Phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương

09/12/2017 09:00

Ngoài cảnh quan thiên tạo kỳ thú, quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương còn được biết đến với những giá trị hiếm có về lịch sử, văn hóa ...


Đền Cao An Phụ nằm trên đỉnh núi cao nhất dãy An Phụ

Mảnh đất Kinh Môn hội tụ muôn hình sông thế núi với những sử thoại bi hùng, những địa danh gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân nước Việt đã đi vào huyền thoại. Ngoài cảnh quan thiên tạo kỳ thú, quần thể danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương còn được biết đến với những giá trị hiếm có về lịch sử, văn hóa, là niềm tự hào của Hải Dương, mảnh đất xứ Đông văn hiến.

Vùng đất nhiều di sản văn hóa

Điểm nhấn của quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là đền Cao An Phụ thuộc xã An Sinh nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy An Phụ. Tương truyền đền Cao An Phụ được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII), thờ An Sinh Vương Trần Liễu - thân phụ của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Trong khuôn viên đền còn có chùa Tường Vân thờ Phật và Phật hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Thấp hơn đền An Phụ chừng 50 m và cách khoảng 300 m ra phía trước là tượng đài Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn bằng đá cao gần 13 m đứng tay tỳ đốc gươm, tay cầm cuốn thư, mắt hướng ra nơi biên ải phía đông bắc của Tổ quốc. Khu vực tượng đài còn có bức phù điêu bằng đất nung dài 45 m, cao 2,5 m, gồm 265 viên gốm ghép lại, mô tả cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của quân và dân Đại Việt do những nghệ nhân gốm sứ ở làng Cậy (Bình Giang) tham gia chế tác.

Di tích Kính Chủ nổi tiếng bởi danh thắng kỳ thú. Động Kính Chủ đã được xếp vào một trong sáu động đẹp nhất của nước Nam. Động nằm ở sườn nam dãy núi đá vôi Dương Nham (xã Phạm Mệnh) sừng sững những ngọn đá hình mũi mác, qua 36 bậc đá mở ra thăm thẳm với 3 cửa hang lớn. Với cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, động được người xưa tạo thành chùa thờ Phật. Ở bên trái động có bốn chữ lớn “Vân Thạch thư thất” (Nhà sách Vân Thạch) là nơi đọc sách của Phạm Sư Mạnh, một vị quan giữ chức Nhập nội hành khiển tri khu mật viện sự, nổi tiếng là người có tài năng đức độ thời Trần. Từ động chính, men theo vách núi cheo leo lên miếu Tiên, du khách được đắm mình vào thiên nhiên cây cỏ, phóng tầm mắt xuống vùng làng mạc, sông nước bao la. Dưới chân núi là hang Ngũ Nước với 5 cửa động, bên trong có các thạch nhũ cùng nước trong vắt, nhỏ tí tách. Ở Kính Chủ còn có nhiều hang động độc đáo như hang Vang, hang Luồn, hang Tiên Sư... gắn liền với những câu chuyện huyền sử bất tận.

Kính Chủ còn hấp dẫn bởi 47văn bia độc nhất vô nhị được tạc trực tiếp vào vách đá. Đáng chú ý là tấm bia hình chữ nhật nằm ngang trên nóc động khắc thơ của vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497), chủ súy hội Tao Đàn nhân chuyến ông đến thăm nơi này.

Nhẫm Dương (xã Duy Tân) là nơi thắng tích với núi non kỳ vỹ, vách đá lô nhô cùng hàng chục hang động mê hoặc du khách như động Thánh Hóa, động Tĩnh Niệm, hang Chiêng, hang Trống, hang Tối... Các hang động này lưu giữ những hiện vật của thời tiền sử được giới khảo cổ học đặc biệt quan tâm. Tại động Thánh Hóa sau chùa, năm 2000 đã tìm thấy nhiều xương voi, tê giác, khỉ, lợn rừng, đặc biệt là xương vượn người hóa thạch, tổng cộng 17 loài động vật thuộc kỷ Đệ tứ, cách chúng ta 3-5 vạn năm. Ngoài ra còn phát hiện nhiều xương người dính vào thành động đã bị thạch nhũ bám kín thuộc về thời kỳ tiền sử cách chúng ta hàng vạn năm. Đây là lần đầu tiên Hải Dương phát hiện được một địa điểm có xương răng hóa thạch. Cho đến nay, trong cả nước mới chỉ phát hiện được một số địa điểm có hóa thạch tương tự nhưng phần lớn nằm ở vùng rừng núi phía tây và phía bắc. Nhẫm Dương là địa điểm gần với biển nhất, thể hiện bước tiến quan trọng của người tiền sử trong quá trình chinh phục tự nhiên.

