được chuyển về Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp). Gần 5 năm nay, số điện thoại này đã tiếp nhận các cuộc gọi của nạn nhân bị BLGĐ; tổ tư vấn đã chia sẻ, hỗ trợ các nạn nhân khi họ sẵn sàng lên tiếng.

Nhiều chị em mạnh dạn gọi đến đường dây nóng để nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các tư vấn viên. Chị Nguyễn Thị Phương, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình từng gắn bó với đường dây nóng này từ nhiều năm nay.

Chị Phương chia sẻ: "Có nhiều cuộc gọi đến đường dây nóng để xin hỗ trợ. Có người gọi đến với trạng thái hốt hoảng, sợ hãi do thường xuyên bị chồng đánh đập, hành hạ nhưng luôn nghĩ vì các con, sợ không được nuôi con nên cứ cắn răng chịu đựng.

Sau khi tiếp nhận cuộc gọi, các tư vấn viên đã nhanh chóng trấn an tinh thần cho các chị em, lắng nghe câu chuyện và đưa ra các phương án để họ tự lựa chọn cách xử lý phù hợp nhất".

Hầu như các cuộc gọi đến đều vào khoảng thời gian từ chiều tối đến đêm khuya. Có trường hợp đang bị chồng bạo hành cũng đã kịp thời gọi cho đường dây nóng để xin trợ giúp. Chị Phạm Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý, người phụ trách tổ tư vấn của đường dây nóng hiện nay cho biết: "Có nhiều cuộc gọi của các chị em khi bị chồng đánh đập. Các tư vấn viên sẽ lập tức kết nối với công an xã, phường, thị trấn nơi nạn nhân sinh sống để can thiệp, hỗ trợ kịp thời cho các nạn nhân".

Trường hợp một phụ nữ ở phố Bình Lộc, phường Tân Bình (TP Hải Dương) bị chồng đánh đập, chị đã gọi đến đường dây nóng xin trợ giúp. Các tư vấn viên đã nhanh chóng kết nối với Công an phường Tân Bình xin hỗ trợ. Lực lượng công an phường đã kịp thời can ngăn vụ việc.

Không chỉ có nạn nhân gọi đến đường dây nóng mà một số người chứng kiến BLGĐ cũng đã gọi tới để kịp thời hỗ trợ nạn nhân. Có trường hợp một phụ nữ ở huyện Kinh Môn bị gia đình chồng ngược đãi, đánh đập rất dã man. Không còn cách nào khác, chị chạy sang hàng xóm lánh nạn. Thấy người phụ nữ bị bạo hành quá khổ, người hàng xóm đã gọi điện đến đường dây nóng để cầu cứu.

Do đâu?

Thực tế, các nạn nhân hoặc những người chứng kiến BLGĐ đã dám lên tiếng, gọi tới đường dây nóng còn ít. Trung bình một tháng, đường dây nóng chỉ tiếp nhận khoảng 20 cuộc gọi đến xin trợ giúp. Điều này không phải là ở tỉnh ta ít xảy ra BLGĐ mà nhiều nạn nhân và người chứng kiến BLGĐ không dám lên tiếng.

Trong số các cuộc gọi đến đường dây nóng, có trên 90% là phụ nữ xin hỗ trợ hoặc xin tư vấn thủ tục ly hôn. Khi các tư vấn viên tìm hiểu nguyên nhân xin ly hôn thì được biết nhiều chị em bị bạo hành quá lâu, không muốn chịu đựng thêm.

BLGĐ là một hành vi vi phạm đến đạo đức xã hội nhưng vẫn tồn tại bởi có sự “tiếp tay” của chính nạn nhân. Cũng vì suy nghĩ nín nhịn, chịu đựng mong gia đình yên ổn nên nhiều người vợ đã im lặng che giấu sự bạo hành của chồng.

Một nguyên nhân khiến chị em còn chưa kiên quyết thông báo hành vi bạo hành của chồng vì chính họ thường phải đem tiền đi nộp nếu chồng bị phạt, là người đi thăm nuôi nếu chồng bị tạm giữ.

Sự thờ ơ của những người hàng xóm và của một số cơ quan chức năng cũng khiến cảnh chồng đánh vợ tiếp diễn. Khi giải quyết các vụ BLGĐ, một số cơ quan chức năng, những người liên quan cho rằng đó là chuyện riêng gia đình nên chỉ nhắc nhở, hòa giải, cao hơn là xử phạt hành chính.

Tuy nhiên, sau khi đã thực hiện các biện pháp trên vẫn có nhiều phụ nữ tiếp tục bị bạo hành. Vì thế, nếu hòa giải nhiều lần mà không thành, người phụ nữ tiếp tục bị bạo hành thì cách tốt nhất là giúp họ thoát khỏi cảnh ngộ đó bằng việc tố cáo hành vi của người chồng.

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phụ nữ bị bạo lực gia đình: Đừng im lặng