Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, Trường Chính trị tỉnh phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn I (2021 - 2026).
Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Trường Chính trị tỉnh trao giấy khen cho học viên có thành tích xuất sắc của lớp cao cấp chính trị khóa XIII (2019-2021)
Trường Chính trị tỉnh được thành lập cách đây 58 năm trên cơ sở Trường Đảng tỉnh và Trường Hành chính sáp nhập.
Trong 58 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh luôn xác định rõ vai trò quan trọng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Trường chú trọng đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, địa chỉ, các cấp độ để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ; áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực với phương châm coi trọng chất lượng hiệu quả, lấy “người học là trung tâm”, “lý luận gắn liền với thực tiễn”. Trường tăng cường quản lý học viên, coi trọng việc nâng cao kiến thức với rèn luyện kỹ năng, ý thức tự giác cầu thị trong học tập, lấy đó là một tiêu chí đánh giá, phân loại học viên.
Hằng năm, nhà trường đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh giao. Bình quân 5 năm 2016 - 2020 vượt 21,5% kế hoạch; riêng năm học 2020 - 2021, tuy bị ảnh hưởng của 4 đợt dịch Covid - 19 nhưng nhà trường vẫn mở được 3 lớp cao cấp lý luận chính trị, 25 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 1.852 học viên, 4 lớp chuyên viên chính và 4 lớp chuyên viên với 470 học viên, 12 lớp bồi dưỡng chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, lãnh đạo các đoàn thể cấp cơ sở với 1.662 học viên...
Điểm nổi bật là từ năm học 2019 - 2020, nhà trường đã kiện toàn bộ máy, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giảng viên các khoa phòng theo hướng tinh gọn, phát huy tốt năng lực sở trường, thế mạnh chuyên môn. Hiện nay, trường có Ban Giám hiệu, 3 khoa và 2 phòng chức năng, có 42 giảng viên trong số 56 cán bộ, viên chức. Tất cả giảng viên được đào tạo bài bản, có 4 giảng viên cao cấp, 17 giảng viên chính, 5 tiến sĩ, 37 thạc sĩ. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần đắc lực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
Bên cạnh đó, nhà trường đã coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. 5 năm qua (2016 - 2020), trường đã thực hiện 2 đề tài cấp tỉnh, 36 đề tài, hội thảo khoa học cấp trường. Trong đó, Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống quản lý đào tạo Trường Chính trị tỉnh Hải Dương” và Hội thảo khoa học “Nhận diện để đấu tranh với biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên ở tỉnh Hải Dương” được Hội đồng khoa học đánh giá cao.
Tất cả giảng viên của Trường Chính trị tỉnh được đào tạo bài bản, là lực lượng nòng cốt góp phần đắc lực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Ảnh tư liệu
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống 58 năm xây dựng và phát triển, xứng đáng là trung tâm duy nhất đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp của địa phương, phấn đấu đạt danh hiệu Trường Chính trị đạt chuẩn giai đoạn I (2021 - 2026). Trước hết, nhà trường chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo hoàn thành Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý và hoạt động, xây dựng Trường Chính trị tỉnh là trung tâm về đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ công chức, viên chức của tỉnh Hải Dương theo Quyết định 705/QĐ-TTg ngày 7.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19.5.2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Trường Chính trị chuẩn”. Trong đó, nhà trường cụ thể hóa bằng nghị quyết, hệ thống văn bản và chương trình hành động thiết thực hiệu quả.
Trường đẩy mạnh phong trào thi đua hằng năm với chủ đề: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Gương mẫu - Sáng tạo - Hiệu quả” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát động, với tinh thần khí thế mới, xung lực mới theo phương châm: “Lấy Đảng ủy, Ban Giám hiệu là trung tâm đoàn kết, lấy công việc là điểm tương đồng, lấy hiệu quả công việc là thước đo đánh giá cán bộ”. Tiếp tục đổi mới, cập nhật nội dung, mở rộng loại hình, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và khung chương trình của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Trường tiếp tục đổi mới, cải tiến phương pháp giảng dạy tích cực nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ, đảng viên đến các học viên là cán bộ các cấp của tỉnh theo quy định. Trong đó chú trọng kỹ năng quản lý, xây dựng chuẩn đội ngũ cán bộ, giảng viên; coi trọng cả chất lượng giảng dạy với nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, coi đây là khâu quan trọng cấp thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý học viên, bảo đảm từ khâu chiêu sinh mở lớp, quản lý trên lớp đến khâu thi tốt nghiệp, chấm điểm học tập đánh giá rèn luyện của học viên. Đẩy mạnh phong trào thi đua “giảng dạy tốt, học tập tốt, nghiên cứu khoa học tốt, quản lý tốt, phục vụ tốt” trong toàn trường, coi “người học là trung tâm” vừa là người tiếp thu kiến thức, vừa là đối tượng phục vụ của cán bộ, giảng viên nhà trường.
Cùng với việc tham mưu cho Tỉnh ủy 3 nhóm tiêu chí quan trọng của Trường Chính trị chuẩn là: Chuẩn về đội ngũ quản lý, giảng viên; chuẩn về tổng kết thực tiễn và nghiên cứu khoa học (đạt 80% tiêu chí), thì tiêu chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu của trường là rất cấp thiết (dự kiến đạt 50%). Hiện thực trạng cơ sở vật chất nhà trường hết sức khiêm tốn, quy mô nhỏ, diện tích hẹp, trang thiết bị xuống cấp chưa đáp ứng được yêu cầu của 1 Trường Chính trị đặt ra.
Phát huy truyền thống 58 năm phấn đấu và trưởng thành, với sự quan tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các cấp, ngành và địa phương, Trường Chính trị tỉnh đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, sớm phấn đấu đạt danh hiệu Trường Chính trị chuẩn mức độ I giai đoạn tới.
TS. LÊ XUÂN HUY
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh