So với nhiều đồng đội, cuộc sống hiện nay của cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Tạo ở thôn Cao Ngô, xã Liên Hòa (Kim Thành) khá giả hơn. Ông Tạo bây giờ có của ăn của để, không còn nghèo khổ như trước.
Mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Văn Tạo thu lãi hơn 300 triệu đồng từ xưởng mộc
.
Gia đình vốn làm nghề mộc gia truyền nên từ khi còn nhỏ ông Tạo đã biết phụ giúp bố mẹ chạm, đục gỗ. Là người cẩn thận lại ham học hỏi nên ông sớm nối nghề của gia đình. Năm 1979, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Tạo cùng hơn 40 thanh niên trong xã xung phong lên đường làm nhiệm vụ ở đơn vị C371 thuộc Lâm trường Ba Chẽ (Quảng Ninh) để bảo vệ chủ quyền biên giới.
Khi đến Ba Chẽ, ông và đồng đội được phân công đào hào, vót chông, trồng cây giữ đất, giữ rừng, ngày đêm thay nhau canh gác, hỗ trợ lực lượng quân đội. Những ngày đó cuộc sống kham khổ nhưng ai cũng một lòng vì đất nước. Cũng tại đây ông và vợ được đơn vị tổ chức thành hôn. Cuối năm 1981, vợ chồng ông về quê sinh sống.
Trở về quê hương, ông Tạo phát triển nghề mộc gia truyền. Lúc đầu, ông làm thuê khắp nơi, sau đó mở một xưởng mộc nhỏ ở làng. Nhờ đôi tay khéo léo, ông Tạo đã làm ra nhiều sản phẩm đẹp như tủ, giường, bàn ghế... Nhiều năm trước, làm mộc còn thủ công nhưng hơn chục năm nay, ông Tạo đầu tư trên 200 triệu đồng mua máy xẻ gỗ, máy bào... để giảm nhân công, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, ông vẫn tự khắc, chạm các chi tiết hoa văn.
Năm nay ông Tạo 62 tuổi, vóc dáng nhỏ bé, tác phong nhanh nhẹn. Tính ông cẩn thận nên có nhiều khách hàng đặt mua sản phẩm. “Từ khi mở xưởng mộc đến nay tôi chưa bao giờ hết việc. Khách xa gần đến đặt đồ thường xuyên”, ông Tạo chia sẻ.
Tùy tính chất công việc mà ông thuê thợ làm nhiều hoặc ít. Những lúc cao điểm, ông thuê 8 thợ phụ. Mỗi năm, gia đình ông thu lãi từ xưởng mộc hơn 300 triệu đồng.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Tạo cũng tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông đã được các cấp Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Kim Thành khen thưởng vì làm kinh tế giỏi. Vợ chồng ông có 1 con trai, 1 con gái. Con gái lớn đã lấy chồng, con trai nối nghiệp cha. Ông Tạo chia sẻ: “Giữ nghề và sống khỏe với nghề là điều may mắn với tôi. Đã có lúc khó khăn khiến tôi muốn bỏ nghề mộc để đi làm việc khác nhưng ý chí của một cựu thanh niên xung phong đã giúp tôi bám trụ được với nghề”.
MINH NGUYÊN