Miếu Cự Lộc còn có tên nôm là miếu Dọc. Miếu được xây dựng vào năm 1711 (thời hậu Lê).
Đạo sắc niên hiệu Vĩnh Thọ năm thứ 3 (1660)
Giữa tháng 7-2012, trong một chuyến đi điền dã, khảo sát để lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh, Phòng Bảo tồn di tích thuộc Bảo tàng tỉnh đã phát hiện 32 đạo sắc cổ tại miếu Cự Lộc, xã Minh Đức (Tứ Kỳ).
Miếu Cự Lộc còn có tên nôm là miếu Dọc. Miếu được xây dựng vào năm 1711 (thời hậu Lê). Năm Thành Thái thứ 8 (1896), ngôi miếu bị xuống cấp và được nhân dân trùng tu, tôn tạo. Đến năm 2011, với nguồn công đức, ngôi miếu đã được trùng tu quy mô lớn và trở nên khang trang như ngày nay. Ngôi miếu có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 3 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Kết cấu kiến trúc kiểu con chồng đấu sen, đầu bẩy, cốn mê, được trang trí hoa văn tinh xảo, tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi. Khu di tích có cảnh quan đẹp.
Hiện nay, miếu là một trong số rất ít di tích còn lưu giữ được số lượng sắc phong khá lớn trên địa bàn tỉnh. Trong 32 đạo sắc có 19 đạo từ thời Lê, gồm: 1 đạo niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 (1660), 4 đạo niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1683), 5 đạo niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710), 4 đạo niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 (1730), 5 đạo niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767); còn lại là các đạo sắc thời Nguyễn, gồm: 1 đạo niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (1821), 1 đạo niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844), 2 đạo niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1850) và thứ 33 (1880), 4 đạo niên hiệu Thành Thái nguyên niên (1889) và 5 đạo niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924).
Các đạo sắc hình chữ nhật có kích thước tương tự nhau khoảng 45 x 137cm, được làm bằng giấy dó tốt, trang trí long vân chấm tròn xám, không hoa văn diềm, một số sắc vẫn còn nguyên vẹn, nhưng cũng có đạo sắc đã bị sờn mép, bị rách, mất chữ và phải bồi giấy trắng ở phía sau. Ở cuối mỗi đạo sắc là dấu son đỏ "Sắc mệnh chi bảo" khắc bằng chữ Triện được in ngay dưới niên hiệu nhà Vua. Xưa kia, tất cả các sắc phong đều được bảo quản tại miếu, nhưng để tránh tình trạng trộm cắp cổ vật và các tài liệu quý hiếm nên chính quyền và nhân dân địa phương đã thống nhất giao cho một hộ gia đình có trách nhiệm trong làng bảo quản.
Đặc biệt, trong số 32 đạo sắc đó có 1 đạo cổ nhất mang niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 đời vua Lê Thần Tông (1660). Đạo sắc này tặng phong thêm mỹ tự cho vị Thủy thần là Long Vương. Sắc hình chữ nhật có kích thước 60x130 cm. Giấy được làm bằng chất liệu tốt, màu vàng nhạt, có hoa văn sóng mây rất uyển chuyển và thanh thoát. Tất cả đều mang dấu ấn và phong cách triều Lê rất rõ nét. Sắc gồm 14 hàng và hơn 250 chữ. Trải qua thời gian nên mép đã bị rách, mất một số chữ ở hàng dưới. Tuy nhiên, dựa vào các sắc phong còn nguyên vẹn khác chúng tôi đã khôi phục được các chữ này. Đây là 1 trong 2 đạo sắc cổ nhất được phát hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Hải Dương, đạo sắc được cho là cổ nhất ở Hải Dương tính đến thời điểm hiện nay là sắc phong mang niên hiệu Thịnh Đức thứ 5 (1657), được phát hiện tại chùa Vinh Quang (xã Hùng Sơn, Thanh Miện).
Căn cứ vào thần tích - thần sắc được lưu trữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội và hệ thống bia ký, sắc phong, đại tự, câu đối tại di tích và nguồn tư liệu trong dân gian cho biết: miếu Cự Lộc thờ Sở Đại Vương. Trong những năm gần đây, miếu Cự Lộc còn phối thờ 4 vị thành hoàng được đưa về từ các ngôi miếu nhỏ trong làng. Như vậy, miếu Cự Lộc thờ 5 vị thành hoàng là: Sở Đại Vương, Sở Vương Hùng, Chân Vương, Thành Vương và Long Vương. Về lịch sử của các vị thành hoàng đến nay không còn nhiều tài liệu ghi chép. Tại di tích đã từng có tấm bia ghi công trạng của các vị thần, nhưng rất tiếc đã bị mất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Những nguồn tư liệu còn lại cho biết đây là 5 vị thiên thần có công giúp vua Lê Đại Hành (968-1005) đánh giặc Tống và giặc Chiêm Thành. Trải qua các triều đại sau đều tiếp tục được phong tặng. Đạo sắc phong kể trên là sắc phong vua Lê Thần Tông phong tặng cho vị Thủy thần Long Vương trong việc phù giúp cho đội quân của Trịnh Toàn trong cuộc chiến với quân đội đàng trong.
Nội dung tạm dịch của bản sắc phong có thể tóm tắt là: “Vị Thần là Long Vương chém sóng, phù giúp phúc nước, giúp đỡ điều phúc, ân đức rộng lớn, võ giỏi tài cao, lặng lẽ, sâu kín, có công bảo vệ đất nước, giữ yên dân, che chở cho thế gian, chiến tích lớn lao, giúp đỡ muôn đời, phù giúp vận nước. Vậy nên ban sắc!". Sắc được phong ngày 27-11, năm Vĩnh Thọ thứ 3 (1660).
Có thể nói, đây là văn bản gốc để chứng minh cho những sự kiện lịch sử đã qua, là di vật thiêng liêng cần được bảo quản cẩn thận, kỹ càng để tôn vinh công đức, nêu cao truyền thống yêu nước và giữ nước của ông cha ta thuở trước.
Việc sưu tầm thêm được 32 đạo sắc phong quý tại miếu Cự Lộc là một đóng góp lớn cho ngành văn hóa tỉnh Hải Dương trong việc biên soạn cuốn Sắc phong Hải Dương trong thời gian tới nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản quý báu này.
HOÀNG THỊ PHƯƠNG LAN