Ngày 29-7-2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2014/QĐ-UBND quy định cụ thể một số nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Về tổ chức lễ hội, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, ban tổ chức phải sắp xếp hợp lý hệ thống hàng quán dịch vụ, điểm trông giữ phương tiện, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng, chống cháy, nổ. Mỗi di tích đặt không quá 3 hòm công đức (tại các ban thờ chính). Cấm đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, bán đồ mã trong khu vực di tích.
Tổ chức lễ cưới phải phù hợp với thuần phong mỹ tục; quy định cụ thể của địa phương và theo quy ước cộng đồng. Các cá nhân và gia đình khi tổ chức cưới cho bản thân hoặc con, cháu phải thông báo với trưởng thôn, khu dân cư nơi cư trú hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý về quy mô, địa điểm tổ chức tiệc cưới. Tiệc cưới chỉ mời họ hàng nội ngoại, hàng xóm, bạn bè thân thích và đồng nghiệp cơ quan; không làm cỗ mời khách trong lễ lại mặt. Cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện nội dung này.
Trong đám tang nghiêm cấm các hủ tục như khóc thuê, lăn đường, luồn cữu, gọi hồn... Không làm cỗ mời khách trong những ngày tang lễ, cúng ba ngày, bảy ngày. Không mở nhạc tang trước 5 giờ sáng mùa hè, 6 giờ sáng mùa đông và sau 22 giờ. Không làm cỗ mời khách trong những ngày tang lễ, cúng ba ngày, bảy ngày; những ngày: bốn chín ngày, một trăm ngày, giỗ đầu, giỗ hết, cải táng chỉ tổ chức ăn uống trong nội bộ gia đình, dòng họ và bảo đảm vệ sinh môi trường. Lễ tang của cán bộ, công chức, viên chức (kể cả đã nghỉ hưu) thực hiện theo Quy định này và theo Nghị định 105/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 33/2009/QĐ-UBND ngày 12-11-2009 của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan trên địa bàn tỉnh Hải Dương.