Phát huy giá trị di sản văn hóa Thành Đông

26/10/2014 05:24

TP Hải Dương có 1.400 di sản văn hóa. Trong những năm qua, thành phố đã có nhiều hoạt động nhằm khôi phục, giữ gìn và phát huy giá trị di sản.



Các lễ hội ở TP Hải Dương được tổ chức mang đậm nét văn hoá xứ Đông.
Trong ảnh: Lễ hội đền Sượt (phường Thanh Bình).  Ảnh tư liệu


Tôn tạo, bảo vệ di tích

Là mảnh đất có truyền thống lâu đời và tập trung đông dân cư, TP Hải Dương có 270 di tích, trong đó có 29 cụm di tích đã được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh. Tiêu biểu là đền-đình Sượt (phường Thanh Bình), đền Đinh Văn Tả (phường Quang Trung), đình-chùa Bảo Sài (phường Phạm Ngũ Lão), đình Đồng Niên (phường Việt Hoà), đình-chùa Ngọc Uyên (phường Ngọc Châu), đình Tự Đông (phường Cẩm Thượng), đình Khánh Hội (xã Nam Đồng), đình Liễu Tràng (xã Tân Hưng)…

Các di tích xếp hạng đã được Nhà nước, nhân dân thành phố, khách thập phương quan tâm trùng tu, tôn tạo và vẫn giữ được nét văn hóa độc đáo của di tích xứ Đông. Trong quy ước của các thôn, khu dân cư đều quy định nhân dân có trách nhiệm bảo vệ và góp phần tôn tạo các giá trị văn hóa trên địa bàn. Hiện thành phố có 26 ban quản lý di tích xã, phường, 88 ban quản lý di tích thôn, khu dân cư, 11 nhà văn hóa truyền thống, nhà lưu niệm. Hằng năm, thành phố có kế hoạch chống xuống cấp các di tích bằng các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa. Trong 5 năm trở lại đây, kinh phí để tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn thành phố lên tới hàng chục tỷ đồng.

Hằng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng các di tích cấp tỉnh, hướng dẫn các phường, xã rà soát, kiểm tra các linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại các di tích. Qua đó phát hiện 17 di tích có các linh vật không phù hợp.

Khôi phục các di sản phi vật thể

Thành lập từ năm 2001, Câu lạc bộ (CLB) Ca trù phường Ngọc Châu hiện là 1 trong 6 CLB ca trù của tỉnh hoạt động thường xuyên, góp phần giữ lại một bộ môn nghệ thuật truyền thống vốn đã bị mai một theo thời gian. Bà Vũ Thị Mai Khương, Chủ nhiệm CLB cho biết, xuất phát từ lòng đam mê nghệ thuật ca trù, một nhóm các thành viên yêu ca hát của phường Ngọc Châu đã tập hợp để thành lập CLB. Được sự đỡ đầu của Hội Người cao tuổi phường, sự ủng hộ của phường, thành phố, hơn 13 năm qua, CLB thường xuyên luyện tập, biểu diễn trong các dịp lễ hội, các buổi giao lưu, lễ tổng kết của các đơn vị... Những người đứng đầu CLB luôn có ý thức tìm kiếm những gương mặt trẻ có năng khiếu, yêu thích ca trù để truyền dạy, nhằm giữ gìn bộ môn nghệ thuật này cho những thế hệ sau. Hiện nay, 2 thành viên trẻ nhất của CLB mới chỉ 11 tuổi nhưng đã hứa hẹn những tài năng sẽ nở rộ trong tương lai nếu tiếp tục được vun trồng, bồi dưỡng. 



Câu lạc bộ Ca trù phường Ngọc Châu là 1 trong số 6 câu lạc bộ ca trù trong tỉnh
hoạt động thường xuyên. Ảnh: VH


Bên cạnh nghệ thuật ca trù, văn hoá phi vật thể của Thành Đông xưa - TP Hải Dương nay còn rất đa dạng và phong phú như hát chèo, hát văn, lễ hội, vẽ, múa lân, nghệ thuật nấu ăn… Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố, thành phố có 870 di sản văn hóa phi vật thể. Các di sản văn hóa phi vật thể đều đang từng bước được khôi phục, mang đậm nét văn hoá nghệ thuật xứ Đông. Việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống được tăng cường thông qua việc mở lớp dạy hát chèo, hát ca trù, hát dân ca. Thành phố đã thành lập 1 đội văn nghệ, các phường, xã đều có đội văn nghệ. 21 đội văn nghệ phường, xã thường xuyên tập luyện và tích cực tham dự các hội thi hát chèo, thơ, ca...

Hằng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với UBND các phường, xã chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức lễ hội đúng quy chế, bảo đảm an ninh trật tự, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng của nhân dân và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Trên cơ sở khảo sát, kế thừa và từ sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, hơn 40 lễ hội đã khôi phục và được tổ chức hằng năm. Tiêu biểu như lễ hội truyền thống tại đình - đền Sượt (phường Thanh Bình) được tổ chức với 15 sự lệ cổ được lưu truyền như: đuổi bệt, cờ người, đua thuyền, chọi gà, cầu kiều, bắt vịt, hát trống quân…

Phối hợp cùng ngành văn hóa, ngành giáo dục thành phố cũng chỉ đạo các nhà trường tham gia bảo vệ, gìn giữ các sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể. Khối các trường THCS đăng ký bảo vệ các di sản văn hóa trên địa bàn. Với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các trường tiểu học đã đưa các trò chơi dân gian vào các hoạt động ngoại khóa, nhất là trong dịp Hội khỏe Phù Đổng. Các trường cũng tích cực đưa bài giảng lịch sử địa phương vào giảng dạy nhằm nâng cao sự hiểu biết của học sinh về lịch sử truyền thống và giá trị các di sản văn hóa của địa phương.

VIỆT HÒA

TP Hải Dương có 270 di tích, trong đó có 29 cụm di tích đã được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh. Tiêu biểu là đền - đình Sượt (phường Thanh Bình), đền Đinh Văn Tả (phường Quang Trung), đình - chùa Bảo Sài (phường Phạm Ngũ Lão), đình Đồng Niên (phường Việt Hoà), đình - chùa Ngọc Uyên (phường Ngọc Châu), đình Tự Đông (phường Cẩm Thượng), đình Khánh Hội (xã Nam Đồng), đình Liễu Tràng (xã Tân Hưng)…


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy giá trị di sản văn hóa Thành Đông