Đến sóc Bom Bo ở xã Bình Minh, huyện Bù Đăng (Bình Phước), chúng tôi như được sống lại với những ký ức hào hùng, nghe kể chuyện xưa, thưởng thức tiếng cồng chiêng của người S'tiêng.
Từ TP Đồng Xoài, chúng tôi di chuyển khoảng 1 giờ đến khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo. Nằm trên 3 quả đồi giữa bạt ngạt màu xanh của điều, cao su, khu bảo tồn như một pháo đài lịch sử, tái hiện không khí hào hùng của dân tộc S’tiêng.
Người đón chúng tôi là cô gái dân tộc S’tiêng Điểu Thị Mỹ và cũng là nhân viên của khu bảo tồn. Chị Mỹ giới thiệu chi tiết về những công trình độc đáo, đặc sắc của người S’tiêng như nhà dài truyền thống, nhà đón tiếp, nhà lưu giữ làng nghề truyền thống. Đặc biệt, chúng tôi được chiêm ngưỡng những hiện vật quý tại nhà sinh hoạt động đồng, nhà bán hàng lưu niệm như bộ đàn đá kỷ lục Việt Nam nặng 20 tấn; bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam gồm 6 chiêng, 5 cồng có đường kính 2,15 m, nặng 600 kg; nghe kể chuyện về tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm của người S’tiêng…
Sóc Bom Bo xưa, từng là hậu phương của cách mạng. Trong chiến tranh, đồng bào S’tiêng nơi đây ngày đêm giã gạo nuôi quân, sẵn sàng ăn củ rừng, nhường muối, gạo cho bộ đội, một lòng theo Đảng. Từ những giai điệu có thật của cuộc sống, nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết lên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” đi vào lòng người.
Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị đặc biệt của đồng bào dân tộc S’tiêng và giá trị lịch sử, năm 2011, khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng được đầu tư xây dựng trên diện tích khoảng 113,4 ha, với kinh phí hơn 200 tỷ đồng.
Cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử, khu bảo tồn trở thành điểm du lịch nổi tiếng, với nhiều trải nghiệm thú vị như tham quan di tích lịch sử, thưởng thức ẩm thực truyền thống của đồng bào S’tiêng; hòa vào tiếng cồng chiêng, điệu múa, lời ca từ các cô gái S’tiêng...
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Báo Hải Dương ghi lại sau một lần đến thăm sóc Bom Bo:
Cổng vào khu bảo tồn được xây dựng khang trang
Người dân S'tiêng trong khu bảo tồn biểu diễn đánh cồng
Người S'tiêng đánh chiêng
Bộ đàn đá nặng nhất Việt Nam do kỷ lục gia, nghệ nhân Trương Đình Chiếu trao tặng Bộ đàn có trọng lượng hơn 20 tấn, thanh nhẹ nhất nặng 250 kg, thanh nặng nhất 400 kg. Để diễn tấu bộ đàn đá này phải có 4 người đánh cùng lúc
Du khách đến tham quan khu bảo tồn
Bộ chày giã gạo nuôi quân trong kháng chiến. Đây là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát huyền thoại "Tiếng chày trên Sóc Bom Bo"
Những người S'tiêng trò chuyện vui vẻ trong khu bảo tồn
Nhân viên khu bảo tồn biều diễn đàn đá bài hát "Tiếng chày trên Sóc Bom Bo"
Những dụng cụ không thể thiếu của đồng bào S'tiêng trong cuộc sống hằng ngày
Nhà dài truyền thống của đồng bào S'tiêng được xây dựng tại khu bảo tồn
PV