Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ đồng chủ trì cuộc họp Việt-Trung

10/07/2022 17:40

Đại sứ Phạm Sao Mai nhận định về ý nghĩa của chuyến thăm Trung Quốc và chủ trì Phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.

Pho Thu tuong Pham Binh Minh se dong chu tri cuoc hop Viet-Trung hinh anh 1

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đón Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị dự Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc tháng 9.2021 tại Hà Nội. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Nhận lời mời của Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung Quốc-Việt Nam Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc Phạm Bình Minh sẽ thăm Trung Quốc và đồng chủ trì phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc tại TP Nam Ninh, khu trự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc từ ngày 12-13.7.2022.

Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đã trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí Việt Nam tại Bắc Kinh về quan hệ hai nước cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm.

Đánh giá về tình hình quan hệ hai nước kể từ phiên họp lần thứ 13 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc đến nay, Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết: “Tôi vui mừng nhận thấy, với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua tiếp tục duy trì ổn định và có nhiều tiến triển mới."

Về quan hệ chính trị, trao đổi, tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt, góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước.

Đặc biệt, sau Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã lần lượt có các cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Ủy viên trưởng Nhân Đại (Chủ tịch Quốc hội) Lật Chiến Thư, đưa ra những định hướng quan trọng thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Hợp tác, giao lưu kênh Đảng, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an và các địa phương biên giới hai nước duy trì mật thiết. Hợp tác kinh tế, thương mại nhìn chung phát triển ổn định.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đối tác lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới.

Theo thống kê của hải quan Việt Nam, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6%; 5 tháng đầu năm 2022, đạt 64,06 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc có tiến triển mới, trong đó chanh leo Việt Nam được thí điểm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc kể từ tháng 7.2022, đàm phán ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã cơ bản hoàn tất, có thể ký kết trong những ngày tới.

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 6.2022, Trung Quốc xếp thứ 6/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 22,31 tỷ USD. Vướng mắc trong một số dự án hợp tác từng bước được tháo gỡ. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chính thức được đưa vào vận hành.

Hợp tác phòng chống COVID-19 đạt nhiều kết quả thực chất. Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vaccine ngừa COVID-19 nhiều nhất, đóng góp hiệu quả cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam.

Về vấn đề biên giới lãnh thổ, biên giới trên bộ Việt-Trung duy trì hòa bình, ổn định; hai bên phối hợp chặt chẽ, xử lý thỏa đáng vấn đề nảy sinh trên cơ sở 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền; tình hình trên biển xuất hiện một số nhân tố phức tạp mới nhưng cơ bản ổn định, hai bên duy trì các kênh đối thoại, đàm phán, nỗ lực kiểm soát bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam và Trung Quốc tích cực phối hợp nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực và trên thế giới, nhất là tại diễn đàn ASEAN và Liên hợp quốc; ủng hộ lẫn nhau tham gia các tổ chức quốc tế.

Mặc dù vậy, do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đối mặt một số khó khăn, kim ngạch thương mại hai chiều có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, thông quan hàng hóa tại cửa khẩu có lúc chưa thông suốt, các chuyến bay thẳng chưa được khôi phục bình thường, lưu học sinh Việt Nam chưa thể quay trở lại Trung Quốc học tập….

Với những vấn đề này, hai bên luôn duy trì trao đổi thẳng thắn qua nhiều kênh nhằm tìm kiếm các biện pháp tháo gỡ.

Nói về ý nghĩa chuyến thăm của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đến Trung Quốc lần này, Đại sứ Phạm Sao Mai bày tỏ: “Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, dịch bệnh COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực, nhiều chiều tới bức tranh chính trị, kinh tế toàn cầu, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện trên các khía cạnh:

Một là, thể hiện quyết tâm của hai bên trong việc duy trì giao lưu, tiếp xúc mật thiết giữa hai Đảng, hai nước, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị.

Hai là, thực hiện hiệu quả các nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi Việt Nam-Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.

Ba là, đánh giá tổng thể hợp tác hai nước kể từ phiên họp lần thứ 13 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc (9.2021) đến nay, thảo luận các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương trong tất cả các lĩnh vực, tiếp thêm động lực cho quan hệ Việt -Trung phát triển hơn nữa trong thời gian tới".

Về triển vọng quan hệ hai nước trong thời gian tới, Đại sứ Phạm Sao Mai đánh giá, Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công xây dựng và vun đắp.

Trong tình hình hiện nay, việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phù hợp lợi ích lâu dài của hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của quan hệ song phương, tôi cho rằng, thời gian tới, hai nước cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như các thỏa thuận song phương, bao gồm các kết quả quan trọng đạt được tại Phiên họp thứ 14 lần này, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị; cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hợp tác thực chất trên các lĩnh vực.

Đại sứ tin tưởng vững chắc rằng, trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và nền tảng quan hệ song phương hiện có, với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc sẽ tiếp tục được nâng lên một tầm cao mới”.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ đồng chủ trì cuộc họp Việt-Trung