Các con đã nghỉ hè nhưng mấy hôm nay nhóm phụ huynh của chị Ngọc Hà vẫn hoạt động sôi nổi, quy trình đưa đón học sinh được đem ra mổ xẻ hai lần.
"Hồi cuối năm 2023, trường của con tôi từng xảy ra một vụ quên trẻ trên xe đưa đón. Rất may chưa có chuyện đáng tiếc xảy ra", chị Hà, 34 tuổi, ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) nói.
Lần đó, một cậu bé ngủ trên xe trong khi các bạn khác đã vào lớp từ 7 giờ 10. Đến 7 giờ 40, cô giáo điểm danh không thấy nên gọi điện cho gia đình và ngay lập tức chạy ra xe kiểm tra nên kịp thời giải cứu.
Vụ việc khuấy động các nhóm phụ huynh của trường. Họ rà soát quy trình đưa đón và nhận ra có quá nhiều lỗ hổng. Nhà trường quyết định từ nay không chỉ có lái xe, người phụ trách xe mà phụ huynh tham gia giám sát.
Cụ thể, ngoài điểm danh lúc lên xuống xe, người phụ trách đưa đón sẽ quay video kiểm tra mọi góc trên xe gửi vào nhóm phụ huynh. Lúc đưa về cũng quay video từng trẻ xuống và kết thúc bằng một video quay toàn bộ xe. Giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo điểm danh trong nhóm lớp lúc 8 giờ sáng gồm sĩ số và tên các học sinh vắng mặt. Nếu em nào nghỉ không thông báo, cô sẽ gọi cho gia đình kiểm tra ngay. Hành trình di chuyển và tắc ở điểm nào được chia sẻ.
"Quy trình mới có check chéo ba bên để hạn chế tối đa sơ xuất", Hà nói.
Kể từ khi áp dụng cách mới, chị Hà cảm thấy yên tâm hơn. Dù vậy, khi xảy ra vụ việc bỏ quên trẻ trên xe ở Thái Bình mới đây, nhóm phụ huynh lớp con cô vẫn xôn xao bàn luận. Một số đề nghị nhà trường dùng thêm công nghệ nhận diện trẻ ngay khi vào và ra cổng trường kết nối với trực tiếp với điện thoại bố mẹ. Một số còn có ý tưởng đề nghị cô giáo chủ nhiệm phải đón ở cổng trường.
"Hiện tại đã nghỉ hè nên trường chưa có phản hồi gì", Hà cho biết.
Con trai sắp vào lớp 1 tại một trường tư cách nhà 5 km nên chị Nguyễn Phương, 30 tuổi ở Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy (Hà Nội) đã đăng ký xe đưa đón của nhà trường. Nhưng vụ việc đau xót của cậu bé bị bỏ quên trẻ trên xe mới đây khiến chị lo lắng.
Hai ngày nay, Phương và nhóm phụ huynh liên hệ với nhà trường thì được bảo đảm sẽ có một giáo viên phụ trách bán trú đi cùng xe, lập nhóm Zalo chia sẻ hành trình và báo cáo đầy đủ quá trình đón đưa. Mặc dù thấy quy trình hiện tại "có vẻ ổn", song nhóm phụ huynh vẫn không yên tâm vì sợ chỉ nghiêm túc được một thời gian, sau đó sẽ sao nhãng.
"Đang có hai luồng ý kiến, một bộ phận tiếp tục cho con đi xe trường, số khác quyết định sẽ sắp xếp công việc tự đưa đón", bà mẹ trẻ cho biết.
Cơ quan Phương không thuận đường trường con, lại vướng con gái nhỏ 2 tuổi, ông xã thường xuyên đi công tác nên vẫn chọn giải pháp đi xe bus trường học. Cô đang tính sẽ mua thêm thiết bị định vị bé, dù biết chưa chắc đã có hiệu quả.
Đưa đón học sinh đến trường bằng xe buýt được kỳ vọng mang đến sự an toàn cho học sinh, tiện lợi cho phụ huynh, được nhiều trường ở các thành phố hay địa bàn có các khu công nghiệp tập trung nhiều gia đình công nhân áp dụng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, dịch vụ đưa đón trẻ đến trường hiện chưa có một quy chuẩn chung, mà mỗi nơi một kiểu, thậm chí tồn tại nhiều lỗ hổng.
Bà Dương Kim Tuyến, người sáng lập một trung tâm dạy kỹ năng sống với 13 năm kinh nghiệm ở Hà Nội cho biết hai vụ việc bỏ quên trẻ trên xe vô cùng đau lòng và bài học cảnh tỉnh cho tất cả.
