Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT: Chuyển đổi số từ những điều đơn giản

11/02/2021 17:00

Chuyển đổi số được kích hoạt thành công với nguyên lý 3H - bắt đầu từ trái tim (Heart), khao khát chuyển đổi, sử dụng trí óc, các thành tựu công nghệ tiên tiến (Head) rồi mới bắt tay vào hành động (Hand).


Ông Trương Gia Bình

Năm 2016, tôi được tặng một cuốn sách viết về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là tài liệu đầu tiên nói về cuộc cách mạng với mức độ toàn cầu và thực sự là câu chuyện thu hút tôi. Sau đó, chúng tôi được báo cáo về vấn đề này tại cuộc họp của Chính phủ. Khi chúng tôi chia sẻ câu chuyện này thì Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý phải nói rõ cần làm gì để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để hiểu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã cùng một số bộ trưởng đi thăm 5 nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Singapore và Estonia. Trong số các nước thì Estonia là một nước nghèo. Bài học đầu tiên chúng tôi có thể học là nghèo vẫn có thể đứng lên hàng đầu và cách mạng bao giờ cũng thay đổi trật tự của thế giới. Cách mạng có thể làm nước nghèo có thể giàu lên và vượt nước giàu.

Câu chuyện trong chuyến đi của chúng tôi đến Estonia rất xúc động. Kinh tế của đất nước này trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước rất khó khăn. Đất nước nghèo đến mức không còn tiền để trả lương cho bộ máy chính quyền. Các hoạt động sản xuất đều rất hạn chế. Trong bối cảnh đó, sau khi Liên Xô tan rã, người đứng đầu đất nước Estonia đã lựa chọn công nghệ thông tin làm định hướng phát triển cho đất nước. Và họ bắt đầu "chuyển đổi số" từ hoạt động điều hành của Chính phủ. Chính phủ bắt đầu từ những cuộc họp không giấy tờ bằng việc trang bị cho các thành viên nội các mỗi người một chiếc máy vi tính. Chính phủ Estonia cũng triển khai tham vấn điện tử để ra quyết sách một cách nhanh nhất. Mỗi khi có một văn bản cần xin ý kiến của các thành viên chính phủ, những cơ quan liên quan, cơ quan chủ quản đăng tải lên hệ thống điện tử để những người liên quan cho ý kiến. Khi thực hiện hình thức tham vấn này, những cuộc họp ở Estonia rất ngắn vì họ chỉ thảo luận về những vấn đề chưa thống nhất. Đấy chính là một trong những phương thức của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nó cực kỳ đơn giản. Điều kiện của Hải Dương hiện nay so với Estonia tốt hơn rất nhiều.

Kinh nghiệm thứ hai tôi muốn chia sẻ là về phát triển kinh tế-xã hội ở Malaysia. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Malaysia là một trong những nước có sự quản lý hành chính nhà nước tốt nhất. Khi chúng tôi đến Malaysia thì có gặp một chuyên gia của Chính phủ. Ông có phương pháp luận giống như một phép màu, đó là những chuyện lớn có thể làm rất nhanh và có kết quả cụ thể. Malaysia đã áp dụng phương pháp luận này nhằm triển khai các đề án kinh tế một cách hiệu quả và tạo động lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta có thể tham khảo phương pháp luận và cách làm của Malaysia để chuyển đổi số. Đầu tiên là cần đề ra mục tiêu làm gì và mọi người thống nhất mục tiêu đó. Ở Malaysia, sau khi nghiên cứu người ta đặt ra các mục tiêu để phục vụ người dân tốt hơn trong các lĩnh vực: bảo đảm an ninh, an toàn giao thông, giáo dục, y tế và cải cách hành chính. Và đặt ra bài toán làm thế nào để phát triển kinh tế nhanh nhất. Ví dụ như để tăng trưởng xanh, chuyển đổi số thì phải phân tích rất sâu sắc để lựa chọn lĩnh vực thực hiện, tạo ra những kết quả cụ thể. Hải Dương cần làm việc cùng các chuyên gia hàng đầu để tính toán, giải bài toán và có những giải pháp tối ưu để tăng trưởng kinh tế. Từ những định hướng chiến lược cần cụ thể hóa kịch bản phát triển kinh tế-xã hội trong 5 năm tới. Bởi vì nguồn lực ngân sách còn hạn chế và không tăng đột biến nên phải tính toán cụ thể khi ưu tiên lĩnh vực để đầu tư phát triển.

