Góc nhìn

Phát triển kinh tế ngoài đê sao cho phù hợp?

HOÀNG LINH 07/10/2024 05:35

Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Hải Dương, nhất là các hoạt động phát triển kinh tế ngoài đê. Định hướng phát triển khu vực này sao cho phù hợp là bài toán cần lời giải.

00:00

a9cba906e863513d0872.jpg
Người dân có hoạt động sản xuất ngoài bãi sông thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ do bão số 3 vừa qua

Hải Dương có mạng lưới sông ngòi dày đặc với 2 hệ thống sông Thái Bình và sông Luộc. Trên địa bàn tỉnh có 14 con sông lớn chảy qua với tổng chiều dài khoảng 500 km và hàng chục sông nhỏ dài hơn 2.000 km. Nằm ở vị trí hạ lưu nên tỉnh được thiên nhiên ưu đãi vùng đất bãi ven sông rộng lớn và trù phú.

Xét về góc độ bảo vệ công trình đê điều, lòng sông, bãi sông là không gian thoát lũ, còn trong phát triển kinh tế-xã hội thì khu vực này chính là nguồn tài nguyên đầy tiềm năng.

Thực tế nhiều năm qua, khu vực Hải Dương ít xảy ra lũ lớn nên hoạt động kinh tế ngoài đê rất sôi động. Từ những dự án bến bãi đến phát triển sản xuất nông nghiệp đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thậm chí, người dân trong tỉnh đã xây dựng được những mô hình nông nghiệp điểm nhấn ngoài bãi sông như chuyên canh sản xuất cà rốt ở Cẩm Giàng, trồng lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi cáy ở Tứ Kỳ, vùng trồng chuối ở Tứ Kỳ, Thanh Hà, sắn dây ở Kinh Môn, nuôi cá lồng ở TP Hải Dương, Nam Sách, Chí Linh, Tứ Kỳ…

70e9d85b8d3e34606d2f.jpg
Hải Dương đang quyết liệt xử lý bến bãi ngoài bãi sông hoạt động không phép, sai phép

Quy định về quản lý đê điều cũng có nhiều thay đổi theo thời gian và tình hình thực tế. Song các quy định đều bảo đảm được cả hai mục tiêu vừa phòng chống thiên tai, vừa là nguồn lợi sử dụng bền vững lâu dài. Cả 2 Luật Đê điều và Phòng chống thiên tai đều nghiêm cấm các hành vi gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng tới hành lang thoát lũ mà không có biện pháp khắc phục. Trong mùa mưa lũ (từ ngày 15/6-15/10) phải dừng tập kết vật liệu, giải toả hành lang thoát lũ. Song nhiều năm, mực nước sông khu vực Hải Dương không vượt mức báo động dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, việc quản lý khu vực ngoài đê còn hạn chế đã dẫn tới những vi phạm phát sinh, đe doạ đến an toàn đê điều.

Theo rà soát của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có 448 bến bãi ven sông, trong số đó có 124 bến bãi không phù hợp với quy hoạch. Trong số bến bãi phù hợp với quy hoạch mới chỉ có 90 bến bãi đủ thủ tục pháp lý, các bến bãi còn lại đều vi phạm về đầu tư, đất đai, môi trường, đê điều…

Tỉnh đang quyết liệt xử lý các hạn chế, vi phạm liên quan đến bến bãi theo lộ trình cụ thể, chấn chỉnh tình trạng bến bãi sông hoạt động không phép, sai phép nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và bảo đảm an toàn công trình đê điều.

2ae68185cae073be2af1.jpg
Bãi sông Thái Bình ngập trắng nước khi lũ vượt mức báo động III trong tháng 9 vừa qua

Hoạt động sản xuất nông nghiệp ngoài đê của tỉnh cũng cần được định hướng phát triển thấu đáo. Quy định không cấm sản xuất nhưng phải bảo đảm an toàn đê điều, thế nhưng trong hoạt động sản xuất lại phát sinh vi phạm như xây dựng công trình trái phép, xâm phạm hành lang công trình đê điều… Mặt khác, nhiều hoạt động sản xuất tự phát, không nằm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương nên khi bị thiệt hại do thiên tai sẽ không được hỗ trợ.

Trong tháng 9 vừa qua, các sông khu vực Hải Dương ghi nhận nước lũ lịch sử, cao nhất trong 28 năm qua, thậm chí mực nước một số sông hạ lưu còn vượt mức lịch sử. Không ít gia đình mất trắng khi dốc hết vốn liếng đầu tư phát triển kinh tế ngoài đê. Thiệt hại, mất mát đã thấy rõ nhưng cũng là sự cảnh tỉnh, bài học sâu sắc cho các tổ chức, gia đình hoạt động kinh tế ngoài bãi sông. Phát triển kinh tế ngoài đê phải theo quy hoạch và được quản lý theo quy hoạch và luật pháp.

Trên cơ sở các quy định hiện hành và điều kiện thực tế, năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định 28 vị trí bãi sông trên địa bàn tỉnh có thể nghiên cứu, lập dự án đầu tư với tổng diện tích khoảng 3.500 ha. Đây là căn cứ, cơ sở để định hướng phát triển kinh tế ngoài bãi sông phù hợp, hiệu quả. Nhưng dù có đi theo hướng nào thì an toàn đê điều vẫn là trên hết.

HOÀNG LINH
(0) Bình luận
Tin mới nhất
Phát triển kinh tế ngoài đê sao cho phù hợp?