Trước tiên cần phải nhìn nhận đây là trách nhiệm của người lớn. Thầy cô, bố mẹ hay bất kỳ ai làm việc với trẻ cần hiểu trẻ con ngủ trên xe là bình thường. Trách nhiệm người lớn là phải luôn luôn kiểm tra an toàn.
Theo bà Tuyến, dù ủy quyền cho nhà trường việc đưa đón trẻ nhưng vai trò phối hợp của phụ huynh rất quan trọng. Cha mẹ luôn phải nhắc nhở con rằng rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào và trang bị cho con những kỹ năng cần thiết ứng phó tình huống bất trắc.
"Trang bị cho con là cả một hành trình chứ không phải chỉ rộ lên sau khi có sự vụ xảy ra. Tạo lập thói quen thoát hiểm phải được thực hành lặp đi lặp lại", chuyên gia nói.
Tối qua, vợ chồng chị Hoài Giang ở Hải Phòng lôi hai con 10 tuổi và 8 tuổi ra kiểm tra kỹ năng thoát hiểm khi bị nhốt trên xe. Chồng chị cam đoan các con biết vì anh đã dạy con lớp 5 năm trước, còn con nhỏ được học ở trường tiểu học 3 năm trước. Chị Giang sợ thời gian lâu quá các con đã quên.
Kết quả, cả hai bé đều trả lời đủ bốn cách thoát hiểm. Anh lớn, dù được bố dạy từ khi 5 tuổi, vẫn nhớ rõ rằng dù xe có tắt máy, còi và đèn vẫn hoạt động, cũng như kỹ năng dùng búa đập kính.
"Nhưng một đứa trẻ 5 tuổi trong tình huống hoảng loạn như vậy khó có thể làm được gì, nên quan trọng nhất vẫn là người lớn cần hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình", chị Giang nói.
Nhận thấy quy trình đưa đón của trường con trai được thiết lập rất chặt chẽ, chị Vũ Minh Trang, ở Cầu Giấy thường chia sẻ với mọi người mỗi khi có dịp. Thứ nhất, trường có văn bản chính thức quy định công tác kiểm tra hai lần: sau khi học sinh xuống xe, cô phụ trách kiểm tra toàn xe lần thứ nhất, sau đó lái xe khi đưa xe vào bãi phải kiểm tra toàn xe lần thứ hai mới được phép khóa cửa xe và rời khỏi.
Đầu giờ học cô giáo chủ nhiệm sẽ điểm danh, chụp ảnh cả lớp, thông báo sĩ số và tên học sinh nghỉ lên nhóm lớp cho các vị phụ huynh được biết. Bạn nào nghỉ không phép sẽ gọi gia đình kiểm tra.
Các gia đình nhà gần tự đi về hoặc tự lên xuống điểm đưa đón không có bố mẹ cần có giấy bảo đảm đăng ký với trường ngay từ đầu năm học để giáo viên, người phụ trách xe và lái xe được biết. Nếu không có giấy bảo đảm sẽ không được ra khỏi trường, nếu xuống điểm đón chưa có bố mẹ buộc phải liên hệ và chờ đến khi bàn giao thì xe mới được đi. Hành trình xe được chia sẻ vào nhóm phụ huynh, tắc đường cũng báo cáo.
Đầu năm học nhà trường dành một tuần để dạy tất cả học sinh dù đi xe buýt hay không, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn và được thực hành trên chính xe buýt nhà trường mà các con vẫn đi, cho đến khi bảo đảm từng bạn có thể tự thao tác thành thục tất cả các kỹ năng thoát hiểm khi bị nhốt trong xe, cũng như khi xe gặp sự cố và tai nạn. Việc này được dạy lại đầu mỗi năm học.
"Quy trình này được áp dụng 5 năm nay giúp phụ huynh rất yên tâm", chị Trang nói.
Về phần chị Thái Hà, dù trước đây áp dụng quy trình cũ hay sau khi được làm lại chặt chẽ, cô vẫn giữ thói quen 8 giờ sáng vào nhóm lớp xem báo cáo sĩ số, kiểm tra con vào lớp mới yên tâm.
"Mình không lo cho con mình thì đòi hỏi gì ở người khác, nên bắt buộc phụ huynh phải tham gia vào quy trình đưa đón trẻ. Có hôm lỡ các cô mắc lỗi không quay hoặc chưa gửi video, tôi sẽ hỏi ngay lập tức trong nhóm lớp", Hà nói.
TB (theo VnExpress)