Phát triển dịch vụ cảng biển ở Hạ Long

28/04/2023 17:20

Với lợi thế to lớn nằm tiếp giáp biển, là trung tâm kinh tế, dịch vụ, thương mại, du lịch lớn của tỉnh, thời gian qua TP Hạ Long luôn chú trọng quản lý, phát huy hiệu quả dịch vụ cảng biển trên địa bàn.


Bốc xếp hàng hóa tại Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT). Ảnh: Minh Đức

Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân, doanh nghiệp nhận thức được vai trò, ý nghĩa của phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời tập trung chỉ đạo, triển khai tốt các giải pháp nhằm củng cố, phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng biển, dịch vụ cảng biển…, từ đó tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong định hướng phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với phát triển công nghệ, chuyển đổi số.

Đặc biệt, thành phố khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng và khai thác cảng biển, dịch vụ cảng biển trên địa bàn; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp. Từ năm 2020 đến nay, thành phố đã tổ chức 9 chương trình tọa đàm, gặp mặt, tiếp xúc doanh nghiệp với hơn 100 doanh nghiệp tham gia. Ý kiến của doanh nghiệp đều được trả lời trực tiếp hoặc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mới…

Nhờ đó hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa ở Hạ Long dần được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ các dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu và đón khách du lịch. Hạ Long hiện có Cảng nước sâu Cái Lân (gồm 7 bến là các bến của Cảng Quảng Ninh, Cảng Container quốc tế Cái Lân), Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai. Ngoài ra còn các cảng chuyên dùng như: Cảng dầu B12; Cảng Nhà máy Xi măng Thăng Long, Nhiệt điện Thăng Long, Xi măng Hạ Long... Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai theo tiêu chuẩn cảng khách du lịch quốc tế đã hoàn thành thủ tục và được công bố chính thức; hiện Công ty CP Tập đoàn Sun Group đang triển khai xây dựng các hạng mục liên quan đến bến du thuyền, bến cảng thủy nội địa.


Du khách qua Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Ảnh: Lê Nam

Để nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển, Hạ Long tiếp tục phát triển các dịch vụ chất lượng cao phục vụ du khách trong nước và quốc tế tại khu vực cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, như: Tham quan, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí; hoàn thiện hạ tầng khu vực bãi biển, bãi tắm và thu hút doanh nghiệp đầu tư một số khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao khu vực Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai. Đặc biệt, ngày 28/4/2022 tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long ra mắt sản phẩm "Phố đêm du thuyền" - sản phẩm du lịch mới được kỳ vọng là động lực mới phát triển kinh tế ban đêm, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch Quảng Ninh. Cùng với đó, Dự án Marina bên Vịnh du thuyền chuẩn bị đi vào hoạt động để thu hút khách du lịch...

Năm 2022, TP Hạ Long đón trên 7,1 triệu lượt du khách, bằng 4,4 lần so với năm 2021; tổng thu từ du lịch đạt 14.500 tỷ đồng. Quý I/2023, tổng lượng khách du lịch đạt 1,448 triệu lượt, bằng 408,5% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt trên 298 nghìn lượt, tổng thu từ du lịch đạt 3.185 tỷ đồng.


Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu được đầu tư hiện đại. Ảnh: Lê Nam

Với dịch vụ hàng hóa, hệ thống cảng Quảng Ninh chuyên khai thác hàng rời và hàng container. Thành phố phối hợp với Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hòn Gai đẩy mạnh giải quyết TTHC đối với hàng hóa qua các cảng… Lượng hàng hoá XNK qua hệ thống cảng ở Hạ Long hằng năm đạt trên 11 triệu tấn hàng rời, trên 50.000 container; các cảng chuyên dùng (xuất than, xi măng…) đạt 20 triệu tấn/năm. Tổng kim ngạch hàng hóa XNK qua cảng trên địa bàn thành phố năm 2022 đạt 9.623 triệu USD, quý I/2023 đạt 172 triệu USD. Dịch vụ cho thuê kho bãi, xếp dỡ hàng hóa trên địa bàn thành phố đang dần hình thành và thu hút đầu tư.

TP Hạ Long đang tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng du lịch các cảng trên địa bàn, quy hoạch sắp xếp lại hệ thống các cảng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường trên địa bàn. Cụ thể, các bến cảng Nhà máy Xi măng Hạ Long, Xi măng Thăng Long giữ nguyên quy mô hiện có, nghiên cứu di dời hoặc chuyển đổi công năng cùng với lộ trình di dời các nhà máy xi măng, nhiệt điện tại khu vực... Đối với bến cảng xăng dầu B12, thực hiện giữ ổn định đến năm 2030. Đối với các bến cảng tại Cái Lân, tiếp tục thực hiện cải tạo, nâng cấp xây mới đồng bộ hạ tầng trong nội bộ cảng, duy trì năng lực khai thác hiện có; phối hợp với sở, ngành của tỉnh trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu đầu tư xây dựng bến số 8, 9 tại khu vực này. Đồng thời thành phố tiếp tục đồng bộ các hạ tầng giao thông, KCN... với hệ thống cảng biển trên địa bàn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, dịch vụ của tỉnh.

Theo baoquangninh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển dịch vụ cảng biển ở Hạ Long