Pha sau "Cánh rừng đã bay về trời"

10/03/2013 06:03


Nhà thơ Trần Nhuận Minh vừa cho ra mắt tập thơ thứ 17, tập Cánh rừng đã bay về trời (NXB Hội Nhà văn), "chọn từ ba tập bản thảo đang soạn mà tôi biết là tôi không còn nhiều sức lực và thời gian để đi đến tận cùng" (lời tâm sự cuối sách).

Trong tập thơ, vẫn còn đôi nét chấm phá về tình yêu thường gặp: Em đi khăn áo che ngang mặt/ Nào biết em xinh đến thế nào. Có những bài sáng tác theo phong cách dân gian: Một lần em ghé qua đây/ Đánh rơi một chiếc lông mày xuống sân... Nhưng, đọc kỹ, thì đấy mới là những cây cỏ ở ngoài bìa rừng. Trên 40 bài thơ còn lại là một ý tưởng khác, kết cấu khác, giọng điệu khác. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: "Vạm vỡ, gan ruột, nhiều tầng vỉa, đó là Trần Nhuận Minh". Ta bắt gặp nhiều cảnh xót xa trong cuộc sống. Chị nông dân đi xe máy tới nơi mò hến, "trưa ăn suông một cái bánh mì", con nhắn tin "mẹ ơi nhà hết gạo"; "Những con lợn nuôi bằng thai nhi nạo, khi chọc tiết khóc thét như người"... Đọc các bài Đồng quê, Đô thị, thấy rõ sự khốc liệt của kinh tế thị trường. Anh chồng có vợ đi Đài Loan, nơi có "năm nghìn vụ hiếp dâm mỗi năm", vẫn tin ở sự may mắn của vợ "để hằng tháng nhận tiền, cả nhà sẽ bớt xót xa". Thơ nói đến cái bản chất của hiện tượng: con chim đến thăm bông hoa, không phải vì hoa mà vì con sâu dưới cánh hoa. Ngẫm tình người, thì "Thủy chung tình đồng chí/ Bồng bềnh ngoài đầu môi/ Bạn bè ân với nghĩa/ Cũng theo dòng nước trôi". Thậm chí, còn đau xót hơn: "Bạn tốt sốt ruột chờ ta chết, kề dao nhọn sau lưng/ Kẻ thù ném bánh mì cho ta ăn khi ta đói".

Cánh rừng đã bay về trời ngồn ngộn những chiêm nghiệm, sẻ chia. Vẫn còn nguyên đó một cánh rừng rậm rạp, với những câu thơ bắt buộc người đọc không thể chỉ đọc lướt một lần. Một bài thơ chỉ có hai câu: "Trước khi đọc điếu văn/ Vẫn phải ngủ một giấc", là có ý gì? Tác giả chủ trương làm thơ "người đọc không hiểu một lúc điều mình muốn nói". Đi thăm nước ngoài, tác giả ngộ ra nhiều điều. Ghi ở Vancouver, mấy lần lặp lại nhận xét "Núi sông không có anh hùng/ Bình yên cho mọi cõi lòng, màu da". Những con cá hồi Trên đỉnh rừng Undersea Garden, "Cá tìm về đúng nơi nó đã sinh ra/ Ở ngọn nguồn những con suối hoang/ Đẻ hết trứng đến kiệt sức/ Rồi lặng im/ Thanh thản chết trên những hòn đá cuội".

"Nửa đời tìm nắng trong mưa/ Nửa đời đi tới cái chưa có gì" (trong bài Nghìn xưa) chỉ là một cách nói. Nhà thơ đã thấu hiểu cái “chưa có gì” ấy, về đức tin (các bài Những ngôi sao, Tự nhiên), về sự thật (các bài Thời ấy, Còn bao nhiều thời gian), về bất hạnh mà mỗi con người nếm trải: buồn phiền, ganh ghét, hận thù, đối kháng... Tất cả đâu đã theo "cánh rừng bay về trời"?

Nhưng thật ấm lòng, ở cuối tập thơ, ta bắt gặp các bài thể hiện tấm lòng gắn bó với văn chương, với mảnh đất, với con người mình chung sống. Để có những câu thơ như Muối, như Trống, như Lửa. Để có một niềm tin mãnh liệt: Tôi luôn luôn nghĩ/ Vẫn có ai chờ đợi tôi ở phía cuối con đường/ Tôi không thể nào không đến đó... Và thật cảm động, khi tác giả ước nguyện:
Sống tôi gửi tiếng ho khuya khoắt
Chết gửi hồn xốp nhẹ như bọt biển
Sóng dềnh lên
Táp vào mỗi lòng người.


VƯƠNG BẠCH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Pha sau "Cánh rừng đã bay về trời"