Chuyển đổi số chính là phương thức để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tôi muốn chia sẻ một số bí quyết để thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay, bằng cách này hay cách khác, nhiều nơi đã thực hiện chuyển đổi số nhưng gặp thất bại. Nguyên nhân thất bại do cách đặt vấn đề và cách triển khai. Tôi xin chia sẻ công thức 3H (Heart-Head-Hand). Đây cũng là công thức FPT đang làm cho chính mình, làm cho khách hàng của mình và tiếp thu từ một chuyên gia hàng đầu thế giới về chuyển đổi số. Thứ nhất là trái tim (Heart). Chúng ta muốn làm cho Hải Dương phát triển kinh tế nhanh hơn, "màu cờ sắc áo" của tỉnh rõ hơn và người dân ngày càng hạnh phúc nên đã chọn con đường chuyển đổi số, là con đường cách mạng. Cách mạng là sự nghiệp của toàn dân nhưng quan trọng phải được dẫn dắt bởi người đứng đầu, khát vọng của người đứng đầu.

Khát vọng của người đứng đầu là cực kỳ quan trọng. Nếu không có khát vọng thì không làm được cách mạng. Và cách mạng phải đi từ trái tim. Chúng ta phải nói sao cho mọi người đồng tâm, đồng chí, đồng lòng. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là tương lai cuộc sống. Vì sao dám mạnh mẽ khẳng định như vậy? Bởi vì chúng ta thấy hết rồi, khi mình làm nông nghiệp người ta làm công nghiệp thì mình thua. Khi mình làm tay, người ta làm máy thì mình thua nốt. Đến bây giờ trí tuệ nhân tạo có thể thay ta làm công việc trí óc thì cái trí óc nó hơn tay, hơn chân nhiều lần. Cho nên nếu chúng ta không bắt kịp cách mạng 4.0 thì chúng ta sẽ thua thảm hại.

Khi trái tim muốn rồi thì chúng ta rất dễ chọn làm việc này, làm việc kia. Tôi nghĩ là với điều kiện của Hải Dương, chúng ta nên đi vào một số lĩnh vực trên nền tảng phát triển là xanh - số. Cái đầu (Head) sẽ suy nghĩ trên nền tảng xanh, chúng ta trồng một số "cây". Ví dụ "cây" du lịch. Chuyển đổi số để cả thế giới này biết về Hải Dương, kéo đến Hải Dương. "Cây" tiếp theo trên nền xanh đó là chúng ta làm nông nghiệp công nghệ cao. Ví dụ như truy xuất nguồn gốc sẽ gia tăng được 50% giá trị nông sản, tạo điều kiện thuận lợi để gia nhập các thị trường lớn, khó tính. Đà Lạt làm nhà màng, điều khiển tự động, sao Hải Dương chưa làm được, khi công nghệ chúng ta đều có? Làm thế nào điều đó xảy ra ở Hải Dương, theo tôi chúng ta phải phát huy năng lực của chính mình. Trợ lực tốt nhưng nội lực rất quan trọng. Và cuối cùng, sau khi có trái tim muốn rồi, ta biết ta cần làm gì thì ta bắt tay (Hand) vào làm ...

Một công thức để chuyển đổi số tiếp theo là 3S (Smart-Small-Scale). Chuyển đổi số cần bắt đầu thông minh (Start Smart), ở quy mô nhỏ (Small) để đánh giá, khi thành công sẽ nhanh chóng mở rộng (Scale). Ví dụ ở đất nước Estonia liên quan đến không giấy tờ, một cái chuyển đổi số rất đáng kể mà lại có thể đơn giản, làm ngay được. Chúng ta cần chọn những mục tiêu, vấn đề từ nhỏ đến lớn. Sau khi làm xong, làm tốt thì chúng ta mới nhanh chóng triển khai đồng loạt.

Tóm lại, chuyển đổi số cũng giống như làm cách mạng, chúng ta phải có được sự đồng lòng từ trên xuống dưới và toàn thể người dân phải xuất phát từ những động cơ, mong muốn tốt đẹp. Và niềm vui, kết quả khi chuyển đổi số đúng, chuyển đổi số thành công là rất lớn, cho tất cả mọi người...

​HOÀNG BIÊN(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT: Chuyển đổi số từ những điều đơn giản