Phác thảo Côn Sơn - Kiếp Bạc trong tương lai

29/09/2012 08:39

Phạm vi quy hoạch khu di tích gồm 8 xã, phường với tổng diện tích 8.340 ha, phân chia thành 2 vùng: vùng bảo tồn và khai thác đặc biệt, vùng đệm...

Theo quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử văn hoá Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thị xã Chí Linh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, phạm vi quy hoạch khu di tích gồm 8 xã, phường với tổng diện tích 8.340 ha, phân chia thành 2 vùng: vùng bảo tồn và khai thác đặc biệt có diện tích 3.568 ha, vùng đệm có diện tích 4.772 ha.

Khu vực bảo tồn đặc biệt gồm 3 khu vực: Côn Sơn, Kiếp Bạc và núi Phượng Hoàng. Đây là khu vực có di tích đậm đặc nhất, cảnh trí đẹp nhất nên không phát triển xây dựng công trình mới, chỉ chú trọng cải tạo cảnh quan, bố trí thêm các tiện ích phục vụ lễ hội và các dịch vụ công cộng.

Khu vực Côn Sơn được tôn tạo khôi phục lại diện mạo chùa Côn Sơn với hệ thống các công trình: tam quan nội và gác chuông, gác trống, 2 dãy tiền hành lang, toà cửu phẩm liên hoa, toà tổ đường, toà hậu đường... Sửa chữa tu bổ lại các bậc đá, sửa các triền đồi, cải tạo cảnh quan, trồng thêm cây, đặc biệt là cây thông. Dựng một biểu tượng Trúc Lâm Thiền phái trên đỉnh núi Kỳ Lân, một tòa tháp (tháp thờ, tháp chuông Hạo Thiên, hoặc Kính Thiên) trên đỉnh của núi Ngũ Nhạc. Mở rộng khuôn viên chùa Côn Sơn. Hoàn chỉnh khu vực phụ cận giữa chùa Côn Sơn và đền Nguyễn Trãi gồm: khu cảnh quan và dịch vụ phụ trợ phía đông chùa Côn Sơn (phía tây suối Côn Sơn), Lâm viên Ức trai, Bảo tàng Côn Sơn. Từ chùa Côn Sơn đến hồ Côn Sơn sẽ có 1 tuyến cảnh quan đường, cây xanh, thảm cỏ và một vài vật kiến trúc có tính nghệ thuật làm điểm nhấn.

Tại khu Kiếp Bạc sẽ mở thêm 1 bến thuyền trước cửa đền giáp với bờ sông, tạo nên một tuyến cảnh quan từ bờ sông đến minh đường của đền. Bến này sẽ dùng để tổ chức lễ hội, hội chợ sông Thương. Khôi phục lại các di tích: Từ Cũ, Sinh Bi, Hang Tiền, Xưởng Thuyền, sông Vang... Xây dựng gian bảo tàng di vật quân sự của triều Trần ở đền Kiếp Bạc - dựng lại thế trận 3 lần kháng chiến chống Nguyên - Mông, qua đó thấy được vị thế của căn cứ Vạn Kiếp. Xây dựng một vài điểm bán hàng dịch vụ nhỏ phục vụ cho khách tham quan nhưng không làm ảnh hưởng tới cảnh quan chung. Cải tạo lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bố trí các bãi đỗ xe, các điểm gom rác, nhà vệ sinh.

Khu núi Phượng Hoàng bao gồm toàn bộ khu vực đỉnh núi Phượng Hoàng, có diện tích 36,9 ha. Khu vực này dự kiến xây dựng một số công trình như: nhà truyền thống giáo dục, sân trình ở khu vực trước đền Chu Văn An để tổ chức lễ hội báo công hằng năm cho ngành giáo dục nhằm tôn vinh những nhà giáo của tỉnh. Xây dựng mới và cải tạo lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bố trí các bãi đỗ xe, các điểm gom rác và các tiện ích phục vụ công cộng khác. Di dời một số hộ dân đang ở những vị trí ảnh hưởng tới tầm nhìn và gây hiệu ứng tiêu cực tới cảnh quan môi trường ra khỏi khu vực. Sửa chữa tu bổ, trồng thêm cây phủ xanh các triền đồi, cải tạo cảnh quan. Tôn tạo lại khu mộ nhà giáo Chu Văn An, chùa Lệ Kỳ, cung Tử Cực và điện Lưu Quang, hệ thống đường lên núi Phượng Hoàng. Tìm và khôi phục giếng Son, ao Miết Trì. Tôn tạo di tích chùa Huyền thiên Cổ tự, Tinh phi Cổ tháp, chùa Kiệt Đặc, nơi thờ chính của bà chúa Sao Sa, có sắc phong của các triều đại với nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam.

Khu vực khai thác đặc biệt gồm 9 khu chức năng gắn với phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, gồm: khu dịch vụ chuyên đề hồ Côn Sơn, khu dịch vụ tổng hợp trung tâm, khu dân cư xã Lê Lợi, khu phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, khu công viên văn hóa lịch sử Côn Sơn, khu công viên Vạn Trì - Kiếp Bạc, khu núi Trán Rồng, Nam Tào, Bắc Đẩu. Phân vùng khai thác đặc biệt thuộc vùng 1 là những khu vực liền kề với 3 khu vực bảo vệ đặc biệt (Côn Sơn, Kiếp Bạc và Phượng Hoàng). Định hướng không gian của phân vùng này nhằm ngăn chặn sự xâm thực vào di tích, tạo ra những tiện ích, chức năng phát triển khác cân bằng và hòa hợp với di tích. Đây là khu dịch vụ phục vụ lễ hội, du lịch tham quan, ngoạn cảnh mang yếu tố tâm linh nên việc quy hoạch xây dựng để khai thác cũng rất cẩn trọng và phải đạt được mục tiêu là tôn vinh những di sản hiện có. Các công trình xây dựng mới cần nghiêm ngặt khống chế chiều cao, mật độ xây dựng và khối tích tránh làm ảnh hưởng đến di tích. Khuyến khích xây dựng công trình có kiến trúc tôn giáo, kiến trúc truyền thống có hình tượng nghệ thuật cao, kiến trúc sinh thái hòa hợp với địa hình, địa vật của tự nhiên.



Phối cảnh tổng thể quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan khu Kiếp Bạc

Bên cạnh vùng bảo tồn và khai thác đặc biệt đã có những định hướng quy hoạch phát triển vùng đệm và bảo tồn khai thác di tích riêng biệt (vùng 2). Đây là vùng bảo vệ cho vùng bảo tồn và khai thác đặc biệt (vùng 1). Những hoạt động kinh tế diễn ra trong khu vực chưa gây nguy hại trực tiếp đến vùng bảo tồn và khai thác đặc biệt, nhưng lâu dài sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường cảnh quan và các công trình di tích. Vì vậy, thiên nhiên vùng đệm phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Chỉ cho phép đầu tư xây dựng các dự án vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm bền vững môi trường.

Việc quy hoạch cho diện mạo mới của Côn Sơn - Kiếp Bạc như vậy, song việc lập dự án, đầu tư xây dựng cần có lộ trình. Kinh phí đầu tư tôn tạo, xây dựng khu vực bảo tồn đặc biệt và khu khai thác đặc biệt cần hàng chục nghìn tỷ đồng. Các công trình được định hướng đầu tư xây dựng tới năm 2015 và 2020, huy động nhiều nguồn vốn đầu tư như vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách tỉnh, vốn của các doanh nghiệp và các nguồn vốn khác trong và ngoài nước. Trong năm 2012, một số công trình quan trọng đã được khởi công xây dựng. Trước hết là xây dựng, mở rộng đường giao thông từ quốc lộ 37 vào Kiếp Bạc và Côn Sơn, với quy mô đường rộng 32 m. Ngành giao thông vận tải đang triển khai giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng công trình đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, dự kiến tổng kinh phí trên 700 tỷ đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đầu tư, xây dựng, tôn tạo di tích đền Kiếp Bạc, xây dựng tòa cửu phẩm liên hoa khu vực chùa Côn Sơn, với kinh phí hơn 145 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh. UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu Côn Sơn Resort có diện tích 90,7 ha. Tại đây sẽ hình thành khu du lịch, biệt thự, nhà vườn cao cấp, kết hợp với các dịch vụ nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, hòa mình với thiên nhiên.

Để thực hiện Quy hoạch tổng thể khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, cần có sự quan tâm hơn nữa của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh, các nhà đầu tư. Nhiều công trình, nhất là vùng khai thác đặc biệt được tỉnh kêu gọi đầu tư với hình thức xã hội hóa trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ. Trong tương lai không xa, khu di tích lịch sử Côn Sơn- Kiếp Bạc là điểm đến đầy ấn tượng của du khách trong và ngoài nước và mở ra triển vọng nhiều mặt về phát triển kinh tế - xã hội.

TRẦN HOÀNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phác thảo Côn Sơn - Kiếp Bạc trong tương lai