Nông nghiệp - Nông thôn

Phân bón chịu thuế suất 5%: Không nên để nông dân thêm áp lực

VN (tổng hợp) 24/06/2024 19:00

Trước quy định mới “phân bón” phải chịu mức thuế suất 5% như trong dự thảo Luật Giá trị gia tăng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại người nông dân sẽ phải "gánh áp lực" lớn.

Việc chuyển mặt hàng phân bón từ không bị áp thuế lên chịu thuế 5% sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu hộ nông dân và năng lực cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.

Đây là lo ngại của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vừa diễn ra chiều nay 24/6. Hầu hết các ý kiến đều không đồng tình với việc “phân bón” phải chịu mức thuế suất 5% như trong dự thảo Luật.

Người nông dân thêm “áp lực” thuế?

Đại biểu Tô Ái Vang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng chia sẻ qua các kỳ tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội Sóc Trăng, các đại biểu trong đoàn đều tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri liên quan đến chi phí đầu tư cho mỗi kỳ canh tác gồm giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật, giá xăng dầu, giá thuê nhân công, vận chuyển tăng gấp nhiều lần. Sự mâu thuẫn giữa giá nông sản và giá phân bón kéo dài thời gian qua vẫn luôn là vấn đề nóng của nông nghiệp Việt Nam.

Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0%. "Nếu Luật vẫn giữ 5% đối với mặt hàng phân bón thì nông dân phải bỏ ra khoảng 6.000 tỷ đồng. Còn nếu dự thảo Luật áp dụng thuế giá trị gia tăng 0% đối với mặt hàng phân bón thì khoảng 2.000 tỷ đồng thay vì được bổ sung vào nguồn thu ngân sách nhà nước thì nguồn này sẽ hỗ trợ lại cho doanh nghiệp và nông dân. Như vậy nông dân sẽ được giảm đáng kể chi phí đầu vào," đại biểu cho hay.

vna_potal_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_thao_luan_ve_luat_thue_gia_tri_gia_tang_sua_doi_7446345.jpg
Đại biểu Tô Ái Vang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng

Theo đại biểu Tô Ái Vang, Quốc hội và Chính phủ nên chọn cái được cho nông dân để thể hiện rõ các chính sách sẽ được luật hóa. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Theo xu thế và khuyến cáo, hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Bên cạnh giá phân bón vô cơ diễn biến phức tạp, thị trường phân bón hữu cơ được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ kép. Vì vậy, đại biểu nhận thấy, nếu dự thảo Luật đưa mặt hàng phân bón là đối tượng chịu mức thuế suất 5% như dự kiến sẽ góp phần tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất.

Đồng tình với đề xuất của đại biểu Sóc Trăng, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, cần phải có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón, từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế với mức thuế suất là 5% ở cả hai góc độ: tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp; tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân ra sao, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thế nào?

Cũng ủng hộ phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch, theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, Luật cần phải phân loại “mặt hàng phân bón” thành 2 nhóm hàng hóa, đó là “phân bón hóa học” và “phân bón hữu cơ,” trong đó đặc biệt ưu tiên miễn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón hữu cơ như nhiều quốc gia đang làm.

“Ưu tiên này nhằm giúp định hướng và chuyển dần thói quen sử dụng phân bón hóa học sang sử dụng phân bón hữu cơ, đồng thời chuyển dần nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Đảng và Nhà nước,” đại biểu Trà Vinh nhấn mạnh.

vna_potal_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_thao_luan_ve_luat_thue_gia_tri_gia_tang_sua_doi_7446412.jpg
Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh

“Không nên thu của người nghèo trả cho người giàu”

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, việc đưa mức chịu thuế từ 0% lên 5% như dự thảo Luật đối với một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất nông nghiệp sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này giảm sức cạnh tranh, gây áp lực lạm phát các mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

“Việc thiết kế hai chính sách rất dễ gây xung đột khi thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhưng lại đưa đối tượng mới chịu thuế, sẽ làm giảm chính sách tài khóa mở rộng chúng ta đang thực hiện. Vì vậy, cần thiết kế chính sách theo lộ trình, nhất là với sản phẩm nông nghiệp cần tính toán lại chính sách thuế hợp lý. Có thể đưa vào mức chịu thuế 0% thay vì 5% như dự thảo luật để doanh nghiệp được khấu trừ thuế, như thế sản phẩm lương thực thực phẩm đầu ra vừa không bị áp lực tăng giá vừa vẫn thực thi chính sách tài khóa mở rộng tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn,” đại biểu Trần Anh Tuấn nói.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa thiết kế lộ trình áp dụng như thế nào, trong khi từ nay đến cuối năm 2025 chúng ta cần tiếp tục thực hiện những chính sách tài khóa mở rộng vì vẫn còn dư địa rất nhiều. Do đó, cần thiết kế theo hướng giao Chính phủ đưa vào đối tượng chịu thuế đúng với lộ trình cải cách thuế nhưng cần có thời gian thực hiện phù hợp với điều kiện tình hình thực tế.

vna_potal_ky_hop_thu_7_quoc_hoi_khoa_xv_thao_luan_ve_luat_thue_gia_tri_gia_tang_sua_doi_7446236.jpg
Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh

Cho rằng cần phải cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với phân bón, đại biểu Khang Thị Mào, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho biết: “Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp không được kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa dịch vụ bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm khiến giá thành tăng, lợi nhuận giảm, bất lợi cho cạnh tranh với phân bón nhập khẩu; khó khăn về nguồn vốn khiến doanh nghiệp không đủ chủ động trong đầu tư, mở rộng sản xuất.”

Đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Chính phủ xem xét chưa áp dụng đề xuất trên. Bởi, theo đại biểu, bản chất thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu có tính trung lập, tính kinh tế cao thể hiện ở 2 khía cạnh: thuế giá trị gia tăng không chịu ảnh hưởng bởi kết quả kinh doanh của người nộp thuế, do vậy thuế giá trị gia tăng không phải là yếu tố của chi phí sản xuất, đơn thuần là khoản thu được cộng thêm vào giá bán của người cung cấp dịch vụ; thuế giá trị gia tăng không bị ảnh hưởng bởi quá trình tổ chức và phân chia quá trình sản xuất kinh doanh.

“Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi muốn ưu đãi đối với lĩnh vực nào đó sẽ có 2 phương án: đưa vào diện không chịu thuế hoặc áp dụng thuế 0%. Trong tình hình thị trường phân bón thế giới và trong nước tiếp tục tăng, tôi đề nghị hết sức cân nhắc việc áp dụng mức thuế suất 5% đối với phân bón,” đại biểu đề xuất.

240620240318-z5569249018417_bac2cf9cbf519c752b333c30966b9e4a.jpg
Đại biểu Khang Thị Mào, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

Bày tỏ ý kiến không đồng thuận với mức tăng thuế suất mà người nông dân sẽ phải “gánh,” đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: “Không nên chuyển các mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ nông nghiệp và tàu đánh bắt xa bờ sang đối tượng chịu thuế VAT. Nếu có chuyển thì cũng chỉ nên đưa vào đối tượng chịu thuế suất 0%. Việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất mặt hàng này cạnh tranh bình đẳng trước sân nhà với sản phẩm cùng loại nhập khẩu là cần thiết, nhưng không nên đẩy trách nhiệm này cho nông nghiệp, nông dân, không nên thu của người nghèo trả cho người giàu.”

VN (tổng hợp)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phân bón chịu thuế suất 5%: Không nên để nông dân thêm áp lực