Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng, ngày 30/1/2024, Hồ sơ đề cử chính thức và các thành phần của Hồ sơ đề cử Quần thể danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc tại 3 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương đã được gửi sang Trung tâm Di sản thế giới.
Đây là thành công bước đầu mà Bắc Giang đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong tiến trình xây dựng hồ sơ đề cử cho một di sản liên tỉnh mang tầm quốc tế.
Di sản văn hóa sống động
Từ ngày 5 đến 15/8/2024, Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) - tổ chức tư vấn độc lập của UNESCO bắt đầu thẩm định thực địa Hồ sơ đề cử Di sản thế giới tại 3 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh và Hải Dương. Như vậy, có thể nói, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang đứng trước cơ hội được UNESCO công nhận trở thành Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam, là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của 3 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương mà còn là niềm tự hào của Việt Nam.
Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử nằm trong vùng địa lý của dãy núi Yên Tử (một bộ phận của cánh cung Đông Triều) ở khu vực Đông Bắc Việt Nam. Khu di sản chủ yếu là vùng miền núi nhưng cũng trải rộng xuống vùng ven biển. Quần thể gồm hàng trăm di tích và danh thắng thuộc phạm vi của 6 khu di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh); Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh); Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương); Khu di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương); Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà thuộc Khu di tích Tây Yên Từ (tỉnh Bắc Giang).
Khu di sản đề cử dạng chuỗi liên hoàn gồm 20 di tích và danh thắng, gồm: Thái Miếu, đền An Kỳ Sinh, Thái Lăng, chùa Bi Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, cụm di tích chùa Hoa Yên, cụm di tích am - chùa Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên, bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa (tỉnh Quảng Ninh); đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, chùa Côn Sơn, chùa Nhẫm Dương, động Kính Chủ (tỉnh Hải Dương); chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà (tỉnh Bắc Giang). Thuộc tính nổi bật của Yên Tử là có nhiều khu khảo cổ học và các công trình tín ngưỡng thờ Phật, các vị thần và anh hùng dân tộc... Dù đã tồn tại hơn 7 thế kỷ nhưng quần thể này vẫn tiếp tục là những di sản văn hóa sống động cho đến tận ngày nay.
So với Quảng Ninh và Hải Dương, tỉnh Bắc Giang có số lượng di tích, danh thắng không nhiều trong thành phần hồ sơ (chỉ 2 điểm). Tuy nhiên, cả 2 điểm đều là di tích, cụm di tích tiêu biểu nổi bật có vai trò rất quan trọng. Các di tích chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà tỉnh Bắc Giang đều là di tích quốc gia đặc biệt, chứa đựng hệ thống di vật, loại hình di sản văn hóa rất độc đáo đáp ứng được các tiêu chí III, VI của UNESCO. Đây đều là các trung tâm Phật giáo lớn mang tư tưởng, dấu ấn Phật giáo Trúc Lâm thể hiện một minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về một tôn giáo được hình thành từ nhiều tín ngưỡng khác nhau, bắt nguồn và phát triển từ Yên Tử, có ảnh hưởng tới xã hội thế tục, góp phần củng cố quốc gia, bảo đảm cho hòa bình và hợp tác khu vực.
Phật giáo Trúc Lâm trở thành một lực lượng nền tảng cho xây dựng đất nước, có đóng góp rõ rệt ở mọi phương diện, từ tinh thần, xã hội, kinh tế, chính trị và an ninh quốc gia dưới triều đại nhà Trần. Thêm vào đó còn có nhiều di sản phi vật thế vô giá minh chứng cho tư tưởng, ảnh hưởng của Trúc Lâm, nổi bật trong số này là bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương; mộc bản chùa Bổ Đà - bảo vật quốc gia Việt Nam, thể hiện giá trị di sản nổi bật toàn cầu đối với Việt Nam, châu Á, thế giới. Đây cũng là nơi mang nhiều dấu ấn cho sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử, dòng thiền độc đáo mang dấu ấn riêng của Việt Nam gắn với các vị vua Trần tạo ra tinh thần đại đoàn kết dân tộc, huy động các lực lượng và toàn bộ các nhóm dân tộc và tôn giáo - tín ngưỡng cho việc xây dựng một đất nước Đại Việt độc lập, có chủ quyền toàn vẹn, bảo vệ hòa bình, ngăn chặn chiến tranh lan xuống Đông Bắc Á, Nam Á trong các thế kỷ XIII-XIV và kéo dài đến các giai đoạn sau.
