9 tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí so với trước dịch COVID-19.
So với cách đây 10 năm, thiệt hại do TNGT từ mức độ của một “thảm họa” đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và được đẩy lùi ngày càng sâu hơn.
Đó cũng là 10 năm Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát động và tổ chức hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT với thông điệp đầy tính nhân văn: “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”.
Tuy vậy, điều lớn hơn nữa mà cả xã hội đang hướng tới là tầm nhìn không thương vong, là một tương lai an toàn, để không ai phải làm “người ở lại”.
Các hoạt động hướng tới bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) sẽ cần chuyển mình ra sao để đạt mục tiêu này? Và làm thế nào để công tác phòng ngừa TNGT ngày càng hiệu quả?
Đã biết sợ… TNGT
Tại gia đình ông Đinh Trọng Thông ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội, hơn 1 tháng qua, sự ra đi của người con trai duy nhất do TNGT khiến cho gia đình ông vẫn không thể vực dậy. Trong căn nhà nhỏ trống trải, không khí tang thương vẫn bao trùm.
Mỗi lần có khách đến thăm hỏi, chia sẻ, ông Thông lại không cầm được nước mắt: "Tôi khuyên mọi người nên khuyên bảo con cháu đi xe cẩn thận một tí, chứ không lại rơi vào hoàn cảnh gia đình nhà tôi, nó đau, mất con khổ lắm".
Không chỉ gia đình ông Đinh Trọng Thông, mà theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 10 tháng đầu năm nay, đã có 5.221 người tử vong, bình quân mỗi ngày có 18 người tử vong, đồng nghĩa 18 gia đình mất đi người thân do TNGT.
Còn lái xe Nguyễn Văn Đức ở Cầu Giấy, Hà Nội, mỗi lần xem các clip TNGT, bức tranh TNGT tại lễ tưởng niệm vẫn ám ảnh bởi những đau thương, mất mát với từng gia đình có người bị tử vong do TNGT. Người là con độc nhất, người là trụ cột gia đình mất đi, để lại nỗi đau không thể tả xiết: "Nên tổ chức những lễ tưởng niệm một cách sâu rộng để có tính lan tỏa nhiều hơn bởi vì TNGT bây giờ khá nghiêm trọng và xảy ra rất nhiều, cho nên đấy là những cái hết sức cần thiết. Khi xem những lễ tưởng niệm thì tôi luôn luôn rút kinh nghiệm và tham gia giao thông luôn ý thức và chấp hành một cách tốt hơn".
Theo ông Vũ Văn Tùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hải Dương, từ khi được tổ chức, lễ tưởng niệm nạn nhân TNGT đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Từ đó, bức tranh thảm họa do TNGT mang tính tổng thể hơn, giúp cộng đồng và từng người dân thấy rằng TNGT cướp đi sinh mạng, của cải vật chất rất lớn.
"Những người bị rồi thì thấm thía, người chưa bị thì cũng nhìn thấy những cảnh tương đối tang thương, bởi không có cái chết nào đau khổ như TNGT. Nó mang tính giáo dục rất cao, đồng thời cũng mang tính nhân văn rất cao. Qua đó các hệ thống chính trị cũng như tầng lớp nhân dân có hưởng ứng, chia sẻ và từ nhận thức đến ý thức và hành động có chuyển biến nhiều hơn," ông Tùng nói.
Ông Nguyễn Thiên Vương, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, các hoạt động như thăm hỏi gia đình nạn nhân TNGT, lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT đã tác động sâu sắc đến cộng đồng xã hội và người tham gia giao thông.
Nhờ vậy, sau 10 năm, số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT đã giảm hơn 50%. Riêng 10 tháng đầu năm nay, Quảng Ninh cũng giảm hơn 13% về số vụ, giảm 16,3% số người chết do TNGT so với cùng kỳ năm trước.
"Đương nhiên gia đình người ta quá hiểu sự mất mát của TNGT rồi, ngoài ra cộng đồng cũng thấy được TNGT có thể vào bất cứ gia đình nào, sẽ có rủi ro, những hệ quả, ảnh hưởng tới không chỉ gia đình người ta, mà ảnh hưởng cả những người xung quanh, về kinh tế, về sức khỏe… cũng là hình thức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng", ông Vương nói.
Trông đợi gì sau mỗi lễ tưởng niệm?
Nhiều lần tham gia giao thông bắt gặp các tình huống ô tô chen lấn làn của xe máy, chị Nguyễn Thùy Linh buộc phải leo lên vỉa hè. Đó là chưa kể, khi đèo trẻ nhỏ, chị Linh không biết giải thích thế nào khi con thắc mắc việc đi trên vỉa hè là không đúng. Bởi vậy, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục, cần đẩy mạnh việc xử phạt các trường hợp vi phạm TTATGT.
Chị Linh cho rằng: "Để khắc phục tình trạng này, bản thân mỗi người dân khi tham gia giao thông phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm khi sử dụng phương tiện giao thông. Ngoài ra, những kỳ thi sát hạch cần siết chặt hơn nữa, bảo đảm rằng người tham gia giao thông có đầy đủ kiến thức và kỹ năng trước khi lưu thông".
Theo ông Vũ Hoàng Linh, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa, sau mỗi lễ tưởng niệm, các cơ quan chức năng cần nhìn nhận lại những việc đã làm để nỗ lực phấn đấu tuyên tuyền sâu rộng hơn nữa trong nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, khu vực nông thôn, trong trường học, trong các tổ chức đoàn thể, thanh niên, thiếu niên, học sinh về việc chấp hành pháp luật về TTATGT.
"Chúng ta cần có định hướng cho giới trẻ các hậu quả của TNGT. Tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh có trách nhiệm thẩm thấu trong quá trình tham gia giao thông luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm để bảo vệ chính mình và không ảnh hưởng đến cộng đồng khi tham giao giao thông", ông Linh nói.
PGS.TS. Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cũng cho rằng, việc đưa nhiều thông tin, hình ảnh về những hậu quả do TNGT gây ra, những mất mát về tính mạng, sức khỏe và kinh tế... sẽ khiến người tham gia giao thông nhận thức rõ hơn, để tham gia giao thông an toàn.
"Mong là hoạt động này sẽ nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, đi từng ngõ ngách, vào từng gia đình, tạo nên một ấn tượng đối với người tham dự và những người nghe. Những hoạt động như thế rất có tính giáo dục, kêu gọi tình người và sẽ góp phần nâng cao ý thức", ông Khiêm khẳng định.
Theo ông Lưu Văn Ngự, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông Hải Dương, suốt 10 năm qua, các hoạt động của “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” hàng năm đều có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội, kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng về những tổn thất, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT, từ đó tạo được sự quan tâm, chú ý của toàn xã hội:
"Mỗi chúng ta hãy nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của chương trình tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT, chia sẻ với những đau thương, mất mát do TNGT gây ra, đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT nhằm giảm TNGT", ông Ngự kêu gọi.
Không chỉ là những hoạt động của hoạt động tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT, nhiều người tham gia giao thông cũng mong muốn đi cùng các hoạt động tuyên truyền, xử lý, xử phạt thì cũng cần cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông, chất lượng đào tạo, sát hạch, bởi việc mong muốn tuân thủ pháp luật về TTATGT cũng cần đi kèm với điều kiện để họ tuân thủ.
Theo VOV Giao thông