Cháu gái tôi vừa từ Hà Nội về chơi, mang theo một đứa con nhỏ rất kháu khỉnh, ai cũng khen.
Hỏi chuyện về cách nuôi con thì cháu bảo không bao giờ nài nỉ hay ép con ăn. Nếu bữa này ăn ít thì đến bữa sau cháu nhỏ ăn rất khỏe. Cháu nhỏ ăn uống hoàn toàn tự nhiên và tự giác theo các giờ đã định, không có thói quen đòi hỏi.
Gần nhà tôi lại có một cậu em nuôi con thật vất vả. Cháu nhỏ đã sáu tháng tuổi mà mới được 6 kg. Cháu thường xuyên ốm đau. Trong nhà thường xuyên có mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu về cách thức cho cháu ăn. Con dâu không đủ kiến thức để thuyết phục mẹ chồng chăm con theo cách của mình, những kiến thức cô tìm hiểu qua sách báo, mạng internet, còn kinh nghiệm của mẹ chồng thì đến nay nhiều cái đã lạc hậu.
Tôi xem trên mạng internet thấy gần đây nhiều báo đăng bài "Tây dạy con thế nào?". Bài viết cũng được chia sẻ nhiều trên các mạng xã hội. Nội dung bài viết hướng tới việc dạy trẻ sớm có ý thức tự lập, luôn quyết tâm vượt khó, sống có trách nhiệm. Ví dụ trong bài viết có đoạn người mẹ chồng sau khi sang Mỹ kể lại chuyện của con dâu và cháu nội ở bên đó như sau: Có một lần, Peter lại mặc ngược chiếc quần lên người, tôi vội vàng chạy đến muốn thay cho cháu, nhưng đã bị Susan cản lại. Nó nói nếu cảm thấy không thoải mái tự cháu sẽ cởi ra và mặc lại... Peter ra ngoài chơi với cháu nhà hàng xóm, chưa được bao lâu thì nó chạy về nhà, thở hổn hển nói với Susan: “Mẹ ơi, Lusi nói cái quần của con mặc ngược rồi, đúng không?"... Susan mỉm cười nói: “Đúng vậy, con có muốn mặc lại không?”. Peter gật gật đầu, tự mình cởi quần ra, xem tỉ mỉ rồi mặc lại. Từ lần đó về sau, Peter không mặc quần ngược nữa.
Sau khi xem bài viết trên nhiều người đã bình luận đại ý: Cách dạy con ở ta lâu nay sai bét. Người phụ nữ trong bài viết trên không suy nghĩ như nhiều người Việt là "lớn lên chúng sẽ biết" mà đã tạo cơ hội cho trẻ rèn luyện, tự nhận biết đúng - sai ngay từ nhỏ. Tất nhiên không phải ai cũng đồng tình với cách dạy con nêu trên.
Hiện nay, cách dạy trẻ con trong các gia đình thường có nhiều mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa các thế hệ, mâu thuẫn giữa cha và mẹ, mâu thuẫn ngay trong mỗi người. Mâu thuẫn xảy ra nhiều nhất khi cho trẻ ăn, chăm sóc lúc ốm, cách thức dỗ trẻ hay đáp ứng các yêu cầu của trẻ. Mọi người thường nghĩ rằng "mình rất yêu thương trẻ": ông bà yêu thương cháu, bố mẹ yêu thương con... Nhưng yêu thương như thế nào cho tốt thì ít người quan tâm.
Yêu thương thế nào cho tốt? Mọi người ai cũng quan tâm đến con mình, cháu mình nên câu trả lời cuối cùng chắc chắn phải là vì trẻ. Không phải chỉ vì hôm nay, không phải chỉ vì trẻ đang khóc, không phải chỉ vì trẻ có thể bị đói, mà vì tương lai của trẻ. Nếu như hôm nay trẻ bị đói một bữa mà ngày mai trẻ nhận thức ra hạt cơm hay sức lao động đáng quý nhường nào thì nên để trẻ đói. Điều này ít người làm được, nhất là các bà, các mẹ. Yêu thương phải không vì bản thân mình, cũng không phải là để thể hiện mình quan tâm đến trẻ. Nhiều bậc ông bà, cha mẹ khi nghe trẻ khóc thương quá, thậm chí sốt ruột quá nên trẻ đòi gì cũng đáp ứng cho xong. Như thế dễ làm hư trẻ. Phải có một tình yêu thương rất lớn để vượt qua cái yêu thương thông thường (nếu không nói là tầm thường). Yêu thương để trẻ lớn lên, vững vàng hơn trong tương lai mới khó. Tôi đã từng chứng kiến một ông bố phạt con mà khóe mắt đầy nước. Ông bố ấy yêu con hơn người mẹ sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi vô lý của con rất nhiều.
Tất nhiên trẻ không phải là một cái máy. Phải hiểu trẻ và giúp trẻ hiểu được những thông điệp yêu thương mà người lớn muốn truyền đạt thông qua những cử chỉ nhìn về mặt hình thức là sự quan tâm, chăm sóc hay trừng phạt.
Nuôi dạy trẻ cốt ở tình yêu thương, nhưng phải có một tình yêu thương rất lớn.
NGUYỄN LƯU THANH XUÂN