Khai thác giá trị di sản gắn với phát triển du lịch
Xác định giá trị, ý nghĩa vô cùng to lớn của hệ thống di sản trên, ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ về việc lập hồ sơ liên tỉnh cho di sản, qua hơn 2 năm thực hiện, tỉnh Bắc Giang đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Ủy ban UNESCO Việt Nam và các đơn vị được giao xây dựng hồ sơ. Tỉnh Bắc Giang tham gia thực hiện 3 đề tài nghiên cứu khoa học; tổ chức khảo sát thực hiện 3 đợt khai quật khảo cổ học trên địa bàn tỉnh về dấu tích thời Lý - Trần; tham gia 4 hội nghị tham vấn cùng các nhà khoa học của Bộ VHTTDL và 3 tỉnh; chủ trì nhiều đợt khảo sát liên tỉnh và các cơ quan nghiên cứu xây dựng hồ sơ tại các điểm di sản của tỉnh.
Đến tháng 8/2024, ICOMOS thông tin, hiện hồ sơ trong đó có phần viết, khảo sát, giới thiệu về 2 điểm di tích của tỉnh Bắc Giang đã được chuyển đến ICOMOS để đánh giá và sắp xếp đoàn chuyên gia thẩm định thực địa tại Việt Nam. Từ ngày 13-14/8/2024, đoàn chuyên gia thẩm định của ICOMOS đã đến khảo sát và thực địa tại tỉnh Bắc Giang. Đoàn chuyên gia đánh giá cao giá trị của 2 di sản (chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà) cùng hệ thống các di sản liên quan nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Theo đó, cơ bản các di sản đáp ứng yêu cầu của các tiêu chí về xây dựng hồ sơ. Đây là thành công bước đầu mà Bắc Giang đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong tiến trình xây dựng hồ sơ đề cử cho một di sản liên tỉnh mang tầm quốc tế.
Như vậy, có thể thấy, việc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được công nhận là di sản thế giới sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Đây không chỉ là sự khẳng định giá trị của quần thể di sản mà còn thúc đẩy việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị các di tích trong quần thể hiệu quả hơn nữa. Danh xưng thế giới của di sản sẽ góp phần để các di tích, dấu ấn di sản được giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn đến du khách trong nước, quốc tế, là tài nguyên quý cho phát triển du lịch của 3 tỉnh nói riêng, Việt Nam nói chung.
Để chuẩn bị tốt cho việc tôn vinh, phát huy giá trị di sản sau khi được công nhận, thời gian tới, trách nhiệm của 3 tỉnh có di sản càng phải được nhân lên hơn bao giờ hết, đặc biệt đối với tỉnh Bắc Giang cần phải thực hiện tốt các giải pháp. Trong đó, cần tiến hành ngay những hành động cụ thể để chuẩn bị cho hoạt động về quản lý, bảo vệ, khai thác theo đúng quy định quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam và định hướng phát triển bền vững mà UNESCO đặc biệt quan tâm. Xây dựng kế hoạch, cơ chế phối hợp giữa các địa phương và các bên liên quan trong việc quản lý 2 di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà trong quần thể di sản thế giới. Rà soát các quy hoạch có liên quan trực tiếp đến 2 di sản này để điều chỉnh, thống nhất, phê duyệt phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác nhận diện di sản, bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong định hướng phát triển bền vững. Đẩy mạnh hợp tác liên vùng, liên tỉnh để xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch tâm linh. Xây dựng sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng gắn với Bắc Giang. Từ góc nhìn văn hóa ta thấy, tự thân các di tích lịch sử - văn hóa không thể trở thành sản phẩm du lịch nếu thiếu các loại dịch vụ văn hóa do ngành du lịch sáng tạo ra. Bắc Giang đang định hướng phát triển du lịch dựa trên lợi thế về di sản, trong đó có du lịch tâm linh. Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, các di tích, danh thắng gắn với quần thể di sản thời Lý - Trần là yếu tố độc đáo để định hình xây dựng thành sản phẩm du lịch "Con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị Tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử" hoàn chỉnh, hấp dẫn du khách.
Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản sâu rộng tới người dân của 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, cả nước và bạn bè quốc tế. Hình thức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú, đặc biệt chú trọng đến các cộng đồng chủ thể người dân tại nơi di sản hiện hữu để nâng tầm hiểu biết, ý thức bảo vệ di sản một cách tốt nhất. Mặt khác, tăng cường đầu tư, có thêm nhiều chính sách cho công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị 2 điểm di tích. Chú trọng việc bảo tồn tính nguyện vẹn, yếu tố gốc của di sản theo công ước của UNESCO tránh các tác động gây hại làm biến dạng, hư hại di sản. Thực hiện tốt công tác bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, không gian văn hóa liên quan đến di sản.
Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang