Pháp luật

Phòng chống cháy nhà trong ngõ nhỏ ở TP Hải Dương thế nào?

DT 23/06/2024 15:00

Do lịch sử để lại, hiện TP Hải Dương có nhiều ngõ, ngách nhỏ. Nếu không may xảy ra cháy nổ sẽ rất khó khăn trong chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Anh Hoàng Đức Mạnh ở ngách 28, ngõ 88, đường Vũ Hựu kiểm tra hệ thống bình chữa cháy trang bị cho khu nhà trọ

Chỉ một xe máy đi vừa

TP Hải Dương có rất nhiều ngõ, ngách nhỏ hẹp, sâu hun hút như các ngõ phố Phạm Ngũ Lão, Trần Phú, Trương Mỹ, Bắc Sơn, Mạc Thị Bưởi, Canh Nông, Quang Trung, Nguyễn Trãi, Đức Minh, Vũ Hựu… Nhiều ngõ, ngách trên đường Phạm Ngũ Lão, Hàn Giang, Bắc Sơn, Trương Mỹ chỉ một xe máy đi vừa. Nếu có xe, người đi ngược chiều, phải dừng đỗ để cùng lách qua, thậm chí một xe phải lùi tìm chỗ tránh để xe khác đi. Nhiều ngõ phát triển hình xương cá thành các ngách sâu, chằng chịt và rất hẹp.

Ở trong ngõ, ngách, các ngôi nhà được xây san sát. Phần lớn nhà xây dựng từ lâu, xuống cấp, hệ thống điện đã cũ, lạc hậu, thiếu an toàn. Do chật hẹp, tầng 1 của phần lớn gia đình vừa dùng làm nhà bếp, phòng khách vừa làm chỗ để xe máy, xe đạp điện, xe máy điện... Hầu hết các nhà đều xây theo loại nhà ống quay ra ngõ, chỉ có một lối đi ra đi vào là cửa chính, còn lại 3 phía đều bị chặn kín bởi nhà khác.

Tuy phần lớn nhà trong ngõ, ngách dùng để ở nhưng vẫn có những gia đình kết hợp sản xuất, cho thuê nhà trọ, bán hàng ăn, tạp hóa, may mặc, sửa chữa giầy dép da, đồ điện, in thiếp cưới…

Từ những yếu tố trên, nếu mỗi gia đình không nêu cao ý thức phòng ngừa, cảnh giác thì nguy cơ cháy nổ sẽ xảy ra rất cao.

Theo tổng hợp sơ bộ của Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hải Dương), trên địa bàn thành phố có gần 120 ngõ dài từ 50 m trở lên. Hiện nay, hầu hết các ngõ này mới chỉ có điểm chữa cháy công cộng, còn chưa có hệ thống cấp nước theo thiết kế, nguồn nước tự nhiên từ ao, hồ phục vụ chữa cháy cũng cơ bản không còn. Nhiều gia đình còn tâm lý chủ quan, lơ là trong việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt; đồ dùng, vật dụng để thiếu ngăn nắp, thiếu an toàn, gây cản trở đi lại…

Những khuyến cáo thiết thực

Với thực trạng trên, nếu không may xảy ra cháy nổ tại các ngõ ngách nội thành này sẽ rất nguy hiểm và khó khăn cho việc chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Thiếu tá Nguyễn Sáng Quang, Phó Đội trưởng Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hải Dương) cho biết do các nhà liền sát nhau, khi xảy ra cháy nổ, không kịp thời được xử lý, khống chế, khả năng cháy lan sang các nhà liền kề rất cao và dẫn đến vụ việc càng phức tạp, khó lường. Ở các ngõ ngách nhỏ, kéo dài, các phương tiện chữa cháy hiện đại như xe chữa cháy, xe nâng để dập lửa, cứu người gặp nạn không tiếp cận được. Việc chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn phải thực hiện bằng các biện pháp thủ công, thô sơ như bình chữa cháy xách tay, máy bơm, thang khiêng tay. Từ đó, hiệu quả chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn không cao, thường bị mất đi khung “giờ vàng” để dập lửa, cứu người.

Nhiều ngõ ngách hẹp, sâu ở đường Phạm Ngũ Lão gây khó khăn trong công tác phòng chống cháy nổ

Để không xảy ra và hạn chế thập nhất thiệt hại từ cháy nổ, Thượng tá Hà Tiến Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) đã khuyến cáo nhiều biện pháp phòng ngừa, xử lý tình huống.

Các cấp ủy, chính quyền cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ. Tích cực xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động của các “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, lực lượng chữa cháy ở cơ sở. Vận động mua máy bơm, thiết bị chữa cháy trang bị cho các khu dân cư, tổ dân phố.

Mỗi gia đình cần chủ động tìm hiểu nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ, nhất là xây dựng phương án xử lý tình huống, thoát nạn, mua sắm bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thông thường. Nhà cao tầng cần có thang dây, mở thêm lối thoát nạn. Cần loại bỏ vật dụng, đồ dùng dễ cháy không cần thiết, sắp xếp hàng hóa gọn gàng, tránh xa nguồn lửa, nguồn nhiệt.

Các gia đình chú ý kiểm tra, sửa chữa, bảo đảm an toàn hệ thống điện. “Để xảy ra mỗi vụ cháy nổ cần có các yếu tố là chất cháy (gỗ, giấy, nhựa, xăng dầu, gas…), chất oxy hóa, chất mồi bắt cháy (nguồn lửa, nguồn nhiệt…). Nếu mỗi gia đình quản lý tốt việc này sẽ góp phần phòng ngừa, hạn chế cháy nổ”, Thượng tá Hà Tiến Dũng khuyến cáo.

DT
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng chống cháy nhà trong ngõ nhỏ ở TP Hải Dương thế nào?
    ss