Trước bước leo thang chiến tranh thương mại làm rung chuyển kinh tế toàn cầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi các cố vấn kinh tế ông tin tưởng nhất tới họp tại Nhà Trắng.
Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn kinh tế đang tìm cách đối phó với cuộc chiến thương mại với Trung Quốc ngày càng leo thang
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23.8 tuyên bố nâng thuế thêm 5% với 550 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là đòn đáp trả nặng ký trong thương chiến Mỹ - Trung sau khi Bắc Kinh tuyên bố áp thuế lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
"Trung Quốc lẽ ra không nên áp thuế 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Từ ngày 1.10, 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đang bị đánh thuế 25% sẽ chịu mức 30%. Còn 300 tỷ USD hàng hóa vốn được lên kế hoạch bị đánh thuế từ ngày 1.9 ở mức 10%, giờ sẽ lên mức 15%", Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter.
Tập hợp biệt đội thương chiến
Cuộc họp khẩn ngày 23.8 có đủ những những cái tên nổi bật nhất trong đội hình cố vấn kinh tế của ông Trump.
Ngồi trong Phòng Bầu dục có Peter Navarro, chuyên gia kinh tế với lập trường "diều hâu" chống Trung Quốc, nổi tiếng nhờ những bình luận trên truyền hình; trưởng cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, một nhân vật ủng hộ thuế quan, cũng góp mặt.
Tham dự qua điện thoại vì chưa kịp về Washington sau kỳ nghỉ còn có Bộ trưởng Steven Mnuchin, lãnh đạo Bộ Tài chính Mỹ từng kiếm hàng triệu USD nhờ khủng hoảng nhà ở rồi đầu tư vào Hollywood.
Giới phân tích đang lo ngại về đội hình cố vấn này của Tổng thống Trump không đủ giỏi để hỗ trợ ông trong giai đoạn cam go sắp tới.
Những người tiền nhiệm của ông thường dựa vào các học giả kinh tế hàng đầu, lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức giàu kinh nghiệm để đưa ra quyết sách. Nhà lãnh đạo 73 tuổi chọn con đường riêng. Ông xây dựng đội hình cố vấn phần lớn dựa vào lòng trung thành hơn là chuyên môn.
Theo Austan Goolsbee, cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống Barack Obama, ông Trump trong giai đoạn này cần có những cố vấn thật sự tài năng bên cạnh.
"Tình huống càng khó khăn, vai trò các cố vấn giỏi càng quan trọng. Tuy nhiên, Tổng thống Trump không có dấu hiệu gì cho thấy ông đang lắng nghe những chuyên gia kinh tế. Có lẽ điều này khiến thành phần đội hình kinh tế cũng không mấy quan trọng. Tuy nhiên, viễn cảnh chúng ta rơi vào suy thoái thật sự đáng sợ", Goolsbee nhận định.
Uy tín bị hoài nghi
Lo ngại về tình hình kinh tế, Tổng thống Trump bắt đầu tìm thêm tiếng nói cố vấn cho mình.
Ông đã liên lạc với nhiều người bạn như Robert Kraft, chủ đội bóng bầu dục New England Patriots, và Lou Dobbs, người dẫn chương trình của Fox Business Network.
Theo tiết lộ của hai quan chức Đảng Cộng hòa thân thiết với Nhà Trắng, Tổng thống Trump thường cằn nhằn về chất lượng của những lời khuyên mà đội ngũ cố vấn đưa ra.
Đội ngũ của ông Trump tập trung chủ yếu vào thông điệp của chính sách. Họ muốn thuyết phục người dân rằng tình hình không đáng lo ngại. Với mức độ tiêu dùng hiện nay của người Mỹ cùng chỉ số thất nghiệp thấp 3,7%, các cố vấn tin thị trường không có lý do gì phải sợ suy thoái.
Trong khi trên thực tế, tổng sản lượng quốc nội và niềm tin của người tiêu dùng đang có dấu hiệu suy giảm còn thị trường chứng khoán liên tục biến động.
Việc tập trung thể hiện sức mạnh của Nhà Trắng quá đà nhiều lúc khiến giới quan sát phải hoài nghi uy tín của nhóm cố vấn.
Larry Kudlow, trợ lý hàng đầu của ông Trump về mảng kinh tế, năm 2017 từng khẳng định trên CNBC rằng số tiền 1.500 tỷ USD giảm thuế đã "tự chi trả cho bản thân" thông qua tăng trưởng. Tuy nhiên, thực tế là thâm hụt ngân sách trong năm 2019 đã tăng 20%.
Bộ trưởng Mnuchin năm 2018 từng tuyên bố với truyền thông rằng Washington đang lên kế hoạch giảm thuế cho tầng lớp trung lưu Mỹ. Lời hứa trước bầu cử giữa kỳ đến nay chưa được thực hiện.
Cố vấn thương mại Peter Navarro, người ủng hộ nhiệt thành nhất của hàng rào thuế quan, đầu tháng 8 khẳng định với CNN rằng tăng thuế nhập khẩu "sẽ không làm hại ai".
Trong khi đó, hàng loạt nhà bán lẻ đang kêu cứu vì lợi nhuận giảm. Nhiều nghiên cứu chuyên ngành chỉ ra rằng người tiêu dùng Mỹ đang phải trả giá cho những phát "đại bác" áp thuế mà Mỹ nhắm vào Trung Quốc.
Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn, cựu chủ tịch Goldman Sachs, và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Kevin Hassett, tiến sĩ kinh tế học, là hai quan chức có chuyên môn về kinh tế được đánh giá cao nhất trong đội hình của ông Trump. Cả hai lại vừa rời Nhà Trắng.
Ảnh hưởng tới cuộc đua 2020
Tổng thống Trump quay sang đổ lỗi cho Cục Dự trữ Liên bang (FED). Ngày 24.8, ông lại tuyên bố nếu Chủ tịch FED Jerome Powell muốn từ chức thì ông cũng không ngăn cản.
Uy tín cá nhân và sự độc lập chính trị luôn được xem là yếu tố then chốt của vị trí lãnh đạo FED nhằm trấn an thị trường tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, ông Trump liên tục tạo sức ép với Bộ trưởng Mnuchin vì đã đề cử Powell, người bị ông chỉ trích là không cắt giảm lãi suất nhanh như yêu cầu.
Đối với tổng thống Mỹ, bản chất mối lo của ông về tình hình kinh tế có lẽ không phải là về suy thoái. Nhà lãnh đạo 73 tuổi không muốn tăng trưởng giảm tốc độ làm ông mất thể diện. Ông từng hứa với cử tri rằng nền kinh tế quốc gia sẽ tốt hơn khi ông là người cầm lái con tàu chính sách.
Tổng thống Trump đã cam kết tăng trưởng kinh tế vượt mốc 3%/năm. Dự báo của Văn phòng Ngân sách Hạ viện tuần qua cho biết tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ nằm gần con số 2% và dự kiến tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Việc để xảy ra suy thoái là kịch bản xấu nhất mà ông mong muốn về mặt chính trị. Giảm tốc độ tăng trưởng giáng đòn nặng ký lên cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Trump. Nhà lãnh đạo cùng đội ngũ vì vậy liên tiếp tìm cách đẩy trách nhiệm bằng những công kích nhắm vào FED, theo tiết lộ của một cựu quan chức cấp cao Nhà Trắng.
Ông Trump có thể trấn an thị trường và nới lỏng sức ép cho nền kinh tế bằng cách giảm nhiệt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Thực tế những ngày qua cho thấy ông quyết đi theo hướng ngược lại.
Theo Douglas Holtz-Eakin, cựu giám đốc Văn phòng Ngân sách Hạ viện, cách Nhà Trắng đưa ra các quyết sách về kinh tế hiện tính ứng phó theo tình huống nhiều hơn.
Ông cảnh báo Tổng thống Trump sẽ sớm nhận được bài học rằng thị trường ít khi nào chịu nghe lệnh ai.
"Họ đang chuốc lấy bài học đau đớn rằng Nhà Trắng không thể chỉ đạo nền kinh tế. Đây là nước Mỹ. Nền kinh tế như một con thú khổng lồ, mang nhiều gương mặt và chỉ thích làm theo ý mình", Holtz-Eakin ví von.
Theo Zing