Một dạng ung thư gan chưa từng biết, có khả năng lẩn trốn cao trước đòn tấn công của hóa trị, đã được các nhà khoa học Mỹ xác định.
Theo SciTech Daily, cho đến gần đây, hầu hết các trường hợp ung thư gan ở trẻ em được phân loại là u nguyên bào gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bệnh học nhi khoa đã phát hiện ra một số khối u gan có các đặc điểm mô học không phù hợp với cả 2 loại trên.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi PGS.TS nhi khoa Pavel Sumazin từ Trung tâm ung thư và huyết học trẻ em Texas và Đại học Y khoa Baylor (Mỹ) đã kiểm tra cấu hình phân tử các khối u, bao gồm biểu hiện gene và cấu tạo gene của chúng.
Họ phát hiện ra các cấu hình phân tử đặc biệt về cơ bản giống u nguyên bào gan nhưng mang đặc điểm của ung thư biểu mô tế bào gan.
Các tác giả đã kiểm tra tác dụng của các phương pháp điều trị ung thư gan trên loại ung thư "lai" mới và phát hiện chúng có xu hướng kháng hóa trị rất mạnh. Kết quả điều trị sẽ khả quan hơn nếu như bệnh nhi được ưu tiên điều trị bằng phẫu thuật, bao gồm việc cấy ghép gan.
"Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của xét nghiệm phân tử để phân loại chính xác khác khối u gan nhằm tối ưu hóa các khuyến nghị điều trị tại thời điểm chẩn đoán ban đầu", GS.TS Dolores López-Terrada từ Đại học Y khoa Baylor và bộ phận Y học bộ gene của Texas Children, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học Journal of Hepatology.
Theo VTC