Phân biệt sốt do bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và Covid-19

12/05/2022 11:00

Đặc điểm chung của 3 bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19 là đều có thể bị sốt nhưng diễn tiến và điều trị rất khác nhau.

Thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh cho thấy, từ ngày 3 đến 9/5, số trẻ mắc tay chân miệng khám ngoại trú lên đến gần 500 ca, 40 trẻ nhập viện. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, hiện có 30 trẻ mắc tay chân miệng đang điều trị nội trú.

Thời điểm này, bệnh nhân sốt xuất huyết đang chiếm đa số và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cho đến tháng 7. Bệnh tay chân miệng mới ở đầu mùa, tăng vọt về số lượng nhưng chưa ghi nhận các ca nặng. Các khoa phòng đã có sự chuẩn bị về thuốc men, cơ sở vật chất sẵn sàng ứng phó khi bệnh tăng cao trong những tuần tới.

Bệnh viện lập các phân khu cách ly với bệnh tay chân miệng

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui, phụ trách Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh cho biết, một số phụ huynh còn ngại đưa con đến bệnh viện thăm khám dù đã có dấu hiệu nặng. Hầu hết người lớn cho rằng trẻ sốt là do Covid-19 nên vô tình bỏ qua giai đoạn điều trị sớm của trẻ.

Không chỉ ở Covid-19, biểu hiện sốt cũng xuất hiện ở cả bệnh nhân tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, với sốt xuất huyết, trẻ sốt kéo dài từ 2 đến 7 ngày, khó hạ, có cảm giác ớn lạnh. Một số trẻ than đau đầu, nhất là hai bên thái dương, sau gáy, hốc mắt nóng và đau nhức. Ngoài ra, có thể kèm theo ho khán, rát họng.

Trong 2 ngày đầu, phụ huynh có thể theo dõi trẻ tại nhà. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, cho trẻ uống thuốc, siro hạ sốt. Chú ý mặc đồ thoáng mát, không trùm kín.

Về ăn uống, nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, chia thành nhiều bữa nhỏ. Tránh cho trẻ ăn uống những loại có màu đỏ, sậm màu vì khi nôn ói, tiêu chảy người lớn sẽ xác định được trẻ bị xuất huyết tiêu hóa hay không.

Phụ huynh theo dõi da phía trong cánh tay, đùi của trẻ vì có thể có các mụn đỏ, xuất huyết. Một vài trường hợp trẻ bị chảy máu chân rang, chảy máu cam, nôn ra máu, đi tiêu phân đen. Khi trẻ sốt cao liên tục đến ngày thứ 3, nhất thiết phải đưa đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Với bệnh tay chân miệng, giai đoạn khởi phát, trẻ sốt, mệt mỏi, đau họng, quấy khóc. Đồng thời, trẻ chảy nước bọt nhiều, biếng ăn, bỏ bú… do các mụn nước nổi trong khoang miệng, má, lưỡi gây đau rát.

Lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông của trẻ xuất hiện các mụn nước, bóng nước. Tuy nhiên, nổi nhiều bóng nước không có nghĩa là bệnh nặng hơn. Dấu hiệu nguy hiểm của tay chân miệng là khi trẻ bị giật mình, mê sảng, đi đứng loạng choạng... vì biến chứng của bệnh.

Đặc trưng của bệnh tay chân miệng là nổi bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng, mông...

Trong tình huống trẻ sốt, kèm các triệu chứng ho, đau họng, nghẹt hoặc sổ mũi mà có yếu tố dịch tễ (như từng tiếp xúc với người mắc Covid-19) hoặc nghi ngờ mắc Covid-19, người lớn nên test nhanh cho trẻ.

Trẻ mắc Covid-19 hay tay chân miệng đều cần hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang, tránh lây nhiễm cho người khác và trẻ khác. Khi trẻ sốt cao quá 2 ngày, phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện để được xác định nguyên nhân, điều trị phù hợp.

Thời gian qua, các cơ sở y tế đã ghi nhận nhiều trường hợp đồng nhiễm Covid-19 và sốt xuất huyết, trẻ trở nặng hoặc nguy kịch, điều trị rất khó khăn.

Các bác sĩ khuyến cáo, phòng ngừa bệnh là quan trọng nhất. Với Covid-19, biện pháp hiệu quả nhất là tiêm vắc xin cho trẻ ở độ tuổi phù hợp, rửa tay và đeo khẩu trang. Việc rửa tay, rửa đồ chơi, vệ sinh bề mặt bằng xà phòng được khuyến cáo với phòng ngừa bệnh tay chân miệng.

Riêng sốt xuất huyết, các gia đình cần diệt lăng quăng và muỗi, không để muỗi là vật trung gian truyền bệnh đốt trẻ và các thành viên gia đình.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phân biệt sốt do bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và Covid-19