Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.
Theo đó, tổ chức hành nghề công chứng phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên chậm nhất trong 60 ngày, kể từ ngày công chứng viên được đăng ký hành nghề với mức phí theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức hành nghề công chứng hoặc tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên (trường hợp được ủy quyền mua bảo hiểm), nhưng tối thiểu là 3 triệu đồng/năm đối với mỗi công chứng viên.
Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả và bồi thường thiệt hại về vật chất của người tham gia ký kết và cá nhân, tổ chức liên quan trực tiếp đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng. Trong đó, thiệt hại phải do lỗi của công chứng viên gây ra trong thời hạn bảo hiểm; trường hợp công chứng viên câu kết, thông đồng làm sai lệch nội dung của văn bản, hồ sơ công chứng; tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo..., doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải chi trả và bồi thường thiệt hại.
Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về đấu giá chuyển đổi phòng công chứng. Cụ thể, người tham gia đấu giá nhận chuyển đổi phòng công chứng phải là công chứng viên đang hành nghề trên địa bàn cấp tỉnh có phòng công chứng dự kiến chuyển đổi; người dự kiến làm trưởng văn phòng công chứng phải có kinh nghiệm từ 2 năm trở lên. Đặc biệt, công chứng viên đang là trưởng văn phòng công chứng hoặc công chứng viên hợp danh của văn phòng công chứng sẽ không được tham gia đấu giá quyền nhận chuyển đổi văn phòng công chứng.
Cũng theo Nghị định này, văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn sẽ được thuê trụ sở với giá ưu đãi, được cho mượn trụ sở, hỗ trợ về trang thiết bị, phương tiện làm việc trong 3 năm đầu hoạt động và được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật.
Nghị định này thay thế Nghị định số 04/2013/NĐ-CP ngày 7-1-2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2015.