Phòng vệ thương mại - biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước

30/05/2021 11:35

Phòng vệ thương mại chính là trụ cột cuối cùng để bảo đảm thương mại công bằng, bảo vệ ngành sản xuất trong nước sản xuất sản phẩm tương tự tồn tại trước những tác động gây ra bởi hàng nhập khẩu.

Thép cuộn tại nhà máy sản xuất thép ở Salzgitter, Đức

Chống bán phá giá và các biện pháp phòng vệ thương mại là những công cụ chính sách phổ biến nhất mà nhiều nước nhập khẩu lớn nhất trong hệ thống của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sử dụng để kiểm soát thương mại quốc tế.

Các biện pháp này được quy định trong ba hiệp định riêng biệt của WTO là các Hiệp định thực hiện Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (thường được gọi là Hiệp định Chống bán phá giá); Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng; và Hiệp định về các biện pháp bảo vệ.

Theo thống kê của WTO, các biện pháp phòng vệ thương mại tác động tới khoảng 1.500 tỷ USD kim ngạch thương mại toàn cầu.

Biện pháp hiệu quả?

Thúc đẩy tự do hóa thương mại là một mục tiêu của quá trình hội nhập quốc tế nhưng cũng cần thừa nhận rằng các nước có thể sẽ phải bảo vệ sản xuất trong nước chống lại cạnh tranh từ hàng hóa nước ngoài.

Biện pháp phòng vệ thương mại được sử dụng phổ biến nhất là điều tra chống bán phá giá và các khoản thuế tiềm năng.

Hiệp định WTO đưa ra các tiêu chí và yêu cầu rất chi tiết mà theo đó các chính phủ thành viên phải tiến hành điều tra.

Kinh nghiệm áp dụng biện pháp tự vệ thương mại của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến sản phẩm thép có thể coi là vụ việc điển hình.

Ngày 23.3.2018, Mỹ đã áp dụng mức thuế nhập khẩu mới là 25% đối với một số sản phẩm thép và 10% đối với một số sản phẩm nhôm.

EU xem mức thuế suất của Mỹ đối với thép và nhôm là bất hợp pháp theo các quy định quốc tế và đã thực hiện cuộc điều tra để ứng phó với những ảnh hưởng của lượng thép nhập khẩu ồ ạt vào EU sau quyết định của Mỹ.

Ngày 19.7.2018, EU đã thông qua các công cụ phòng vệ dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đối với nhập khẩu các sản phẩm thép từ các quốc gia không phải là thành viên và các biện pháp này sẽ có hiệu lực đến ngày 30.6.2021.

EU cũng đe dọa rằng nếu Mỹ áp thuế trừng phạt nhôm và thép với EU, khối này sẽ áp đặt thuế tiêu thụ với 2,8 tỷ euro hàng nhập khẩu của Mỹ và dự kiến tiếp tục áp thuế bổ sung hàng hóa trị giá 3,6 tỷ euro trong tháng tới, để bù đắp những thiệt hại mà biện pháp thuế của Mỹ gây ra.

Tuy nhiên, ngày 18.5 vừa qua, Mỹ và EU đã nhất trí ngừng gia tăng căng thẳng liên quan đến thuế nhôm, thép. Trong đó, EU tạm thời hoãn tăng thuế trả đũa với nhiều mặt hàng của Mỹ và hai bên sẽ đàm phán để giải quyết tình hình. Với tuyên bố mới, mức tăng theo lộ trình đã tạm thời hoãn lại để tạo cơ hội cho đối thoại.

Các biện pháp phòng vệ thương mại như vậy là mục tiêu thường xuyên của hoạt động giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO và các cuộc tham vấn nhận được theo Thỏa thuận về Giải quyết Tranh chấp (DSU) của WTO về các tranh chấp liên quan đến thương mại.

"Cảnh giác" công lý

Ban Hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm có thể phát hiện ra rằng một số khía cạnh của biện pháp phòng vệ thương mại được xem xét không phù hợp với các tiêu chuẩn của WTO.

Cơ chế giải quyết tranh chấp được giới hạn trong việc xác định xem liệu các cơ quan có thẩm quyền có thực hiện một cách khách quan hay không, có bất đồng về kết quả thực tế hay không.

Theo quy định, tất cả 164 quốc gia thành viên WTO đều có quyền áp dụng các biện pháp và thủ tục trong các Hiệp định của WTO và một số quốc gia đang phát triển đã sử dụng thành công hệ thống này.

Tuy nhiên, trên thực tế thì chính các quốc gia phát triển giàu có hơn mới thực hiện hầu hết các cuộc điều tra.

Điều này xuất phát từ lý do thực tế là sự phức tạp trong các yêu cầu của WTO và mức độ tài chính cần thiết cho các cuộc điều tra do cần sự hỗ trợ của các luật sư và kế toán đắt tiền trong hầu hết quá trình. Các chi phí lớn hơn nữa có thể phát sinh khi một vụ việc cần được giải quyết tranh chấp.


Hàng hóa được bốc dỡ tại cảng Long Beach, California, Mỹ. Nguồn: AFP/TTXVN

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU đã diễn ra trong một thời gian khá dài và điều này mang tới những thay đổi lớn trong quan hệ thương mại trên thế giới nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng khi thương mại tự do bị kìm hãm.

Chẳng hạn Thụy Sỹ tuy không phải là quốc gia thành viên EU nhưng cũng chịu ảnh hưởng khi Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu 25% đối với một số sản phẩm thép và các mức thuế này cũng áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Thụy Sỹ.

Biện pháp phòng vệ của EU cũng ảnh hưởng đến thép nhập khẩu vào EU từ Thụy Sỹ.

Trước đây cũng đã có những trường hợp cá biệt về các biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng lại có ảnh hưởng gián tiếp đến các công ty Thụy Sỹ khi tham gia chế biến thêm các sản phẩm này tại Thụy Sỹ.

Đại dịch COVID-19 khiến các chuỗi cung ứng quan trọng bị phá vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới trao đổi thương mại trên thế giới, gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, mâu thuẫn thương mại giữa nhiều nền kinh tế tiếp tục diễn biến phức tạp và xu thế sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại để bảo hộ sản xuất trên thế giới tiếp tục gia tăng.

Các nước thành viên của WTO đều nhìn nhận rằng các biện pháp phòng vệ thương mại chính là trụ cột cuối cùng để đảm bảo thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước sản xuất sản phẩm tương tự tồn tại trước những tác động tiêu cực gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu.

Sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Ngoài ra, các FTA còn có nghĩa vụ tham khảo và cung cấp thông tin.

Các cuộc tham vấn cho phép các bên hiểu rõ hơn về vị trí pháp lý tương ứng của họ và nền tảng của biện pháp dự kiến với mục tiêu cuối cùng là tăng cường an ninh pháp lý vì lợi ích của các nhà xuất khẩu.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng vệ thương mại - biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước