Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nếu chỉ nghĩ đến phòng chống dịch mà không tính toán đến bài toán kinh tế sẽ rất khó khăn, phải có giải pháp chung sống lâu dài với dịch.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Trả lời báo chí sau cuộc họp về việc chuẩn bị test kit khi mở lại các đường bay quốc tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn Chính phủ cho biết Thủ tướng Chính phủ đồng ý mở lại 6 đường bay thương mại quốc tế, trong đó, ngày 15.9 mở 4 đường bay tới Quảng Châu, Đài Loan (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), ngày 22.9 sẽ mở đường bay Lào, Campuchia.
Hai bên đã đàm phán để có sự tương đồng với nhau, trên cơ sở có đi có lại. Các nước đều đề nghị nối chuyến, do vậy, Chính phủ tính đến phương án mở lại một số đường bay với các khu vực kiểm soát dịch COVID-19 tốt, vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, vừa bảo đảm cho công tác phòng chống dịch. Các biện pháp kiểm soát sẽ được nới lỏng hơn một bước.
Đối tượng được ưu tiên trong các chuyến bay này là chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao nước ngoài đến Việt Nam và người Việt Nam có nhu cầu trở về nước.
Theo dự kiến của Bộ Giao thông vận tải, lượng người nhập cảnh mỗi tuần khoảng 5.000 người. Số người nhập cảnh từ các nước này dần dần sẽ ít đi, vì chuyên gia và nhà đầu tư không sang đồng loạt, nhưng số người ở nước thứ ba (từ Mỹ, châu Âu) về sẽ đông hơn.
"Hiện Chính phủ chưa tính đến việc mở cửa đón khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam mà chỉ ưu tiên các chuyên gia, nhà đầu tư và người Việt Nam muốn về nước", theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.
Ông cho biết để giới hạn lượng người nhập cảnh ồ ạt khi vừa mở cửa đường bay trở lại, Bộ Giao thông vận tải tính toán mỗi tuần chỉ mở hai chuyến, điều này góp phần kiểm soát tốt người nhập cảnh, bảo đảm cho công tác cách ly phòng chống dịch. Đây cũng là cơ hội để đưa người Việt Nam sang lao động ở nước ngoài, các khu vực có nhu cầu và bảo đảm an toàn.
Thông tin về việc cách ly với người nhập cảnh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay Chính phủ tính toán rút ngắn thời gian cách ly với chuyên gia, nhà đầu tư và hành khách bay từ những nước được đánh giá an toàn. Nếu cách ly 14 ngày thì cả phi công, tiếp viên cũng phải cách ly 14 ngày.
Với nhà đầu tư, việc cách ly kéo dài như vậy không thuận tiện. Do đó, Chính phủ dự kiến rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 5-7 ngày. Tuy nhiên, những hành khách bay từ nước thứ 3 khi về Việt Nam phải cách ly tập trung 14 ngày như quy định.
"Văn phòng Chính phủ đề xuất cách ly tập trung 5 ngày, bởi những hành khách này phải test 2 lần sau khi nhập cảnh. Trước khi nhập cảnh cũng phải có xác nhận là âm tính. Tuy nhiên, việc rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn bao nhiêu ngày hiện vẫn đang tính toán, nhưng theo hướng là giảm thời gian cách ly tập trung, hành khách về nơi cư trú, nơi làm việc tiếp tục theo dõi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Người phát ngôn Chính phủ cũng cho biết từ ngày 1.9, tất cả những người thuộc diện cách ly phải tự chi trả chi phí, mức phí theo dịch vụ nơi cách ly. Ví dụ, cách ly ở khách sạn 5 sao thì theo giá của khách sạn, song, Chính phủ cũng khuyến khích các khách sạn có cơ chế khuyến mại. Các địa phương tự lên phương án cách ly. Hiện Hà Nội có 18 khách sạn đăng ký làm cơ sở cách ly.
“Lẽ ra cần mở sớm cho người Việt Nam có nhu cầu. Khuyến khích mở để phục vụ yêu cầu của người dân, vì thị trường yêu cầu và nhu cầu là có, có điều kiện không mở là do mình”, Bộ trưởng bày tỏ khi đề cập đến tình trạng các khách sạn hiện đang rất khó khăn, hầu hết phải đóng cửa vì không có khách, trong khi những người có điều kiện về kinh tế, muốn cách ly ở nơi tốt hơn lại không được.
Đối với người Việt Nam có điều kiện khó khăn ở nước ngoài về sẽ được cách ly 14 ngày trong khu cách ly tập trung của quân đội. Dự kiến, người cách ly tại đây sẽ tự chi trả tiền ăn và các chi phí sinh hoạt cá nhân.
Đề cập đến vấn đề xét nghiệm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay khả năng xét nghiệm ở sân bay, đông người rất khó, khách phải chờ đợi lâu và sẽ dẫn đến ùn ứ. Do đó, Chính phủ tính đến phương án khi hành khách về lưu trú tại các cơ sở cách ly, cơ quan y tế địa phương sẽ đến test. Để chủ động cho công tác xét nghiệm, cơ quan y tế sẽ được thông báo trước.
Việc xét nghiệm PCR cũng sẽ thu phí. Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang tính toán cho mua tập trung test kit để giảm chi phí. Cơ quan y tế địa phương sẽ đến nơi lưu trú để xét nghiệm, chi phí xét nghiệm có thể tính toán trong gói lưu trú.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đại dịch khiến cho các lĩnh vực trong nền kinh tế bị ảnh hưởng sâu, nhiều lao động mất việc làm, việc mở cửa, nối lại các đường bay phải làm thí điểm, dần dần rút kinh nghiệm, tính toán cẩn thận để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. “Làm thận trọng nhưng không nên khắt khe quá, đánh giá quá mức là không cần thiết. Nếu chỉ nghĩ đến phòng chống dịch mà không tính toán đến bài toán kinh tế sẽ rất khó khăn. Phải có giải pháp chung sống lâu dài với dịch”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Theo TTXVN