Thăng trầm theo thời gian, nhiều phố nghề sầm uất của Thành Đông xưa đã dần mai một và hình thành nên những phố chuyên doanh mới của TP Hải Dương ngày nay.
Phố Hàng Giày xưa (nay là phố Sơn Hòa) chỉ còn vài hộ làm nghề sửa chữa giày
Ký ức phố “Hàng”
Cuộc sống phát triển, nhu cầu của con người thay đổi làm nhiều phố nghề ở TP Hải Dương biến mất, thậm chí tên cũng không còn. Có lẽ ngày nay không nhiều người biết phố Sơn Hòa xưa kia là phố Hàng Giày nổi tiếng, nơi quy tụ những cửa hiệu bán và sửa giày uy tín. Ngày nay, trên con phố này chỉ còn vài người bám trụ với nghề. Nhắc về phố cũ, nghề xưa, ông Phạm Khắc Tùng, con cụ Phạm Khắc Thức, chủ tiệm giày Quy Thức nổi tiếng một thời không khỏi bùi ngùi: “Phố Hàng Giày ngày ấy đông vui, nhộn nhịp lắm. Nhất là vào dịp cuối năm các tiệm giày làm việc ngày đêm. Thợ đóng giày lành nghề từ làng Trúc Lâm (xã Hoàng Diệu, Gia Lộc) ra đây để sản xuất, buôn bán giày, dần dần hình thành một phố chuyên sản xuất và kinh doanh giày mà người ta quen gọi phố Hàng Giày. Hồi đó, cả phố có khoảng 10 tiệm giày. Các hiệu giày xưa đã có catalô. Khách vào xem thấy ưng mẫu nào thì bảo thợ giày đo cỡ chân và làm theo mẫu đó”.
Cùng thời với hiệu giày Quy Thức, ở phố Hàng Giày còn có tiệm Bảo Hưng, Hoàng Long, Tân Tiến mà thương hiệu đã nổi tiếng khắp vùng… Cuốn "Địa chí Hải Dương" giới thiệu: Phố Hàng Giày buôn bán sầm uất. Nhiều hộ đã có xưởng lớn. Mặc dù làm chủ yếu theo phương pháp thủ công nhưng giày dép đã sản xuất hàng loạt, mẫu mã có thay đổi. Thợ đóng giày đã biết sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, kiểu dáng theo yêu cầu của khách hàng. Ngày nay với sự phát triển của công nghiệp, giày dép cũng như nhiều đồ dùng khác được sản xuất hàng loạt với giá thành hợp lý, mẫu mã thường xuyên thay đổi, nghề đóng giày mai một dần. Phố Hàng Giày đã được đổi tên thành phố Sơn Hòa. Nhiều mặt hàng mới như đồ chơi, quần áo thời trang được kinh doanh phổ biến trên chính phố Hàng Giày cũ.
Một trong những phố nghề vẫn giữ được vẻ nhộn nhịp, sầm uất cho đến ngày nay là phố vải Trần Bình Trọng. Phố này xưa còn được gọi là phố Hàng Đào bởi tập trung khá nhiều tiệm kinh doanh vải vóc. Gần phố vải là phố Hàng Bạc xưa chuyên chế tác vàng bạc, nay là phố Xuân Đài. Phố Khách,chuyên bốc thuốc bắc, nay là phố Bắc Kinh. Phố Hàng Lọng chuyên làm lọng, nay là phố Tuy Hòa. Phố Bến Bè chuyên bán bè tre, gỗ, nay là phố Tam Giang. Phố Đông Thị chuyên bán bánh kẹo, nay là đoạn đầu phố Quang Trung.
Phố Hàng Đào (nay là phố Trần Bình Trọng) vẫn giữ được vẻ sầm uất của phố nghề xưa
Ông Lưu Đức Ý, hội viên Hội Khoa học lịch sử Hải Dương, người đã nhiều năm nghiên cứu về các tuyến phố của TP Hải Dương cho rằng các phố “Hàng” là một trong những nét đặc trưng nổi bật của Thành Đông xưa. Những phố nghề ngày xưa của Thành Đông có những nét tương đồng với phố nghề của Kinh thành Thăng Long. Sự đổi thay của các con phố này là tất yếu, để đáp ứng yêu cầu của thị trường và xu hướng phát triển đô thị.
Các tuyến phố chuyên doanh
Với chiều dài chỉ hơn 100 mét, phố thuốc Lý Thường Kiệt (phường Trần Phú) tập trung tới hàng chục hiệu thuốc lớn nhỏ. Các cửa hàng ở đây bán cả thuốc đông y và tây y. Phố thuốc này được hình thành từ khoảng những năm 1995 - 1996. Từ một vài hiệu thuốc ban đầu, nay ngày càng thu hút nhiều người đến đây kinh doanh và trở thành phố chuyên doanh mặt hàng thuốc. Ông Phạm Văn Tú, người dân ở phố Lý Thường Kiệt chia sẻ: “Xưa phố Khách - nay là phố Bắc Kinh nổi tiếng với nghề bốc thuốc bắc thì giờ đây nhắc đến phố thuốc là người dân khắp nơi tìm đến phố Lý Thường Kiệt”.
Một số phố chuyên doanh khác đang dần hình thành ở TP Hải Dương như phố đồ gỗ nội thất Thống Nhất, phố thời trang Trần Hưng Đạo, các phố ẩm thực Phạm Hồng Thái, Mạc Thị Bưởi, phố chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng Lê Thanh Nghị... Những tuyến phố chuyên doanh này dù mới được hình thành nhưng lại hội tụ nhiều người kinh doanh buôn bán lớn.
Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Phòng Kinh tế TPHải Dương nói: “Các phố Hàng Bạc, Hàng Lọng, Hàng Giày… đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng người dân Thành Đông xưa thì nay các phố chuyên doanh cũng góp phần tạo nên sự sôi động, nhộn nhịp trong hoạt động thương mại của thành phố. TP Hải Dương đang nghiên cứu xây dựng đề án phát triển các tuyến phố chuyên doanh theo hướng văn minh, hiện đại gắn với phát triển du lịch. Thành phố dự kiến sẽ quy hoạch các tuyến phố chuyên doanh mới gắn với những ngành nghề cụ thể; đồng thời khôi phục lại một số tuyến phố cổ, mang đậm dấu ấn Thành Đông như: phố giày ở Sơn Hòa, phố ẩm thực đêm Mạc Thị Bưởi. Các tuyến phố này sẽ được quy hoạch, sắp xếp lại khoa học để vừa tạo không gian kinh doanh thuận lợi cho người dân, vừa giúp thành phố khai thác được tiềm năng du lịch”.
Theo ông Phong, để các tuyến phố chuyên doanh phát huy được nét đẹp của phố nghề xưa phải xem xét, nghiên cứu phát triển các nhóm hàng phù hợp. Các tuyến phố được cấp phép kinh doanh cùng một mặt hàng. Sau đó, các tuyến phố này sẽ được cắm bảng ghi tên giới thiệu mỗi nhóm mặt hàng ở đầu và đoạn cuối của khu phố. Các chương trình khuyến mãi, giảm giá sẽ được thực hiện theo chủ đề hằng tháng, hằng quý và vào từng thời điểm phù hợp. Về lâu dài, một số tuyến phố chuyên doanh sẽ được lựa chọn để cho người dân và du khách đi bộ, qua đó tạo nên nét đặc sắc riêng có của thành phố hơn 200 năm tuổi.
HẢI MINH