Các nhà giáo cho rằng phá bỏ sự lệ thuộc vào sách giáo khoa (SGK) là xu hướng tất yếu và một cơ sở giáo dục có thể dùng nhiều bộ sách, miễn là phù hợp với học sinh.
Trước đây, quan điểm "SGK là pháp lệnh" được đề cao. Tuy nhiên, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã thực hiện nguyên tắc "một chương trình - nhiều bộ SGK" đồng nghĩa xóa bỏ hoàn toàn quan điểm "SGK là pháp lệnh" để chuyển sang quan điểm mới "chương trình là pháp lệnh".
Điều này đồng nghĩa với việc giáo viên sẽ dạy học theo chương trình, không phải theo SGK. Ưu điểm của quan điểm này là khi đã dạy học theo chương trình, giá trị cao thấp và những bất cập trong SGK không cản trở quá nhiều đối với việc dạy học.
Vừa qua, tại buổi gặp gỡ với các giáo viên, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn cũng một lần nữa nêu lại vấn đề này khi cho rằng các nhà giáo cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng SGK.
Ông Sơn phân tích trong giai đoạn trước, chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào SGK. Nhưng sự thay đổi lớn của lần này là chương trình thống nhất toàn quốc, SGK là học liệu - cũng có thể là học liệu đặc biệt nhưng cần sử dụng SGK một cách chủ động, không lệ thuộc.
"Đó là công cụ và chúng ta sẵn sàng sử dụng các bộ SGK khác, các học liệu khác, sử dụng một cách linh hoạt, phát huy quyền chủ động".
Theo ông Nguyễn Kim Sơn nếu không thay đổi được cách tiếp cận về SGK, chúng ta không đạt được điểm đổi mới rất quan trọng.
Ngoài ra, nhiều trường cũng cho phép giáo viên đưa ra cách thức, phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy một cách linh hoạt, phù hợp với năng lực của học sinh.
Theo hiệu trưởng một trường THPT ở Hải Phòng, ông rất ủng hộ quan điểm SGK là học liệu và chúng ta có thể sử dụng một cách chủ động, không lệ thuộc.
“Đã là SGK kiến thức phải chuẩn, phù hợp. Nội dung trong SGK cũng không được quá hàn lâm, không gây tranh cãi nhiều về kiến thức.
Tôi ủng hộ quan điểm có thể dùng SGK như một học liệu và một cơ sở giáo dục có thể dùng nhiều bộ sách miễn là phù hợp với học sinh. Việc này, theo tôi tạo ra cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục, cạnh tranh về giá cả, chất lượng, nội dung, miễn là bám vào chuẩn vào khung chương trình chung".
Ở trường THPT này, giáo viên được phép bám chuẩn kiến thức của chương trình và tùy điều kiện và mức độ nhận thức của học sinh để xây dựng, thiết kế thêm nội dung dạy học, thậm chí điều chỉnh để phù hợp kiến thức kỹ năng của học sinh.
Vị hiệu trưởng lấy ví dụ: "Với một nội dung, trước kia giáo viên chỉ dạy 1 tiết nhưng nay có thể tăng lên 3 tiết. Bộ GDĐT cũng cho phép nhà trường có những điều chỉnh nội dung dạy học cho phù hợp”.
Cụ thể hơn, ở môn Lịch sử, có trường cho học sinh học 1 tiết/ tuần, trường khác lại học 2 tiết/1 tuần. Bên cạnh đó, tùy từng nội dung, giáo viên bộ môn xây dựng học liệu riêng của tổ mình với sự phê duyệt thống nhất của tổ bộ môn cũng như nhà trường, mục tiêu là có bài giảng hấp dẫn, phù hợp.
Theo các nhà giáo, muốn làm được điều này cần tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội tiếp cận với các nguồn học liệu bản quyền tiên tiến. Giáo viên cũng được trải qua tập huấn, đào tạo về phương pháp giảng dạy để có thêm lựa chọn từ các nguồn học liệu đa dạng để thiết kế các hoạt động dạy học phong phú khác nhau.
Trao đổi với VietNamNet, bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết chương trình dạy học của trường theo hướng mở dựa trên khung năng lực và chuẩn của Bộ GDĐT.
"Khi chọn sách chúng tôi cũng không chọn một bộ, với mỗi môn học có thể lựa chọn những cuốn khác nhau ở những bộ sách khác nhau”, bà Na nói.
Bà Na cho biết thêm tùy theo từng bộ môn, các thầy cô có sự bàn bạc, thống nhất chọn bộ SGK nào. Ngoài ra, những lớp học sinh có năng lực học tập tốt, nhà trường cũng ủng hộ việc giáo viên biên soạn tài liệu riêng, điều kiện là có sự thống nhất trong tổ bộ môn.
“Giáo viên có thể vận dụng linh hoạt các nguồn học liệu, ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp dạy học khác nhau để đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh".
Theo bà Na, muốn các trường, giáo viên thay đổi phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, thay đổi thói quen lệ thuộc vào SGK, việc đổi mới thi cử cần mạnh mẽ hơn, có thể thi theo hướng mở ví dụ ở các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT...
Theo Vietnamnet