Nơi đây còn có ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Trần (1225 - 1400), là chốn tổ thiền phái Tào Động, từng góp phần chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Chùa còn bảo lưu được 2 tháp đá thời Lê chứa xá lỵ đệ nhất tổ thiền sư Thủy Nguyệt và đệ nhị tổ Tông Diễn.

Khai thác tiềm năng du lịch

Hình thành và phát triển trong không gian văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là đại diện cho giá trị lịch sử, văn hóa, danh thắng điển hình vùng Đông Bắc. Đây từng là căn cứ quân sự hiểm yếu, cầu nối chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo giữa kinh đô Thăng Long với Biển Đông và các quốc gia lân bang. Nơi đây cũng gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc như chống quân xâm lược Nguyên Mông (thời Trần), chống quân xâm lược Minh (thời Lê), 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ...

Động Kính Chủ nổi tiếng với những văn bia được tạc vào vách đá

Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương còn là những di tích tôn giáo, tín ngưỡng điển hình chứa đựng những cơ sở Phật giáo nổi bật như chùa Tường Vân (An Phụ), chùa Dương Nham (Kính Chủ), chùa Nhẫm Dương, thuộc dòng thiền Trúc Lâm và dòng thiền Tào Động. Đây là các dòng Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), Yên Tử, khu di tích nhà Trần (Quảng Ninh), quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là một trong những trung tâm văn hóa, Phật giáo lớn tiêu biểu, đặc sắc của Đại Việt thời Trần và một số thời kỳ lịch sử sau này ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Ngoài ra, quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương còn có giá trị đặc biệt về cảnh quan và khảo cổ học. Đây đều là các di tích có thiên nhiên kỳ thú. Ẩn sâu trong lòng núi đá là hàng loạt hang động với những nhũ đá hàng triệu năm tuổi nguyên sơ. Hệ động vật cũng rất phong phú với các loài như sáo, dơi, khỉ, trăn, rắn, ốc núi… Thực vật có nhiều cây thảo dược quý có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Khai quật khảo cổ học tại hang động núi Nhẫm Dương phát lộ mật độ di vật dày đặc và quý hiếm...

Với những giá trị đặc biệt đó, ngày 22.12.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương nói chung và của huyện Kinh Môn nói riêng.

Để phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt, thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh Hải Dương tiếp tục quan tâm giữ gìn, tôn tạo cảnh quan, môi trường các di tích này. Tỉnh huy động nguồn lực để ưu tiên đầu tư về hạ tầng giao thông, nhằm tạo sự kết nối giữa các di tích trên địa bàn huyện Kinh Môn và với quần thể di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc để tạo nên tuyến du lịch tâm linh, di tích, thắng cảnh. Xây dựng ngay và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể quần thể di tích. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, phê duyệt các nhóm dự án thành phần tạo tiền đề cho việc phát triển du lịch trong tương lai và tiếp tục tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa, danh thắng của di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương.

NGUYỄN DƯƠNG THÁIPhó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương
Phát huy lợi thế từ khu di tích quốc gia đặc biệt

Sau khi được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương sẽ được biết đến nhiều hơn trên bản đồ du lịch, thu hút nhiều du khách đến với Kinh Môn nói riêng và Hải Dương nói chung. Đây là nguồn tài nguyên quý báu để các doanh nghiệp lữ hành nghiên cứu, xây dựng, kết nối tạo thành các tour du lịch hấp dẫn phục vụ du khách. Trong thời gian tới, Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch tỉnh sẽ đẩy mạnh việc phối hợp tổ chức các chương trình khảo sát, tuyên truyền, quảng bá nhằm tiếp tục giới thiệu hình ảnh danh lam thắng cảnh, con người và mảnh đất Kinh Môn. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng đến du khách, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Nghiên cứu xây dựng các tour kết nối với các điểm đến khác như khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc và các di tích, danh lam, thắng cảnh khác trong tỉnh, hướng tới dịch vụ du lịch ngày càng hấp dẫn và chuyên nghiệp.

