Sáng 8-1, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức công bố kết quả bước đầu về đợt khảo cổ học tại chùa Côn Sơn.
Các nhà khoa học, nhà quản lý tham quan nơi phát hiện dấu tích công trình kiến trúc Cửu phẩm Liên hoa
Tại hố khai quật phía sau điện trước nhà thờ Tổ có tổng diện tích 171 m2, đã phát lộ toàn bộ dấu tích nền móng kiến trúc của công trình Cửu phẩm Liên hoa của thời Trần và thời Lê. Kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, móng xếp bằng đá tự nhiên, kế thừa lớp kiến trúc phía dưới. Kiến trúc có sự phân gian rõ rệt gồm 3 gian, 2 trái (gian rộng 3,3 m). Hệ thống trụ móng chất liệu cát sỏi, trụ móng phân bố đều nhau, có trụ móng chính tâm kiến trúc. Hố khai quật phía sau nhà thờ Tổ có diện tích 32 m2 đã phát lộ hệ thống cột móng có khả năng là kiến trúc Hậu tổ đường được ghi chép trong văn bia thế kỷ XVII, còn hiện vật tìm được sớm có niên đại thời Trần. Riêng 3 hố thám sát, có 1 hố ngoài sân chùa không phát hiện được gì, còn 2 hố trong sân chùa phát hiện có dấu móng, được xác định đó là dấu vết trùng tu từ thế kỷ thứ XVII. Ngoài ra, trong đợt khảo cổ này còn phát hiện được nhiều hiện vật gồm các mảnh ngói, gạch, gốm của thời nhà Trần, nhà Lê.
VIỆT CƯỜNG