Các cấu trúc mới được phát hiện cho thấy, về mặt địa chất, sự sống xuất hiện một thời gian khá ngắn sau khi Trái Đất được hình thành cách đây khoảng 4,5 tỷ năm.
Địa điểm phát hiện ra mẫu hóa thạch. (Nguồn: CNN)
Ngày 1-9, các nhà khoa học Australia đã có công bố gây chấn động về mẫu hóa thạch tồn tại cách đây 3,7 tỷ năm, cho thấy sự sống trên Trái Đất thậm chí còn xuất hiện lâu đời hơn chúng ta tưởng.
Theo nhóm nghiên cứu, các cấu trúc nhỏ, gọi là tảo tầng, cao từ 1-4 cm, được phát hiện trong lớp đá cổ xưa dọc mũi băng Greenland và có tuổi đời nhiều hơn 220 triệu năm so với các cấu trúc được tìm thấy trước đó. Năm 2006, bằng chứng mới nhất về sự sống trên Trái Đất khi đó được tìm thấy ở miền Tây Australia là cấu trúc tảo tầng có niên đại gần 3,5 triệu năm.
Cấu trúc tảo tầng được hình thành khi các vi sinh vật, như các loài vi khuẩn nhất định, mắc vào các trầm tích thành nhiều lớp. Những lớp này qua thời gian sẽ tạo thành khối đá cứng.
Nhà nghiên cứu hàng đầu của Đại học Wollongong, ông Allen Nutman nói rằng các cấu trúc mới được phát hiện trên cho thấy, về mặt địa chất, sự sống xuất hiện một thời gian khá ngắn sau khi Trái Đất được hình thành cách đây khoảng 4,5 tỷ năm.
Các cấu trúc này đem đến hy vọng sự sống cơ bản có thể tồn tại ở một điểm trên Sao Hỏa. Phát hiện trên có thể giúp các nhà khoa học có thêm căn cứ tìm kiếm sự sống trên Sao Hỏa, nơi được xem là nhiều khả năng nhất trong số các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời mà sự sống có thể tồn tại.
Ông Nutman nhấn mạnh 3,7 tỷ năm trước, Sao Hỏa có thể vẫn ẩm ướt và có các đại dương, vì thế nếu sự sống có thể phát triển rất nhanh trên Trái Đất để có thể hình thành những cấu trúc như tảo tầng, thì có thể dễ dàng hơn để phát hiện dấu hiệu sự sống trên "Hành tinh Đỏ" này.
Cũng theo ông Nutman, thay vì chỉ tìm hiểu dấu vết hóa học, chúng ta có thể tìm những thứ như tảo tầng trong các bức ảnh gửi từ Sao Hỏa về Trái Đất.
Theo TTXVN