KHỔNG QUỐC TUÂN Giám đốc Trung tâm Thông tin - Xúc tiến du lịch tỉnh Hải Dương


Cảnh quan đẹp với nhiều giá trị lịch sử văn hóa độc đáo

Là khoa chuyên ngành đào tạo hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi thường tổ chức các chuyến đi thực tế để sinh viên làm quen với hoạt động nghề nghiệp. Một số di tích nổi tiếng của huyện Kinh Môn như đền Cao An Phụ, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương luôn là lựa chọn hàng đầu vì nơi đây có cảnh quan đẹp với nhiều giá trị lịch sử văn hóa. Đặc biệt, di tích chùa Nhẫm Dương chứa đựng những giá trị khảo cổ học độc đáo, không lẫn với bất cứ di tích nào khác trong cả nước. Các hang động đá vôi Kính Chủ với hệ thống bia đá trên vách núi rất đặc biệt. Đến các khu di tích này, sinh viên được hướng dẫn xây dựng các tour du lịch, cách tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Các giá trị văn hóa đặc sắc, truyền thống đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm từ nhiều thế kỷ được thể hiện qua hệ thống văn bia đã góp phần trang bị cho sinh viên một hành trang đầy đủ về tình yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng trở thành những “đại sứ” giới thiệu vẻ đẹp của quê hương tới du khách trong và ngoài nước.

NGUYỄN ĐĂNG TIẾN Trưởng khoa Du lịch, Ngoại ngữ, Trường Đại học Sao Đỏ


Lòng đất Nhẫm Dương còn ẩn giấu nhiều điều

Những năm qua, nhà chùa cùng với phật tử, nhân dân và chính quyền địa phương làm hết sức mình để bảo vệ cảnh quan ngôi chùa trước hoạt động khai thác đá phục vụ sản xuất xi-măng. Mặc dù một số hang động, thạch nhũ cùng rất nhiều hiện vật khảo cổ đã bị mất nhưng dãy núi Nhẫm Dương cùng hệ thống hang động với nhiều giá trị khảo cổ độc đáo, quần thể động thực vật phong phú đã được giữ lại. Thời gian tới, con cháu sư môn tổ đình cùng chính quyền địa phương, phật tử và nhân dân trong vùng sẽ chung tay gìn giữ, trùng tu, tôn tạo để ngôi chùa ngày càng đẹp hơn, xứng đáng với chốn tổ của Thiền phái Tào Động ở Việt Nam. Sau khi được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, tôi mong chính quyền địa phương, ngành văn hóa tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ nhiều vấn đề còn ẩn giấu dưới lòng đất Nhẫm Dương. Triển khai xây dựng chiến lược rõ ràng, phát huy hết những giá trị riêng để thu hút khách du lịch và con cháu sư môn tổ đình tìm về chốn tổ.

Sư thầy THÍCH DIỆU MƠ Trụ trì chùa Nhẫm Dương

Dựa vào dân để xây dựng nông thôn mới

Từ thực tế phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) cho thấy, địa phương nào tập hợp được sức mạnh toàn dân, đề cao trí tuệ tập thể thì sẽ được người dân ủng hộ. Nhân dân không chỉ đóng góp ý kiến, quan điểm, giúp chính quyền tìm ra hướng giải quyết tối ưu nhất cho các công việc chung mà còn là nguồn lực tại chỗ, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí. Những tiêu chí khó, cần nguồn vốn lớn như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa... sẽ dễ dàng được tháo gỡ nếu như có sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo tầng lớp nhân dân. Thông qua xây dựng NTM, khối đại đoàn kết toàn dân sẽ tiếp tục được củng cố bởi chủ thể của phong trào là nhân dân, mục tiêu chung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Vì vậy, phải xây dựng NTM vì dân và dựa vào dân để xây dựng NTM. Mặc dù xuất phát điểm thấp nhưng với sự quyết tâm của chính quyền và đồng lòng của nhân dân ở giai đoạn nước rút, xã Phạm Mệnh đã về đích đúng hạn, góp phần vào thành công trong phong trào xây dựng huyện NTM của huyện.

NGUYỄN HOÀNG ANHChủ tịch UBND xã Phạm Mệnh


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương