Các nhà nghiên cứu đến từ Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) mới đây đã xác định một loại nấm có khả năng "ăn" nhựa dẻo.
Quá trình phân hủy sinh học của nấm. Nguồn: cas.cn
Phát hiện này hứa hẹn mang lại một giải pháp hữu hiệu trong việc xử lý vấn đề rác thải.
Loài nấm lạ thường trên, có tên khoa học là Aspergillus tubingensis, có thể sống trên bề mặt của một loại nhựa tổng hợp và phá vỡ liên kết hóa học giữa các phân tử nhựa và hợp chất polymer, hay còn gọi là hợp chất cao phân tử, nhờ những enzyme mà chúng tiết ra.
Đồng thời, chúng cũng sử dụng sức mạnh tự nhiên của sợi nấm để phân hủy các hợp chất polymer.
Nhựa tổng hợp được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất các vật liệu liên quan đến nhựa.
Chất này có thể được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, trong đó có y tế, xây dựng cũng như ngành chế tạo và lắp ráp ôtô.
Với tính chất khó phân hủy, rác thải nhựa như chai lọ, túi nilon... không chỉ gây ô nhiễm nguồn đất và nước, mà còn gây ảnh hưởng lớn về kinh tế và sức khỏe con người.
Do đó, các nhà khoa học nhận định khả năng đặc biệt của loài nấm trên có thể được tận dụng trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra.
Theo TTXVN