Phạm Thị Thu - cô gái vàng của bơi - lặn Việt Nam có 5 lần bước lên bục cao nhất tại 2 kỳ SEA Games liên tiếp. Để có được vinh quang chói sáng ấy là biết bao mồ hôi và nước mắt cô gái trẻ này đã trải.
Một ngày cuối tháng 5, cái nắng như thiêu đốt cũng không ngăn được dòng người đổ về hội trường UBND xã Thái Dương, huyện Bình Giang (Hải Dương) để chứng kiến lễ vinh danh nữ kình ngư Phạm Thị Thu - người con ưu tú của quê hương mới trở về từ Campuchia sau một kỳ SEA Games thành công vang dội.
Lúc buổi lễ chưa tiến hành, ai cũng tranh thủ lại gần để "xem mặt" và chen vào chụp chung một tấm ảnh lưu niệm với nữ kình ngư xinh đẹp này. Bởi lẽ, dù Thu sinh ra ở đây, nhưng từ năm lớp 4 cô đã xa quê để đến Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương tập luyện, thi đấu khắp trong nước, nước ngoài. Rồi sau bao biến cố đau thương của gia đình, cô đã coi trung tâm là nhà, coi thầy cô là cha mẹ nên rất ít về quê...
Phạm Thị Thu sinh năm 2002 trong một gia đình làm nông nghiệp, ở một trong những xã vùng sâu xa nhất tỉnh Hải Dương. Ấu thơ của Thu là những buổi cùng chúng bạn đi khắp kênh rạch mò cua bắt tép. Khả năng bơi lội của Thu đến một cách tự nhiên như thế. Với thể lực cực tốt, thể hình cân đối và sải tay dài, Thu là người chiến thắng mọi cuộc đua với các bạn trên sông nước. Kỹ năng bơi lội sơ khai nhưng tiềm ẩn những tố chất của một vận động viên tài năng ấy của Thu đã được các huấn luyện viên của Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương chú ý. Lớp 4, 10 tuổi, em tạm biệt gia đình khoác ba lô lên trung tâm ăn tập.
Xa vòng tay cha mẹ, những tưởng ở trung tâm chỉ việc học hành, ăn tập và vui chơi như bao cô bé, cậu bé khác, thì không lâu sau các biến cố gia đình liên tục ập đến. Người mẹ yêu quý của cô qua đời sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật vào năm 2016.
Đó là cú sốc nặng đầu đời với một cô bé mới 13 tuổi. Sau biến cố ấy, Thu phân vân trước con đường mờ mịt phía trước và câu hỏi lớn luôn lởn vởn trong đầu: Dừng lại hay bước tiếp? Ở trung tâm, thầy Phạm Đăng Khoa là người gần gũi, sẻ chia giúp em bình tâm trở lại. Những lúc cuối tuần, Thu lại đạp xe mấy chục km về nhà, ùa vào lòng bố và anh trai để vơi đi nỗi nhớ mẹ.
Nhưng những trớ trêu và khắc nghiệt của số phận chưa chịu buông tha cô gái trẻ. Ba năm sau ngày mẹ mất, năm 2019, người anh trai duy nhất của Thu xuất ngũ trở về chưa lâu cũng mắc bệnh hiểm nghèo và ra đi mãi mãi.
Mẹ và người anh trai duy nhất mất đi, Thu chỉ còn biết bấu víu và lấy bố làm điểm tựa. Những áp lực trong cuộc sống, những nặng nhọc trong luyện tập đều được em đổi thành nước mắt mỗi lần gặp bố. Song những đắng cay trong cuộc sống vẫn không từ bỏ, nó như những cơn sóng dữ, hết lớp này sang lớp khác ập lên đầu cô gái trẻ. Đúng 1 năm sau ngày anh trai mất, năm 2020, người bố của cô cũng từ giã cõi đời. Không còn từ ngữ nào nói hết được sự khốn cùng khi ấy. Cô gái mới lớn nuôi dưỡng ước mơ trở thành vận động viên chuyên nghiệp chỉ còn một mình bơ vơ...
Sau bao biến cố, Thu như một chú cá con côi cút dưới làn nước lạnh. Em ngâm mình trong nước để nỗi buồn dịu lại và để những giọt nước mắt mặn chát hòa vào dòng nước. Thu lao vào tập luyện quên ngày, quên tháng, tập tới mức ít khi nào áo quần ráo nước. Tập luyện để vơi bớt nỗi buồn, và tập luyện là con đường duy nhất để em bước tiếp, xây đắp sự nghiệp đỉnh cao.
Có lẽ, trong lịch sử của thể thao Hải Dương cũng như Việt Nam, hiếm có vận động viên nào phải trải qua những biến cố khủng khiếp nhưng lại giành được những thành công vang dội như Phạm Thị Thu.
Vượt qua tất cả, bỏ lại sau lưng những tai ương, Thu giống như người khách bộ hành một mình cặm cụi trèo lên đỉnh núi. Bằng chứng là bộ sưu tập huy chương đồ sộ cô có được cho đến thời điểm này: giành 120 huy chương các loại; phá 5 kỷ lục quốc gia, phá 13 kỷ lục nhóm tuổi, giành 2 cúp vận động viên xuất sắc. Đáng kể nhất là 2 huy chương vàng SEA Games 31 ở lần đầu tiên tham dự; 3 huy chương vàng SEA Games 32, phá 2 kỷ lục SEA Games; 3 huy chương vàng World Cup, 3 huy chương vàng châu Á...
Đến nay, Thu đã vinh dự đón nhận 1 Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước trao tặng sau khi từ SEA Games 32 trở về; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 13 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; 4 Bằng khen của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương; 1 Bằng khen của Tỉnh đoàn Hải Dương; 1 Bằng khen của Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam; 4 năm liền (2018, 2019, 2021, 2022) được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương chứng nhận là vận động viên tiêu biểu của tỉnh...
Vinh quang là thế, nhưng Phạm Thị Thu đã nén lại nỗi đau để chuyên tâm cho tập luyện và thi đấu.
Từ SEA Games 32 trở về, Thu lặng lẽ đặt 3 tấm huy chương vàng lên ban thờ thắp nhang cho bố mẹ và anh. Thu khóc. Khóc vì em đã làm được điều như ước nguyện của bố mẹ và anh trai khi còn sống, và khóc vì không còn ai để chia sẻ niềm vui chiến thắng. Mặc dù đã có những thành công vang dội, nhưng chặng đường phía trước của em vẫn còn rất dài và gian khó. Song với nhiều người, Thu đã là một tượng đài của niềm tin chiến thắng, của sự quả cảm, của ý chí và nghị lực phi thường.
Trong các câu chuyện, Thu chưa từng rơi lệ khi được nhắc đến hoàn cảnh gia đình. Thu chỉ nói về hiện tại, về phía trước và về những dự định trong tương lai. Nếu là người yếu đuối, mong manh và không có ý chí sắt đá, hẳn Thu đã gục ngã giữa con đường sự nghiệp, chứ chưa nói đến giành được vinh quang. Chúng tôi không thể không nhắc đến những đớn đau mà em đã trải qua vì không nhắc đến không ai thấy được giá trị của những tấm huy chương em giành được
Vinh quang nào cũng có những giọt nước mắt và sự hy sinh, đặc biệt là đối với Phạm Thị Thu - một trong những vận động viên lặn Việt Nam tài ba nhất hiện nay.
Nội dung: TIẾN HUY
Đồ họa: TUẤN ANH