Nếu chưa đủ khả năng về kịch bản, vốn đầu tư thì nhà làm phim chỉ nên thực hiện các tác phẩm huyền sử trên tinh thần thử nghiệm.
Phim “Huyền sử vua Đinh” đang gặp khó trong việc chinh phục khán giả. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Phim điện ảnh "Huyền sử vua Đinh" do Anthony Võ thực hiện, ra rạp từ ngày 18.11, đã không được sự đón nhận của khán giả.
Háo hức và thất vọng
"Huyền sử vua Đinh" kể lại câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, có yếu tố huyền sử - là những truyền thuyết dân gian truyền miệng, có liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử mang tính chất thần kỳ.
Phim dài 78 phút, quy tụ dàn diễn viên: Anh Tài, Sala Uyên Trinh, Ngô Tiến Thành, Ngô Phước Thiện, Đỗ Thành... Ra rạp từ ngày 18.11, tính đến trưa 21.11, theo thống kê của Box Office Việt Nam - trang thống kê phòng vé độc lập với sai số nhỏ, tác phẩm này chỉ thu được hơn 36 triệu đồng. Số suất chiếu của phim khiêm tốn và được người trong giới dự báo sẽ sớm rời khỏi hệ thống rạp vì lượng vé bán ra thấp.
Là tác phẩm hiếm hoi khai thác về đề tài huyền sử, cổ trang nhưng phim "Huyền sử vua Đinh" có chất lượng thấp từ câu chuyện được kể cho đến diễn viên, phục trang, kỹ xảo. Tất cả đều dưới trung bình và được khán giả nhận định thích hợp để chiếu mạng (web-drama) hơn là tác phẩm điện ảnh chiếu rạp.
Không ít khán giả Việt thích những đề tài huyền sử, dã sử háo hức chờ đợi phim nhưng đã thất vọng. "Phần hóa trang râu của các diễn viên quá giả, gượng gạo; phục trang không có sự nghiên cứu, đầu tư; binh khí không đúng và cũng không đồng bộ. Một số diễn viên quần chúng vào vai binh sĩ trong phim nhuộm tóc, cắt tỉa kiểu hiện đại không phù hợp thời điểm lịch sử được đề cập" - một khán giả nói.
YouTuber Phúc drama nhận xét: "Phim này không phải là tác phẩm điện ảnh, vì không có cấu trúc điện ảnh, không xây dựng nhân vật, không mô tả các mối quan hệ nhân vật mà chỉ có kể chuyện, minh họa. Phim làm hời hợt, cảnh quay không đầu tư, cảnh đánh nhau như trò chơi dàn trận, kỹ xảo như game".
Trong buổi công chiếu ra mắt phim "Huyền sử vua Đinh", đạo diễn Anthony Võ và nhà sản xuất Bích Lành cho biết: "Chúng tôi làm phim này xuất phát từ mong mỏi cá nhân. Chúng tôi thấy nhiều bạn trẻ xem phim lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc trong khi lịch sử Việt rất hay thì lại không có nhiều người biết. Chúng tôi muốn mang lịch sử đến gần công chúng, đến thế hệ trẻ. Chúng tôi cũng biết cách làm cho đến nơi đến chốn nhưng sức người có hạn, kinh phí cũng có hạn nên chủ trương có đến đâu, làm đến đó".
Khán giả tinh tường
Từ trước đến nay, làm phim liên quan đến lịch sử như huyền sử, dã sử, cổ trang đều là những "ca khó" với nhà làm phim Việt. Thị trường phim Việt chưa có phim trường, muốn quay thì phải dựng bối cảnh, sau đó phá bỏ để trả lại cảnh quan. Ngoài chi phí bối cảnh, nhà làm phim còn phải đầu tư phục trang, đạo cụ, binh khí, võ thuật, kỹ xảo...
Vấn đề phục trang luôn dễ gây tranh cãi trong công chúng. Thêm vào đó, diễn viên được chọn phải có nét đẹp phù hợp, diễn xuất tốt. Điều quan trọng nhất, như bao đề tài khác, phim huyền sử, dã sử, cổ trang đòi hỏi một kịch bản ấn tượng, khai thác góc nhìn hấp dẫn chứ không phải chỉ là minh họa, kể lể những gì khán giả đã biết thông qua sách vở hay các câu chuyện dân gian.
Vì nhiều khó khăn như kể trên nên các nhà làm phim thường chọn các đề tài tình cảm, hài hước với bối cảnh hiện đại. Do vậy, số lượng phim cổ trang, huyền sử, dã sử cổ đại Việt không nhiều, hiếm hoi những phim trình làng thường được khán giả háo hức đón xem. Tuy nhiên, khán giả cũng không dễ dãi, không thỏa hiệp với những tác phẩm kém chất lượng. Doanh thu của phim "Huyền sử vua Đinh" là một minh chứng rằng muốn chinh phục khán giả, nhà làm phim phải mang đến tác phẩm hay.
Theo các nhà chuyên môn, khán giả ngày nay không phải như trước đây, xem phim chỉ vì một vài diễn viên nổi tiếng hay ủng hộ chỉ vì đó là phim Việt. Họ đã có sự chọn lựa kỹ lưỡng hơn và nếu tác phẩm có chất lượng kém, không tạo được hiệu ứng truyền miệng, được khen ngợi thì phim rất khó kéo khán giả đến rạp.
"Tôi nghĩ, nhà làm phim cần lượng sức khi khai thác đề tài lịch sử Việt. Nếu có đủ kinh phí, có một câu chuyện hay và đủ tâm lẫn tầm để đầu tư thì hãy bắt tay thực hiện. Một tác phẩm kém chất lượng sẽ chỉ để lại định kiến cho khán giả và những đánh giá tiêu cực về điện ảnh nước nhà" - biên kịch Thanh Hương nêu ý kiến.
Nhiều người trong giới nhận định thị trường phim Việt nói chung, phim huyền sử nói riêng, cần những tác phẩm chất lượng để lấy lại niềm tin khán giả. Nhà làm phim nên chú trọng đến giá trị thật của tác phẩm chứ không phải gắn mác phim Việt, gắn mác phim huyền sử, dã sử để kêu gọi khán giả ủng hộ. Nếu phim hay sẽ tự khắc tạo được hiệu ứng thu hút mà không cần bất kỳ sự kể khổ, kêu gọi nào.
Theo Người lao động